Phát triển vũ khí thông minh, Mỹ đang "đốt tiền"?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Vũ khí thông minh thường được cho là "vũ khí của nhà giàu", rất đắt đỏ so với việc dùng vũ khí thường.

Trong bất kì lĩnh vực nào cũng có những điều công chúng tin chắc là đúng nhưng thật ra lại không phải là sự thật. Quân sự cũng không phải là ngoại lệ. Hãy cùng điểm qua top 10 kiến thức sai lầm phổ biến trong quân sự.

9. Vũ khí thông minh là sự lãng phí

Vũ khí thông minh là tên gọi chung cho các loại bom, đạn, tên lửa được trang bị công nghệ dẫn đường để tăng độ chính xác. Chúng thường được cho là "vũ khí của nhà giàu", rất đắt đỏ so với việc dùng vũ khí thường. Tuy nhiên suy nghĩ này không phải lúc nào cũng đúng.

Nếu tính về chi phí từng đơn vị thì vũ khí thông minh có thể đắt gấp hàng trăm lần vũ khí thông thường. Nếu như một quả đạn pháo 155mm thường có giá khoảng 300 USD thì Excalibur, loại đạn pháo dẫn đường bằng GPS mà quân đội Mỹ đang sử dụng, có giá lên tới 70.000 USD. Tương tự, giá một quả bom thông minh JDAM của Mỹ là khoảng 30.000 USD. Một tên lửa hành trình tàng hình JSSAM có giá lên đến nửa triệu USD. Tuy nhiên, nhờ vào sự chính xác của mình, sẽ cần ít vũ khí thông minh hơn để đạt được hiệu quả tương đương so với dùng vũ khí thông thường. Và qua đó giúp giảm số lượng phương tiện phóng rải cần thiết, như máy bay, tàu chiến…

JSSAM có giá đến 500.000 USD
JSSAM có giá đến 500.000 USD

Trong Thế chiến 2, để tấn công một nhà máy sản xuất ổ bi của Đức quốc xã, không quân Mỹ phải sử dụng đến gần 230 máy bay ném bom B-17 thực hiện ném bom rải thảm, với 36 chiếc bị bắn rơi. Bụi và khói từ những quả bom của các máy bay đến trước che chắn tầm nhìn của những chiếc đến sau và càng làm giảm độ chính xác. Nếu sử dụng bom thông minh, số lượng máy bay ném bom cần thiết sẽ giảm xuống nhiều lần.

Trong quá khứ, cần từ vài chục đến vài trăm máy bay ném bom để tấn công một mục tiêu duy nhất
Trong quá khứ, cần từ vài chục đến vài trăm máy bay ném bom để tấn công một mục tiêu duy nhất

Vũ khí thông minh còn giúp giảm gánh nặng về hậu cần. Một quả đạn pháo thông minh Excalibur có thể tiêu diệt một mục tiêu mà trước kia phải cần đến 10-20 quả đạn pháo thường. Số đạn pháo này có trọng lượng tương đương 500-1000kg, đồng nghĩa với việc số lượng phương tiện, con người cần thiết để cung cấp nhu cầu hậu cần sẽ giảm xuống tương ứng. Ngoài ra, việc giảm số phương tiện phóng rải và nhu cầu hậu cần cũng sẽ đồng thời dẫn đến việc giảm nhu cầu nhân lực.

Đạn pháo thông minh Excalibur
Đạn pháo thông minh Excalibur

Tất nhiên điều này không có nghĩa là sử dụng vũ khí thông minh rẻ hơn so với dùng vũ khí thường. Điều này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, như tính chất và cơ cấu của quân đội sử dụng chúng. Với một đội quân viễn chinh, giảm nhu cầu hậu cần sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhiều hơn một đội quân mang tính phòng thủ. Hoặc với một nước đã chuyên nghiệp hoá quân đội, tỷ lệ chi phí cho nhân lực sẽ cao hơn một nước sử dụng chế độ nghĩa vụ quân sự.

10. Lính đặc nhiệm kiểu anh hùng phim hành động

Trong suy nghĩ của công chúng, đặc nhiệm được hiểu là những người lính tinh nhuệ với khả năng sử dụng vũ khí, võ thuật, thể lực vượt trội. Họ thường được giao những nhiệm vụ nguy hiểm, đòi hỏi phải giao chiến trực tiếp với đối phương, như những chiến dịch kiểu Black Hawk Down hay tiêu diệt Bin Laden. Tuy nhiên, cách suy nghĩ này không phản ánh đúng toàn bộ bản chất của các lực lượng đặc nhiệm.

Trên thực tế, không phải mọi chiến dịch đặc biệt đều là những hoạt động quân sự cường độ cao, đòi hỏi phải sử dụng vũ lực. Trong nhiều loại nhiệm vụ, lính đặc nhiệm thường chỉ hoạt động theo nhóm nhỏ, từ 4 người đến trên dưới 10 người, sâu trong lãnh thổ của đối phương và đa số không đòi hỏi phải trực tiếp giao chiến. Những nhiệm vụ này chủ yếu là trinh sát, thu thập tin tức tình báo, xác định mục tiêu, chỉ dẫn hoả lực, phối hợp và huấn luyện các lực lượng đồng minh người địa phương. Những chiến dịch như vậy có thể kéo dài trong nhiều ngày, luôn diễn ra rất lặng lẽ và bí mật, và chiếm một phần rất lớn trong số các chiến dịch được thực hiện. Nhưng công chúng rất ít khi để ý hay biết đến sự tồn tại của những chiến dịch kiểu này.

Duy trì mối quan hệ tốt với dân địa phương cũng là một trong nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị đặc nhiệm
Duy trì mối quan hệ tốt với dân địa phương cũng là một trong nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị đặc nhiệm

Do đó, lính đặc nhiệm không chỉ đơn giản chỉ cần giỏi bắn súng, võ thuật…Những người này còn phải được huấn luyện để trở thành 1 điệp viên, hay 1 nhà ngoại giao khi cần. Trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô có những đơn vị đặc nhiệm được giao nhiệm vụ ám sát các quan chức cấp cao phương Tây trong trường hợp có chiến tranh giữa 2 phe nổ ra. Những người này được huấn luyện để thông thạo mọi ngõ ngách tại các thủ đô chính ở châu Âu. Trên thực tế, hầu như mọi đơn vị đặc nhiệm hàng đầu của các quốc gia đều có tiêu chuẩn bắt buộc thành viên phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Những cuộc hành quân trinh sát dài ngày là một vai trò quan trọng nhưng ít được biết của lính đặc nhiệm
Những cuộc hành quân trinh sát dài ngày là một vai trò quan trọng nhưng ít được biết của lính đặc nhiệm

Tất nhiên vẫn có những đơn vị đặc nhiệm tập trung vào loại nhiệm vụ tác chiến trực tiếp. Đây thường là những đơn vị chuyên trách chống khủng bố, giải cứu con tin như Delta Force, Seal Team 6, GIGN (Pháp), Alfa (Liên Xô). Chính sự kiện các vận động viên Israel bị bắt cóc và thảm sát tại Olympic năm 1972 tại Đức là cột mốc thúc đẩy các nước thành lập loại đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố này. Nhiệm vụ của các đơn vị này thường đòi hỏi phải sử dụng vũ lực với cường độ cao, diễn ra chớp nhoáng, và thường thu hút sự chú ý của công chúng hơn.

Xem thêm:

Phần 4: Máy bay tàng hình dễ dàng qua mặt mọi hệ thống phòng không?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại