Polnocny (hay Polnochny) là tên ký hiệu của NATO dành cho một lớp tàu đổ bộ hạng trung do Ba Lan hợp tác thiết kế với Liên Xô và bắt đầu được sản xuất tại Ba Lan từ năm 1967.
Có tất cả 108 chiếc Polnocny thuộc 6 biến thể đã được chế tạo, gồm Dự án 770 (Polnocny-A): 46 chiếc; Dự án 771 (Polnocny-B): 36 chiếc; Dự án 773 (Polnocny-C): 24 chiếc; Dự án 776 (Polnocny-C sửa đổi): 1 chiếc; Dự án 773U (Polnocny-D): 4 chiếc và Dự án NS-722: 1 chiếc.
Các phân lớp của Polnocny có lượng giãn nước đầy tải từ 800 tấn (Dự án 770 Polnocny-A) cho tới lớn nhất là 1.410 tấn (Dự án NS-722 đóng cho Yemen). Tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 33 - 40 chiếc Polnocny đang hoạt động.
So với các tàu đổ bộ của phương Tây thì kích thước của Polnocny nhỏ bé hơn khá nhiều và không có sàn đáp cho trực thăng (trừ Polnocny-D và NS-722), tuy nhiên nó vẫn có khả năng mang theo một lượng tương đối lớn xe tăng, xe thiết giáp và lính thủy đánh bộ bên trong khoang.
Vũ khí trang bị của Polnocny gồm 2 pháo tự động cao tốc 2 nòng AK-230 cỡ 30 mm, vai trò chính là phòng không và cũng có thể sử dụng để yểm trợ hỏa lực.
Bên cạnh đó là 2 giàn pháo phản lực phóng loạt WM-18A Ogon cỡ 140 mm với 18 quả đạn dùng để dọn bãi cho quân đổ bộ, cuối cùng là 4 tên lửa phòng không vác vai SA-N-5 (phiên bản hải quân của SA-7).
Tàu đổ bộ Polnocny-B số hiệu HQ-512 của Việt Nam đang "Há mồm - Thè lưỡi". Ảnh: quân đội nhân dân
Báo cáo của SIPRI cho biết, trong giai đoạn 1979 - 1980, Hải quân Việt Nam đã nhận được 3 tàu đổ bộ Dự án 771 Polnocny-B đã qua sử dụng do Liên Xô viện trợ, chúng được đánh số hiệu HQ-511, HQ-512 và HQ-513.
Tàu đổ bộ Polnocny-B của Việt Nam có chiều dài 73 m; sườn ngang 9,02 m; mớn nước 2,3 m; lượng giãn nước đầy tải 834 tấn; thủy thủ đoàn 37 người (trong đó có 4 sĩ quan).
Trái tim của tàu là 2 động cơ diesel 2 trục chân vịt Kolomna 40-D do Liên Xô sản xuất, có công suất 4.400 bhp, cho tốc độ tối đa 18,4 hải lý/h (33 km/h), tầm hoạt động lớn nhất 1.000 hải lý.
Polnocny-B có thể chuyên chở 6 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 hoặc 6 xe bọc thép chở quân BTR-60 (hay BTR-80) hoặc 5 xe tăng hạng nhẹ PT-76 cùng hơn 100 lính thủy đánh bộ với đầy đủ vũ khí trang bị.
Tàu có 2 cánh cửa dạng hình cung và một đường dốc nhằm tạo thuận lợi cho việc đổ bộ lên bãi biển, cụm từ "Há mồm - Thè lưỡi" thường được dùng để chỉ trạng thái khi tàu vào chế độ sẵn sàng đổ quân.
Hiện nay cả 3 chiếc tàu đổ bộ hạng trung Polnocny-B của Hải quân Việt Nam được cho là vẫn còn đang hoạt động.