Theo tờ The Moscow Times, trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Kommersant hôm 13/4, Giám đốc điều hành Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin cho biết một trong những hợp đồng quan trọng mà Nga thực hiện hồi năm 2014 là bán các tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc.
Ngoài ra, những khách hàng lớn khác của Nga còn phải kể tới Ấn Độ, Iraq và Việt Nam.
Từ chối công bố thêm chi tiết về bản hợp đồng với Bắc Kinh, ông Isaikin chỉ nhấn mạnh: “Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống phòng không S-400 của Nga”.
Giám đốc Isaikin cho rằng nếu như Moscow có thể duy trì kim ngạch xuất khẩu như hiện nay trong vòng 5 năm tới, Nga sẽ vẫn giữ vững vị trí là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới và chỉ đứng sau Mỹ.
Còn tờ Kommersant nhận định lệnh cấm vận nhằm vào Nga trong năm qua đã khiến Moscow phải trải qua một giai đoạn “không hề dễ dàng”.
Theo ông Isaikin, kim ngạch nhập khẩu thông qua Rosoboronexport đạt khoảng 150 triệu USD hồi năm ngoái so với con số 100 triệu USD vào năm 2013 nhưng hạ xuống còn 105 triệu USD trong năm 2015.
Ông Isaikin nhấn mạnh nguyên nhân dẫn tới việc Nga giảm kim ngạch nhập khẩu là do tác động của các lệnh trừng phạt khiến Moscow buộc phải sử dụng linh kiện trong nước.
Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hoàn tất những bản hợp đồng xuất khẩu mà Nga đã ký kết với đối tác.
Ngoài ra, ông Isaikin khẳng định Nga vẫn hy vọng Pháp sẽ chuyển 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral theo bản hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro.
Paris đã hoãn chuyển tàu Mistral cho Moscow sau khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine và bị phương Tây cáo buộc liên quan tới cuộc xung đột tại miền đông Ukraine.
Hồi tháng trước, chia sẻ với hãng tin RIA Novosti, ông Isaikin cho hay Moscow hy vọng sẽ nhận được quyết định cuối cùng từ phía Pháp vào tháng Năm tới.
Ông Isaikin cũng thừa nhận mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng tới lớn tới ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước.
Song, Giám đốc Isaikin khẳng định Moscow “có nhiều cơ hội” hơn so với Kiev trong việc tìm nguồn cung cấp linh kiện thay thế Ukraine và “tái kết nối hệ thống dây chuyền sản xuất đang bị ngưng trệ” mặc dù quá trình này phải mất vài tháng hoặc vài năm.