Pháo tự hành M110A2 Mỹ sẽ bại trận trước 2S7 Nga?

Đức Dũng |

Nhà phân tích Shirokorad khẳng định, nếu cận chiến, pháo tự hành M110A2 của Mỹ không có cơ hội chống lại 2S7 Pion của Nga.

Pháo tự hành 2S7 Pion của Nga/Liên Xô

Hiện nay, các nhà phân tích quân sự gọi pháo tự hành 2S7 Pion của Nga và M110A2 của Mỹ là những cựu binh của cuộc Chiến tranh Lạnh.

2S7 Pion bắt đầu sử dụng trong nước vào năm 1975, còn M110A2 là vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Cả hai loại đều có cỡ nòng 203 mm và có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân.

Chuyên gia phân tích Alexander Shirokorad đã đưa ra so sánh các tính năng của 2 loại vũ khí này. Theo ông Alexander Shirokorad, ban đầu 2 loại vũ khí này được sử dụng với mục đích quân sự khác nhau trong lực lượng vũ trang Liên Xô và Mỹ.

M110A2 của Mỹ nặng khoảng 26 tấn, được đưa vào sử dụng trong sư đoàn pháo binh và có thể vận chuyển bằng đường hàng không. Một hệ thống 2S7 Pion của Nga nặng 47 tấn, được sử dụng cho các hoạt động quân sự ở khu vực biên giới.

Pion được biên chế trong lữ đoàn pháo binh dự trữ đặt biệt, chuyên thực hiện các nhiệm vụ chiến lược thuộc Bộ tư lệnh Liên Xô.

Ưu thế của Pion so với M110A2 là khối lượng đạn dược lớn. Nếu pháo tự hành của người Mỹ chỉ có thể chứa 2 quả đạn, thì Pion của Nga chứa được 4 quả. Số lượng kíp xạ thủ cũng khác nhau.

Tổ hợp M110A2 có kíp xạ thủ lên tới 13 người, trong đó 5 người trên xe và 8 người đi kèm hỗ trợ, di chuyển bằng xe bọc thép chở đạn. Trong khi kíp xạ thủ chính của Pion chỉ gồm 7 người.

Pháo tự hành M110A2 của Mỹ

Ông Shirokorad nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là khả năng chiến đấu của Pion vượt trội M110A2. Tầm bắn của Pion đạt tới 37 km, trong khi pháo của Mỹ chỉ đạt 24 km (ban đầu là 14 km).

Các loại đạn dược dùng trong 2 loại pháo giống nhau, chỉ khác nhau là: M110A2 bắn được những quả đạn nặng khoảng 92 kg, còn Pion - 110 kg. Nghĩa là đạn của Pion chứa nhiều chất nổ hơn M110A2.

Liên Xô đã chế tạo ra loại đạn tăng tầm mới cho Pion, tầm bắn lên tới 47 km. Trong khi người Mỹ không có loại đạn nào tương tự, Ông Shirokorad cho biết.

Nhà phân tích Shirokorad khẳng định, nếu cận chiến, M110A2 của Mỹ không có cơ hội chống lại 2S7 Pion của Nga.

Hiện nay, 2S7 Pion được lưu trữ trong các kho vũ khí và viện bảo tàng Nga. Quân đội Ukraine cũng đã từng sử dụng 2S7 để đối phó với lực lượng dân quân vùng Donbass, nhưng không thu được kết quả mong muốn.

M110A2 đã bị xóa sổ trong quân đội Mỹ và các nước NATO vào những năm 90 của thế kỷ XX. Vì phương Tây cho rằng, đạn có cỡ nòng 203 mm là quá dư thừa, chỉ cần cỡ nòng 155 mm là đủ dùng cho mọi loại pháo trong quân đội.

Hiện tại M110A2 vẫn phục vụ trong quân đội một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Israel và một vài nước Châu Phi. Ông Shirokorad cho rằng, loại pháo này của Mỹ vẫn thể hiện tốt vai trò trong các cuộc chiến tranh cục bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại