Bản lĩnh Việt Nam trước thử thách an ninh chủ quyền

“Kim tự tháp Ai Cập không xây được trong một đêm”, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam không phải trong một ngày mà có.

Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, dân tộc ta phải đối đầu với những kẻ thù hùng mạnh, đông gấp bội. Không muốn làm nô lệ thì chỉ còn cách dám đánh, biết đánh, biết thắng. Đây có lẽ là nguyên nhân chính hình thành nên bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Chiến tranh du kích, lối đánh du kích gần như là lối đánh sở trường của Việt Nam, nhưng, không có nghĩa trong lịch sử chiến thắng oai hùng của Việt Nam chỉ có những trận chiến mang tính nhỏ lẻ của lối đánh du kích mà luôn luôn có những trận quyết chiến chiến lược để kết thúc chiến tranh.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy những trận quyết chiến chiến lược mang tính đối kháng cao như trận 10 vạn quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, đánh tan 30 vạn quân Thanh là rất hiếm. Chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, quân đội NDVN đã tiến hành 2 cuộc quyết chiến chiến lược mà tính đối kháng rất cao, đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam ở một tầm cao mới.

Điện Biên Phủ - Quân Pháp đã xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” thách thức Việt Nam tấn công. Tính đối kháng và quyết liệt đến mức Bác Hồ xác định “nếu ta thua là hết vốn”.

Chiến hạm Lý Thái Tổ của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm là ông de Castries luôn huênh hoang, rải truyền đơn “mời tướng Giáp” đến để tấn công. Tướng Giáp đã đến và với 56 ngày đêm, quân Pháp thất thủ, tướng de Castries bị bắt làm tù binh. Việt Nam ghi điểm tuyệt đối. Không những những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới mà ngay kẻ thù thua cũng “tâm phục khẩu phục”. Thua là thua bởi bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Trận thứ 2, đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ từ ngày 18 – 28/12/1972 trên bầu trời Hà Nội.

Không “lịch sự” như Pháp, bằng tất cả các phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại nhất của thế kỷ 20, đặc biệt là “pháo đài bay B52 bất khả xâm phạm” Mỹ dùng một số lượng lớn tập kích vào Hà Nội của Việt Nam khủng khiếp nhất, tập trung nhất trong lịch sử chiến tranh.

Mỹ tuyên bố đưa Việt Nam vào thời kỳ đồ đá” để buộc Việt Nam đến Pa-ri ký giấy đầu hàng. Có thể nói trận này, Mỹ áp đặt lối chơi, thời gian và địa điểm, bất chấp Việt Nam có chống trả hay không thì thắng lợi của Mỹ dễ như đi dạo.

Tính đối kháng là một mất một còn. Việt Nam không thể rời Thủ đô trở lại Tân Trào như năm 46 hoặc “chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì thôi” như trong trận Điện Biên Phủ. Việt Nam không còn con đường nào khác là phải chấp nhận trận chiến.

Rốt cuộc, kết quả Việt Nam đã thắng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Thua trận, Mỹ không còn lý do cho rằng Việt Nam lẫn tránh, toàn chơi du kích, mưu mẹo lừa lọc…mà “tâm phục khẩu phục”...Hơn ai hết, Mỹ hiểu rằng, để chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn, để vít cổ siêu đài bay Hoa Kỳ thì chỉ có bản lĩnh, trí tuệ. Cũng như Pháp, Mỹ thua là thua bởi bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Có thể nói, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong chiến tranh BVTQ đã được hun đúc, vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác, là kết tinh của lòng yêu nước căm thù giặc. Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước nguy cơ, thách thức an ninh chủ quyền

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Đặc biệt là tình hình biển Đông đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường, thách thức đến an ninh chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Trong tình hình đó, một lần nữa, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã thể hiện và phát huy cao độ trước các nguy cơ, thách thức.

Đó là bản lĩnh vững vàng của Đảng CS Việt Nam, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng đã tự phê bình nghiêm túc thẳng thắn những yếu kém, khuyết điểm, kiên quyết làm trong sạch nội bộ để vẫn mãi là “nguyên nhân mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Bản lĩnh Việt Nam là sự bình tĩnh, tự tin trước âm mưu thâm hiểm của các thế lực thù địch, trước những hành động hung hăng, hiếu chiến, ngang ngược đe dọa dùng vũ lực của thế lực bành trướng, bá quyền nước lớn.

Bản lĩnh Việt Nam là yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình không lệ thuộc, một nền hòa bình mà toàn vẹn chủ quyền không bị xâm hại, kiên quyết đấu tranh vì hòa bình dù chỉ còn cơ hội mỏng manh, nhưng không bao giờ sợ chiến tranh, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bản lĩnh mà không có trí tuệ chẳng khác nào “hữu dũng vô mưu”. Mỹ thua trận ở Việt Nam nhưng vẫn thẳng thắn cho rằng “Nếu Việt Nam chỉ anh hùng thôi thì Mỹ đã nghiền nát Việt Nam, nhưng Việt Nam còn rất thông minh sáng tạo nên Mỹ phải thua”.

