Giải mật tài liệu CIA về trận hải chiến Trường Sa

Một tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vừa được giải mật cho biết thêm chi tiết và quan điểm của Mỹ trong trận hải chiến Trường Sa 1988.

Về toan tính của Trung Quốc

Tài liệu CIA đề ngày 8/8/1988 cho hay Việt Nam và Trung Quốc có xung đột tại Trường Sa vào tháng 3/1988 và bất đồng giữa hai bên có thể dẫn tới các đụng độ khác trong tương lai: “Việc Trung Quốc chiếm các đảo đá gần nơi Việt Nam đóng quân cho thấy khả năng lâu dài là Trung Quốc sẽ chọn giải pháp quân sự. Khi cả hai bên đều có hiện diện quân đội ở trên các đảo, khả năng xảy ra đụng độ vũ trang là khá cao”.

Báo cáo của  CIA nhận định: “Bắc Kinh có thể đã quyết định tấn công vào mùa xuân năm nay (1988) vì nhận thấy rằng sự chú ý của quốc tế đang hướng về tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia, đồng thời Trung Quốc muốn tìm cách khẳng định chủ quyền trước khi ASEAN giảm căng thẳng với Việt Nam. Báo chí Trung Quốc luôn chỉ trích Hà Nội gây căng thẳng bằng việc chiếm các đảo tại Trường Sa và đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc luôn tìm cách củng cố quan điểm này”.

CIA nói tính toán của Bắc Kinh có lẽ là cô lập hóa Việt Nam và phòng ngừa phản ứng từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tìm cách thuyết phục Philippines, Malaysia và Đài Loan rằng Trung Quốc chỉ nhắm vào một mình Việt Nam, chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo CIA, các hoạt động hải quân của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như việc xây dựng căn cứ tại các đảo ở Trường Sa nằm trong chiến lược lâu dài là khẳng định chủ quyền và buộc các nước khác từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình. Báo cáo nói quá trình triển khai “chưa từng thấy” của Trung Quốc tại Trường Sa cho thấy sự chuyển mình của hải quân nước này, với khả năng và sức mạnh đã vượt ra khỏi bờ cõi. Chiến dịch 6 tháng năm 1988 của Trung Quốc ở Trường Sa được cho là quy mô lớn nhất của Giải phóng quân Trung Quốc trên biển.

Về phản ứng của Việt Nam

Báo cáo của CIA nhận xét rằng trận hải chiến 1988 đã không làm cho Việt Nam sợ hãi: “Việt Nam đã đối phó với thách thức của Trung Quốc trên hai lĩnh vực ngoại giao và quân sự bằng cách mô tả mình như nạn nhân của sự xâm lược của Trung Quốc, trong khi củng cố các tiền đồn ở Trường Sa…”. Hà Nội một mặt mô tả Bắc Kinh như kẻ xâm lược và hiếu chiến, mặt khác muốn vận động Trung Quốc quay lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Việt Nam cũng đồng thời thúc đẩy thảo luận với các nước khác trong khu vực như Malaysia và Philippines.

Theo CIA, Việt Nam tích cực chuẩn bị cho khả năng chiến sự tiếp tục nổ ra với việc nâng cấp khả năng phòng thủ, đặt chỉ huy sở ở Vịnh Cam Ranh, điều chiến đấu cơ tới Phan Rang và sử dụng máy bay tuần ra biển..

Việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu phát tín hiệu rằng Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa bằng bất kỳ giá nào. Báo cáo CIA cho rằng hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ biển và có thể sẽ tìm cách dựng thêm một số cơ sở ngoài khơi để chặn bước tiến của hải quân Trung Quốc, đồng thời gia tăng áp lực ngoại giao.

Báo cáo của CIA cho rằng sau sự kiện 14/3/1988, Bắc Kinh có lẽ tính toán rằng xung đột hải quân với Việt Nam sẽ không diễn ra tiếp nữa và phản ứng của Việt Nam ngay sau sự kiện Gạc Ma có thể đã làm Bắc Kinh ngạc nhiên.

Về thái độ của Liên Xô

Báo cáo nói trên của CIA cũng nhận xét rằng Bắc Kinh có lẽ đã hài lòng khi thấy Moscow tỏ ra trung lập trong vấn đề Trường Sa. Khi đó Liên Xô đã lâm vào tình thế khó xử: vừa muốn giữ quan hệ với Việt Nam, vừa muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Báo cáo viết: “Liên Xô ủng hộ Việt Nam kêu gọi tìm giải pháp cho xung đột, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Rogachev đã bác yêu cầu của Việt Nam muốn Liên Xô cùng lên án hành động của Trung Quốc ở Trường Sa”.

Báo cáo CIA nhận định xung đột vũ trang khó có khả năng xảy ra tiếp trong năm 1988: “Cùng với việc Trung Quốc hoàn thành công việc xây dựng căn cứ trên đảo Chữ thập và 5 đảo đá khác, hoạt động hải quân của Trung Quốc đã lắng xuống”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại