“Lén lút” thử nghiệm, Pháp vẫn sẽ giao Mistral cho Nga?
Dưới sức ép của Mỹ và EU, hôm 3/9 Tổng thống Pháp lại một lần nữa đe dọa đình chỉ việc xuất khẩu tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga vì những “nguyên nhân vô lý” liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, mà theo Paris là Moscow có liên quan trực tiếp.
Sau đó người phát ngôn của điện Elysee cho RIA Novosti biết rằng, về pháp lý, việc cung cấp các máy bay không bị đình chỉ, tổng thống Francois Hollande chỉ nêu lên quan điểm chính trị là ông sẽ không chấp nhận việc chuyển giao máy bay trong tháng 11, nếu tình hình ở Ukraine không được cải thiện.
Tuy nhiên, vào sáng ngày 13/9, Vladivostok đã xuất phát ra biển cùng với các thủy thủ Nga. Họ sẽ thực hiện cuộc thử nghiệm trên con tàu mà như phát ngôn của chính quyền Pháp là hiện nay “chưa chắc đã được chuyển giao cho Nga trong thời gian tới”. Trên tàu có 200 thủy thủ Nga và khoảng chừng đó chuyên gia người Pháp.
Ngày 6/3 vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật quân sự Pháp vẫn quyết định thử nghiệm kỹ thuật lần đầu trên biển, bao gồm xác minh hoạt động của hệ thống định vị, hệ thống điều khiển và chuyển động của tàu trên mặt nước của tàu sân bay trực thăng này, trong bối cảnh Mỹ đang kêu gọi EU đưa ra các biện pháp cấm vận kinh tế và quân sự đối với Nga.
Mistral là lớp tàu đổ bộ thế hệ mới nhất, hiện đại nhất của Pháp
Hồi đầu tháng 6, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius cũng cho biết là hợp đồng được ký kết từ hồi năm 2011 này rất khó có thể bị hủy bỏ bởi các doanh nghiệp đóng tàu Pháp đã “nhận phần lớn tiền” - trong tổng giá trị hợp đồng là 1,66 tỷ USD - nên không thể từ bỏ.
Các quan chức quốc phòng Nga khẳng định, nếu không bàn giao tàu, Pháp sẽ phải trả giá rất đắt. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu Pháp không bàn giao tàu đúng thời hạn, sau 120 ngày cho phép trễ hẹn, cứ mỗi ngày chậm bàn giao thì phía Pháp có nghĩa vụ nộp phạt 1 triệu USD - tiền bồi thường hợp đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hợp đồng này sẽ tiếp tục được thực hiện này vì nếu hủy bỏ thì Paris sẽ thiệt hại nhiều hơn là Moscow. Hợp đồng có trị giá 1,66 tỷ USD, đã tạo ra khoảng việc làm cho 1000 nhân công, nếu bán thêm 2 chiếc nữa thì người lao động Pháp sẽ lợi lớn.
Hơn nữa, nếu hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ có trị giá 1,66 tỷ USD, thậm chí có thể còn cao hơn nhiều (vì kèm theo điều kiện mua thêm 2 chiếc nữa) đổ vỡ, hải quân Pháp có thể “buộc phải” sử dụng 2 chiếc tàu này (chiếc thứ 2 đã được khởi đóng ngày 18/6/2013), hoặc Pháp sẽ phải tìm một khách hàng để bán tống chúng đi.
Hangar kiểu BPC của tàu sân bay trực thăng lớp Mistral
Trong điều kiện các cường quốc đều cắt giảm ngân sách quốc phòng và tự đóng được tàu sân bay trực thăng, các nước nhỏ thì không đủ khả năng mua hoặc ưa chuộng kiểu tàu đổ bộ của Mỹ thì Pháp sẽ khó “đẩy đi” được 2 tàu đổ bộ này. Vì vậy, việc Paris “rụt rè” trong việc đưa ra biện pháp cấm vận này đối với Moscow cũng là điều dễ hiểu.
Pháp không giao Nga sẽ tự đóng tàu đổ bộ
Nga đã ký hợp đồng trị giá hơn 1,2 tỷ Euro với Pháp để mua 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral vào năm 2011. Chiếc đầu tiên thuộc lớp này với tên gọi "Vladivostok", theo kế hoạch phải được bàn giao cho phía Nga vào cuối năm nay, chiếc thứ 2 là "Sevastopol" sẽ được bàn giao vào năm 2015.
Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới của hải quân Pháp, cũng còn gọi là tàu sân bay trực thăng. Các tàu này sẽ được dùng làm tàu chỉ huy, đổ bộ tấn công nhanh, hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến (69 giường bệnh) và thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác.