Trí tuệ Việt Nam trước hết là hoạt động đối ngoại khôn khéo để tạo thế trận có lợi trong khu vực, thêm bạn, bớt thù. Đó là sự kết hợp giữa hợp tác kinh tế với an ninh chủ quyền, dựa vào công ước quốc tế, luật biển, cùng với vị trí địa lý của mình, Việt Nam đã biến chủ quyền, quyền chủ quyền thành những địa chỉ đáng tin cậy cho hợp tác kinh tế với bạn bè, đối tác.

Đụng đến Việt Nam là đụng đến bạn bè Việt Nam, cho nên, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền không những là lý trí mà còn cả trách nhiệm.

Thế của Việt Nam trên khu vực đã vững chắc, ổn định hơn bao giờ từ trước tới nay. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, Việt Nam không đứng một mình mà có nhiều sự ủng hộ quý báu của bè bạn.

Thế lấy lực làm cơ sở, do lực quyết định, cho nên khi không có sức mạnh, tiềm lực quốc phòng thì thế sẽ triệt tiêu. Bởi vậy, trí tuệ Việt Nam là sự sáng suốt, nhạy bén trong công tác tổ chức xây dựng lực lượng, hiện đại hóa Quân đội.

Dù còn nghèo, Việt Nam quyết định đưa “Hải quân, Phòng không –Không quân, Tác chiến điện tử, Radar và Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại”.

Trong chiến tranh hiện đại, một quốc gia hùng mạnh có nền quân sự hiện đại gây ra với một quốc gia nhỏ, năng lực quốc phòng hạn chế gần như có chung một phương thức tiến hành:

Đầu tiên (tác chiến điện tử), tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi trên vùng biển mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như “mù” và “điếc”.

Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại một cách dễ dàng và đánh phá các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng…

Vì vậy, muốn chiến thắng kẻ thù không cách nào khác là phải xây dựng Hải quân, PK-KQ, Tác chiến điện tử, Radar và lực lượng thông tin liên lạc hiện đại, tinh nhuệ thiện chiến. Đây chính là mục tiêu, nhiệm vụ, hướng phòng thủ sống còn của Việt Nam trước một cuộc chiến tranh xảy ra trong tương lai.

Trí tuệ Việt Nam là không để Tổ Quốc bị bất ngờ mà trước hết là không bị bất ngờ về tầm chiến lược. Đó là sự chủ động chiến lược, là nắm chắc âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, các hình thái chiến tranh trong tương lai, từ đó sẽ có kế hoạch tổ chức, xây dựng lực lượng, bố trí lực lượng và chuẩn bị kỹ các cách đánh phù hợp.

Bài học đó chỉ có được từ máu xương mà thế hệ cha anh để lại từ trận Điện Biên Phủ trên không, rất bổ ích cho trí tuệ con cháu.

Trong hải chiến hiện đại, vị trí xuất phát tấn công của địch cũng chính là tuyến đầu của lực lượng phòng thủ. Đây là cơ sở cho chiến lược chống tiếp cận mà một quốc gia nhỏ, yếu tiến hành chống một quốc gia đi xâm lược có tiềm lực quân sự hiện đại.

Trí tuệ Việt Nam là sự nhanh nhạy, vận dụng chiến lược chống tiếp cận theo cách Việt Nam. Đó là mua sắm trang bị vũ khí ít nhưng hiện đại, nhỏ nhưng nhanh, uy lực mạnh bảo đảm sử dụng cho tác chiến hiện đại và hình thức tác chiến phi đối xứng. Hệ thống tên lửa bờ Bastion-P, tàu Gerpad, Su-30MK…là những cái tên đối phương phải nghĩ đến khi dự kiến vị trí xuất phát tấn công.

Chiến lược này Việt Nam đang tiến hành tổ chức thực hiện rất đúng hướng, khôn ngoan, nó sẽ trở nên hết sức lợi hại, sức răn đe ngăn ngừa chiến tranh trên biển không phải là nhỏ và do đó khả năng đương đầu, bảo vệ biển đảo là hoàn toàn có thể.

Có lẽ chưa bao giờ Việt Nam lại có thời gian, bình tĩnh, tự tin chuẩn bị cho phòng thủ bảo vệ Tổ quốc một cách khoa học, lớp lang như bây giờ. Trong điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn nhưng một số lực lượng chủ chốt đối đầu với cuộc chiến tranh nếu như nó xảy ra trong tương lai đã được trang bị vũ khí phương tiện hiện đại có khả năng đủ sức đương đầu.

Tuy nhiên, vũ khí mới chỉ là yếu tố quan trọng, bố trí nó ở đâu, sử dụng nó ra sao, cách đánh như thế nào để nó phát huy hiệu quả, tác dụng…mới là quyết định sự thành bại của của cuộc chiến. Điều này lại thuộc về bản lĩnh, trí tuệ của con người, của một dân tộc.

Thế giới chẳng ai nghi ngờ về bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Thế giới đã từng ngưỡng mộ bản lĩnh người Nhật dù cái chết đến gần mà vẫn bình tĩnh, không hốt hoảng khi sơ tán.

Nhưng hơn 10 vạn người Hà Nội bình tĩnh, không hốt hoảng khi cái chết có thể ập xuống lúc nào không biết trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, đã thế lại còn vít cổ thần tượng không lực Hoa Kỳ thì bản lĩnh này, trí tuệ này cũng rất đáng tự hào.

Với sự lãnh đạo của một Đảng dạn dày kinh nghiệm trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam ngày nay, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam đủ sức đương đầu với bất cứ kẻ thù nào.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại