Các cán bộ, sĩ quan thuộc Khoa Tên lửa Học Viện Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã được nghe phương pháp học tập và giảng dạy cùng một số thông tin khác tại Học viện Chiến tranh Cộng hòa Pháp và Học viện Vũ trụ Quân sự Liên bang Nga.
Đồng thời, nghệ thuật tác chiến và một số loại vũ khí phòng không, không quân như máy bay tiêm kích đa năng Rafale, Mirage, tên lửa đất đối không SAMP/T, Crotale (của Cộng hòa Pháp) đã được giới thiệu khá chi tiết.
Đại tá, TS Đồng Phi Trung - Trưởng Khoa Tên lửa phát biểu khai mạc. Ảnh: Học viện PK-KQ
Các báo cáo viên là những cán bộ, sĩ quan của Quân chủng PK-KQ (Học viện PK-KQ) đã học tập và công tác tại Cộng hòa Pháp và Liên Bang Nga.
Trong đó, đáng chú ý nhất là tổ hợp tên lửa phòng không SAMP/T và máy bay tiêm kích Rafale. Vậy những vũ khí này có gì đặc biệt?
Trung tá CN Nguyễn Trọng Nam thông tin những nội dung đã học ở Pháp. Ảnh: Học viện PK-KQ
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa SAMP/T
Đây là tổ hợp tên lửa phòng không cơ động tầm trung - xa, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, được phát triển bởi MBDA theo Chương trình FSAF (Hệ thống tên lửa phòng không tương lai) của Châu Âu, nhằm trang bị rộng rãi trong Lực lượng phòng không Pháp và Italia.
Hiện nay SAMP/T là xương sống của lá chắn phòng thủ tên lửa khối NATO ở Châu Âu. Hệ thống sử dụng tên lửa Aster-30 nhiên liệu rắn, phóng thẳng đứng, có vùng diệt mục tiêu 5 - 120 km, độ cao tới 30 km, tốc độ tối đa 1.400 m/s, khả năng chịu quá tải tới 60G.
Khai hỏa tên lửa Aster-30 của hệ thống SAMP/T
Trong nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo, Aster-30 hoạt động hiệu quả trong vùng 5 - 35 km. Ngoài ra, tổ hợp còn có ưu điểm vượt trội khi tiêu diệt mục tiêu là máy bay có khả năng thao diễn, cơ động cao, tên lửa hành trình.
Thời gian phản ứng nhanh từ khi phát hiện mục tiêu tới lúc phóng đạn, giãn cách phóng giữa các tên lửa cực ngắn, cho phép tổ hợp có thể bắn tới 8 đạn chỉ trong vòng 10 giây.
Ngày 14/11/2011, tại trường bắn Biscarrosse, lần đầu tiên SAMP/T đã đánh chặn thành công từ cự ly 10 km đối với mục tiêu giả định là một tên lửa đường đạn kiểu SCUD (tầm bắn 500 km) phóng từ máy bay.
Radar Arabel nâng cấp là trái tim của tổ hợp, được chế tạo riêng cho SAMP/T để điều khiển tên lửa Aster-30 diệt các mục tiêu ở độ cao lớn với tốc độ nhanh.
Máy bay chiến đấu đa năng Rafale
Đây là dòng máy bay tiêm kích đa năng thế hệ mới, được đưa vào biên chế quân đội Pháp từ năm 2001.
Với thiết kế khí động học ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những động tác thao diễn tuyệt vời, biến nó thành đối thủ đáng gờm của hầu hết các máy bay chiến đấu trên thế giới, kể cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Rafale có khả năng mang tới 9,5 tấn vũ khí, từ tên lửa không đối không uy lực MICA-IR/EM hay AIM-9 Sidewinder, AIM-132 ASRAAM, AIM-120 AMRAAM và nhất là dòng tên lửa thế hệ mới Meteo.
Ngoài ra, máy bay cũng mang được tên lửa không đối đất MBDA Apache hay SCALP EG, AASM hoặc tên lửa chống hạm AM-39 Exocet, tên lửa hạt nhân ASMP...
Rafale có bán kính tác chiến xa và được trang bị radar quét điện tử thụ động Thales RBE2 khá mạnh có cự ly trinh sát ước tính tới khoảng 200 km, cho phép phi công sử dụng tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến Meteo ở tầm tối đa.
Hiện nay, dòng radar RBE2 đang được phát triển phiên bản quét điện tử chủ động với cự ly trinh sát xa hơn nhiều.
Việt Nam có nên mua SAMP/T và Rafale?
Khó có thể khẳng định Việt Nam có mua các loại tên lửa và máy trên trên hay không, nhưng ít nhất, việc cử sĩ quan đi học tại chính quốc gia sản xuất sẽ giúp tìm hiểu phương thức vận hành cũng như nghệ thuật tác chiến của các loại vũ khí mới.
Những kiến thức, kinh nghiệm này hoàn toàn có thể ứng dụng trong công tác giảng dạy cũng như thực tế huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong tương lai của Bộ đội PK-KQ. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu mở ra cơ hội có mặt của các loại vũ khí này ở Việt Nam.
Tên lửa phòng không SAMP/T: được đánh giá là hệ thống phòng không tiên tiến mặc dù giá thành rất cao, tới khoảng 500 triệu USD/tổ hợp hoàn chỉnh (Pháp chi khoảng 4,1 tỷ Euro để mua 10 tổ hợp), đắt gấp 3 lần nhưng có nhiều tính năng vượt trội so với S-300PMU1.
Nhu cầu tên lửa phòng không tầm xa của Việt Nam không nhiều, chỉ cần vài tổ hợp để tạo thành những chiếc ô phòng thủ khu vực nên với xu thế đa dạng vũ khí gần đây thì SAMP/T có thể là lựa chọn hợp lý.
Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo quyết định của Singapore khi đặt mua SAMP/T để bổ sung, phối hợp cùng các tổ hợp SPYDER - loại mà Việt Nam cũng quan tâm.
Máy bay tiêm kích đa năng Rafale: Dòng chiến đấu cơ này gặp khá nhiều trục trặc trong hành trình tìm kiếm khách hàng nước ngoài đầu tiên, mặc dù đã thắng gói thầu cung cấp 126 máy bay loại này cho Ấn Độ.
Nguy cơ hợp đồng trên bị đổ vỡ là rất cao do nhiều nguyên nhân, trong đó giá thành đội lên gần gấp đôi, tới gần 160 triệu USD/chiếc, gấp gần 3 lần Su-30MK2. Mức giá này có vẻ vượt quá xa khả năng tài chính của Việt Nam, do vậy cơ hội của Rafale là khá thấp.