Hiện nay, hải quân Pháp sở hữu ba tàu đổ bộ cùng loại là Mistral, Tonnerre và Dixmude. Các chiến hạm Pháp đóng cho Nga có kết cấu thay đổi nhiều so với nguyên bản, đặc biệt là khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng nhiệt độ thấp.
Thang máy cho trực thăng kiểu BPC của tàu sân bay trực thăng lớp Mistral
Ông Manturov cho biết, việc Pháp không bàn giao tàu sân bay trực thăng lớp Mistral sẽ "không làm thay đổi học thuyết quân sự của Nga”. Tuy nhiên, hiện nay nước này đã xây dựng cơ sở hạ tầng để đón nhận, nếu Pháp không chịu bàn giao tàu, Nga sẽ thu hồi kinh phí ứng trước cùng với tiền bồi thường để tự đóng tàu.
Được biết, ngày 11/2 vừa qua, Nga đã bắt đầu xây dựng các cơ sở hạ tầng hải quân làm căn cứ đồn trú cho các tàu sân bay chở trực thăng lớp Mistral đang được chế tạo tại Pháp cho hải quân Nga. Các cơ sở này sẽ được xây dựng tại một căn cứ hải quân hiện có trên bờ biển vịnh Uliss, thuộc Thái Bình Dương.
Bến cảng của căn cứ hải quân này nằm gần thành phố Viễn Đông Vladivostok, miền đông nước Nga. Căn cứ có chiều dài đến 2.700 mét để đủ chỗ cho một cầu cảng dài 1.600 mét. Tất cả các hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc tại đây sẽ được thay thế. Đồng thời, đường giao thông và đường sắt vào căn cứ này sẽ được nâng cấp.
Ông Manturov cũng khẳng định, với các tàu đổ bộ trực thăng (hay còn gọi là tàu sân bay trực thăng) có tính năng tương tự như Mistral, Nga hoàn toàn có thể làm được điều đó. Trong hạng mục hợp tác quốc tế này, các chi tiết bên trong và hệ thống điều khiển là sản phẩm nội địa, còn vỏ tàu Nga cũng hoàn toàn đủ khả năng chế tạo được.
Khoang chứa tàu đổ bộ LCAC và LCM của tàu sân bay trực thăng lớp Mistral
Chủ tịch Tổng công ty đóng tàu nhà nước Nga (USC) Alexey Rakhmanov cũng cho biết rằng, USC sẽ không bị thiệt hại nghiêm trọng từ sự cố có thể xảy ra với hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng Mistral. Nga đã sẵn sàng cho khả năng đóng mới tàu đổ bộ nếu hợp đồng với Pháp bị hủy bỏ.
Cơ sở vật chất phục vụ đã chuẩn bị sẵn sàng, các phương tiện tác chiến trên tàu đã đặt mua (tàu đổ bộ cỡ nhỏ, tăng-thiết giáp và trực thăng tấn công hải quân Ka-52K), có thể nhận định chắc chắn là nếu Pháp không giao tàu sân bay Mistral thì Nga sẽ tự đóng tàu đổ bộ trực thăng để phục vụ nhu cầu của hải quân nước mình.
Tính năng của tàu sân bay trực thăng Mistral kiểu Nga
Mistral có chiều dài 199m, chiều rộng 32m và lượng giãn nước là 21.600 tấn, có kết cấu khoang đáy khá lớn, được chia làm nhiều khoang, mỗi khoang chứa đều được lắp đặt 1 hoặc 2 thang máy phục vụ việc vận chuyển xe cơ giới và trực thăng.
Khoang đầu tiên là boong phóng máy bay. Khoang này có một sân bay rộng khoảng 6.400 m2, được bố trí 6 vị trí cho 6 máy bay trực thăng có thể cất cánh cùng một lúc. Khoang chứa máy bay có thể chứa 16 máy bay trực thăng hạng nặng hoặc 35 máy bay trực thăng hạng nhẹ.
Tàu đổ bộ lớp Mistral còn có khoang chứa chuyên dụng với diện tích 2.650 m2, có thể chở một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, hoặc 13 xe tăng hạng nặng Leclerc và 46 xe các loại khác. Các tàu Mistral có thể vận chuyển tới 450 quân, với các chiến dịch ngắn hạn có thể tăng gấp đôi lên 900 quân.
Ka-52K là phiên bản nâng cấp siêu mạnh của Ka-52 Alligator sẽ được trang bị trên Mistral kiểu Nga
Ở đuôi tàu được thiết kế với một cửa lớn, bên trong khoang đó có thể làm ngập nước trợ giúp hoạt động của tàu đổ bộ đệm khí. Khoang chứa này rộng 885 m2 có thể triển khai được 4 tàu đổ bộ thông thường loại CMT hoặc LCM. Các tàu Mistral còn có thể mang 2 tàu đổ bộ đệm khí loại LCAC.
