JAS-39 - nhỏ bé nhưng cực lợi hại và linh hoạt
Theo giới thiệu của Công ty Hàng không Saab (Thụy Điển), JAS-39C/D và phiên bản tiêm kích đa năng mới nhất JAS-39E/F của họ được gọi là "máy bay chiến đấu thông minh" nhờ ý tưởng thiết kế cực kỳ độc đáo.
Saab đã chứng minh rằng họ không hề "nói quá" bởi Gripen được tích hợp "n thứ trong 1", tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa hiệu quả hoạt động tuyệt vời, giải pháp công nghệ cao, hệ thống tác chiến thông minh với giá thành hợp lý.
JAS-39 thực sự ưu việt, thậm chí đã có những so sánh cho thấy chưa chắc dòng Su-35S mới nhất của Nga đã "dễ ăn" được nó. Cụ thể:
Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến: JAS-39C/D được trang bị radar tầm xa PS-05/A có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay ném bom cỡ lớn từ cự ly 190 km, các phiên bản tiếp theo sẽ được trang bị dòng radar quét mảng pha chủ động ES-05 Raven hiện đại hơn nhiều.
Ngoài ra, JAS-39 còn được trang bị mũ bay thông minh HMDS giúp phi công có thể ngắm bắn và điều khiển vũ khí một cách dễ dàng.
Mang phóng được nhiều loại vũ khí mới nhất để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ như tiêm kích phòng không, tiến công mặt đất với hiệu quả cao.
Biến thể Gripen E/F được thiết kế cải tiến dựa trên khung JAS-39C/D nhưng tăng thêm thể tích chứa nhiên liệu và tải trọng vũ khí (có thêm 2 giá treo, tăng tổng điểm treo vũ khí lên 10 giá treo).
Trong đó, đáng chú ý là tên lửa đối không tầm xa MBDA Meteor (tầm bắn 185 km, tốc độ Mach 4) và tên lửa hành trình đối đất Taurus KEPD (tầm bắn 350 km, tốc độ Mach 0,98)…
Được đánh giá cao ở khả năng thao diễn: Khách hàng có thể tùy chọn giữa động cơ Volvo-Flygmotor RM12I phiên bản nâng cấp hoặc loại động cơ mới và có hiệu suất cao nhất trong các dòng động cơ hiện nay của khối NATO là General Electric F414G.
Mặc dù cánh tam giác được coi là có nhiều hạn chế trong khả năng xoay trở, bất lợi khi phải đánh quần vòng, nhưng JAS-39 có thêm đôi cánh phụ và hệ thống điều khiển điện tử kết hợp với máy tính (Fly-by-wire) tiên tiến giúp nó trở lên linh hoạt hơn nhiều.
Nhờ nhỏ gọn và sử dụng nhiều loại vật liệu mới nên JAS-39 có diện tích phản xạ radar rất thấp, chỉ khoảng 0,5 m2 khiến nó có khả năng ẩn mình lâu hơn trước khi bị radar trên máy bay đối phương phát hiện. Đây là lợi thế không nhỏ khi giao chiến ngoài tầm nhìn.
Rõ ràng, về tính năng và hiệu quả chiến đấu, JAS-39 xứng đáng là dòng tiêm kích đa năng 1 động cơ hiện đại nhất, vượt trội hơn so với hầu hết các loại máy bay tương tự hiện có trên thế giới.
Đồ họa JAS-39E/F mang những vũ khí tiên tiến nhất thế giới hiện nay
Nước nghèo có với tới JAS-39 hay không?
Hiện nay, ngoài Không quân Thụy Điển, JAS-39 đã và đang được khá nhiều nước sử dụng như Thái Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Brazil, Nam Phi. Mặc dù vậy, mỗi quốc gia kể trên có một cách riêng và không hề giống nhau để sở hữu các máy bay JAS-39.
Ngoài ra, giá mua ban đầu và chi phí vận hành, bảo dưỡng của dòng máy bay này không hề rẻ như mọi người vẫn nghĩ. Trong đó:
Brazil chi ra tới 5,8 tỷ USD cho 36 JAS-39E/F kèm điều khoản bảo đảm kỹ thuật đến năm 2050 (trị giá khoảng 1,5 tỷ USD) và có ít nhất 15 chiếc được sản xuất/lắp ráp theo chuyển giao công nghệ. Như vậy, tính ra đơn giá mỗi chiếc vào khoảng 161 triệu USD/chiếc.
Giữa năm 2007, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn khoản ngân sách 1,1 tỷ USD chi cho Không quân Hoàng gia nước này để mua 12 máy bay JAS-39C/D, tương đương với khoảng 92 triệu USD/chiếc.
Cộng hòa Séc phải chi 775 triệu USD để thuê 14 chiếc JAS-39C/D trong 10 năm, tính ra mỗi chiếc ngốn khoảng 55,4 triệu USD. Thậm chí, giá thuê 14 JAS-39C/D của Hungary còn đắt hơn, lên tới 924 triệu USD trong 10 năm, tương đương với 66 triệu USD/chiếc.
Phương thức thanh toán mà Cộng hòa Séc và Hungary chọn là đổi hàng để lấy máy bay.
Trong khi đó, Nam Phi là quốc gia đầu tiên mua JAS-39C/D (1999), hợp đồng mua 26 JAS-39C/D trị giá 1,5 tỷ USD, tương đương 58 triệu USD/chiếc. Chắc chắn nếu theo thời giá hiện tại (2015) thì số tiền sẽ lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó Không quân Hoàng gia Anh cũng sử dụng một số JAS-39 trong mục đích huấn luyện.
Tất nhiên mỗi hợp đồng kèm theo các điều khoản riêng về bảo đảm kỹ thuật, cung cấp phụ tùng ở các mức độ khác nhau nhưng lại không bao gồm vũ khí đi kèm. Bởi lẽ, hầu hết vũ khí dùng trên JAS-39 không do Thụy Điển sản xuất, buộc phải mua ngoài.
Mặc dù theo Saab, JAS-39 có chi phí vận hành (bao gồm phụ tùng, nhiên liệu, dầu nhờn) cho mỗi giờ bay chỉ vào khoảng 4.700 USD, thấp hơn rất nhiều so với F-16 (7.700 USD), F-18E/F (11.000 USD), Rafale (16.500 USD) hay EF-2000 (18.000 USD).
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại. Năm 2013, John Bayne - tướng Không quân Nam Phi cho biết, JAS-39C/D của nước này đã ngốn khoảng 13.350 USD cho mỗi giờ bay.
Còn theo phân tích của chuyên gia Von Beni Gafner trên trang Bernerzeitung.ch mỗi giờ bay của JAS-39E/F có thể lên tới 24.242 Franc Thụy Sĩ tương đương với 27.878 USD.
Theo Strategypage, một điển hình khác cho thấy sự đắt đỏ của dòng máy bay này là người dân Thụy Sĩ đã nói "không" với JAS-39E/F khi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý mới đây, bởi giá mỗi chiếc có thể lên tới 150 triệu USD (gồm cả chi phí huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật).
Có thể thấy giá mua JAS-39 không hề rẻ, đến ngay những nước được gọi là tương đối phát triển và có tiềm lực kinh tế như Cộng hòa Séc, Hungary, Thái Lan đều phải cân lên đặt xuống trước khi quyết định mua và thường thanh toán bằng hàng hóa chứ không phải tiền mặt!
Xem ra, cơ hội sở hữu JAS-39 dù là bản tiêu chuẩn C/D hay bản tiên tiến nhất là E/F đối với các nước nghèo (trong đó có Việt Nam) là khá xa vời.