Nếu được biên chế trong lực lượng hải quân Nga, nước này sẽ thay thế các loại tàu đổ bộ thông thường, tàu đổ bộ đệm khí, tăng-thiếp giáp lưỡng thê theo tiêu chuẩn Pháp bằng các phương tiện tác chiến đổ bộ có tính năng tương tự do Nga tự sản xuất.
Tháng 4 vừa qua, Bộ quốc phòng Nga cũng đã ký hợp đồng với công ty hàng không Progress, trực thuộc Tập đoàn trực thăng Nga, ở thành phố Arsenevsk, mua 32 chiếc trực thăng trên hạm Ka-52K, phiên bản nâng cấp siêu mạnh của Ka-52 Alligator, để trang bị trên Mistral.
Dự kiến, số máy bay trực thăng mới này sẽ được biên chế cho 2 phi đội của 2 tàu đổ bộ lớp này, mỗi chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral sẽ được biên chế 16 chiếc máy bay trực thăng Ka-52K. Các mẫu Ka-52K sản xuất thử được sản xuất từ giữa năm 2012, còn việc thử nghiệm đã được tiến hành trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga.
Ka-52K sẽ được trang bị tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 và Kh-31 (Ảnh)
Ka-52K được trang bị hệ thống radar mảng pha Zhuk-A, đường kính anten 624 mm, có khả năng nhận rõ hình ảnh của các đối tượng vào cả ban ngày lẫn ban đêm trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Trước đây, Zhuk-A mới chỉ được trang bị trên máy bay chiến đấu MiG-35, nhưng được cải tiến để có thể lắp vào chóp mũi của trực thăng Ka-52K, và đây sẽ là một bước tiến nổi bật so với trực thăng Ka-52 cơ bản.
Nhờ vào hệ thống này, Ka-52K có thể tấn công chính xác các mục tiêu với kích cỡ 15 cm cách xa 3 - 4 km và cho phép phát hiện mục tiêu trên không cách xa 120 km, theo dõi 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng một lúc. Trong chế độ đối hạm, radar Zhuk-A có thể phát hiện tàu khu trục đối phương cách 300 km.
Trong kho vũ khí Ka-52K ngoài khả năng mang rocket, tên lửa chống tăng, nó còn được trang bị hệ thống hỏa lực rất mạnh bao gồm 2 tổ hợp tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 tổ hợp pháo phòng không Breda-Mauser 30mm, 4 súng máy 12,7mm Browning M2-HB.
Điều đặc biệt là phiên bản thế hệ mới Ka-52K còn mang được tên lửa hành trình đối hạm siêu âm Kh-31 và tên lửa đối hạm cận âm Kh-35V. Với các loại vũ khí này, Ka-52K có sức mạnh chẳng kém gì một máy bay chiến đấu đánh biển, trở thành loại trực thăng tấn công hải quân mạnh nhất trên thế giới.
Máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng Yak-38 trên tuần dương hạm Kiev lớp “Đô đốc Gorshkov” của Liên Xô
Ngoài ra, có một điểm đặc biệt là nếu được trang bị thêm một modul kiểu cầu bật dài 15 - 20m, Mistral có thể đảm nhiệm vai trò của một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ, có thể bố trí triển khai các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng và hạ cánh trên đường băng ngắn (V/STOL) kiểu AV-8 Harrier II hay F-35B.
Kiểu thiết kế này Nga hoàn toàn có thể làm được, vì trước đây Liên Xô từng chế tạo các tuần dương hạm hạng nặng lớp “Đô đốc Gorshkov” (chính là tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya hiện nay), có đường băng kiểu cầu bật, vừa có khả năng đổ bộ trực thăng, vừa mang theo các máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng Yak-38.
Tuy nhiên, hiện nay Nga không có loại máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng nào trong biên chế. Nhưng trong chiến lược phát triển hải quân trong tương lai, các loại máy bay chiến đấu này là bộ phận không thể thiếu trong biên chế của lực lượng hải quân đánh bộ và Nga sẽ khôi phục lại dự án chế tạo máy bay loại này.
Để đóng mới các tuần dương hạm kiểu Liên Xô cũ, có lượng giãn nước trên 40.000 tấn là điều rất tốn kém và không khả thi, vì vậy rất có thể Nga mua tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp, với thiết kế hiện đại để trước mắt sử dụng làm phương tiện tác chiến đổ bộ và nghiên cứu, cải tiến thành một tàu đổ bộ tấn công giống như kiểu phương Tây trong tương lai.
Trực thăng Ka-52 Alligator hoạt động trên tàu Mistral
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: quansu@soha.vn. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |