Phản ứng của Nga khi tên lửa Mỹ áp sát biên giới

Mỹ đã tiến thêm một bước trong việc đưa tên lửa tới sát biên giới Nga bằng việc bố trí các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa NMD tại Romania.

Mỹ đã tiến thêm một bước trong việc đưa tên lửa tới sát biên giới Nga bằng việc bố trí các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa NMD tại Romania. Tuy nhiên, người Nga dường như đã biết trước và sẵn sàng đối phó.

Ngày 23/10, Hội đồng Nga- NATO đã tiến hành cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng tại Brussele, Bỉ. Một trong những chủ đề chính của cuộc họp vẫn là kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống chống tên lửa (NMD) tại Châu Âu.

Và cũng như mọi lần trước, các bên đã không đạt được bất kỳ một tiến bộ nào khi thảo luận về vấn đề này. Các bất đồng vẫn còn nguyên.

Chỉ 5 ngày sau, sáng 28/10, tại căn cứ của Không quân Deveselu của Romania, lễ động thổ xây dựng căn cứ NMD Châu Âu của Mỹ và NATO đã được tiến hành trọng thể với sự tham gia của Tổng thống Romania Traian Besesku và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Miller.

Theo kế hoạch, các khẩu đội tên lửa đánh chặn bố trí tại căn cứ này sẽ được đưa vào trực chiến vào năm 2015.

 Bộ trưởng Quốc phòng Nga  X.Shoigu và Tổng thư ký NATO Rasmussen tại Hội nghị Hội đồng Nga-NATO tại Brussel ngày 23/10/2013.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng thư ký NATO Rasmussen tại Hội nghị Hội đồng Nga-NATO tại Brussel ngày 23/10/2013.

Sự kiện trên cho thấy là bất chấp sự phản đối kịch liệt của Nga và dù đã có một số điều chỉnh, Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch triển khai hệ thống NMD Châu Âu tại Romania và Ba Lan (sẽ triển khai tại Ba Lan trước năm 2018- tổng cộng sẽ có 48 tên lửa SM-3).

Dự kiến, hệ thống NMD này không những bảo vệ toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên NATO trước các tên lửa tầm ngắn và tầm trung mà còn cả trước các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Thực ra, thông tin này không bất ngờ đối với Nga. Trước đó, ngày 17/10 chuyên gia quân sự Nga, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược Nga những năm 1994-1996 là Thượng tướng V.Esin đã đưa những nhận định của mình về khả năng và các biện pháp đối phó cần thiết của Nga cũng như những hệ lụy mà quyết định trên của của Mỹ có thể gây ra. Có mấy điểm đáng chú ý như sau:

    Thượng tướng V.Esin, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược Nga
Thượng tướng V.Esin, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược Nga

Thứ nhất: Ông cho rằng hầu như không có bất cứ hy vọng đạt được một sự thỏa hiệp nào mà các bên đều có thể chấp nhận được trong vấn đề NMD.

Phía Nga đòi Mỹ phải có các cam kết đảm bảo mang tính pháp lý, có thể kiểm chứng được là NMD tại Châu Âu không nhằm chống lại các Lực lượng kiềm chế hạt nhân của Nga trong khi về phía mình, do đã rút ra khỏi hiệp ước về phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô năm 1972 (Mỹ tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước này năm 2002- theo Hiệp ước thì mỗi bên có trần là 100 quả tên lửa đánh chặn), nên Mỹ không muốn có bất kỳ một hạn chế nào đối với hệ thống NMD của họ.

Đối với Nga, trong bối cảnh tình hình như vậy thì không còn cách nào khác là phải hoàn thiện về chất tiềm lực của Lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược (vũ khí tấn công chiến lược), nhất là đảm bảo khả năng chắc chắn khoan thủng hệ thống NMD toàn cầu mà Mỹ đang xây dựng. Đây là cách ít tốn kém nhất và quan trọng hơn – là biện pháp đáp trả phi đối xứng hiệu quả nhất.

Đồng thời, Nga cũng cần phải hoàn thiện hệ thống phòng thủ không gian- vũ trụ. Vì Nga không thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ trước các cuộc tấn công từ trên không và bằng tên lửa nên Nga phải xác định lần lượt các ưu tiên. Theo ông V.Esin thì các ưu tiên đó được xếp thứ tự như sau.

Trước hết là vô hiệu hóa các mối đe dọa tên lửa và đảm bảo phòng không chắc chắn cho Lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược vì đây là công cụ chính để chống lại các mối đe dọa quân sự quy mô lớn.

Ưu tiên quan trọng thứ hai là hoàn thiện và mở rộng hệ thống phòng không và chống tên lửa cho các cụm quân dự kiến sẽ được sử dụng trên các chiến trường tiềm năng.

Ưu tiên thứ ba – tất cả các nguồn lực còn lại cần tập trung vào nhiệm vụ phòng không và chống tên lửa cho các mục tiêu cực kỳ quan trọng khác của quốc gia như: các trung tâm chính trị- hành chính và công nghiệp lớn, cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng sống còn.

Thứ hai: Ông V.Esin nhận định rằng cho đến năm 2020, hệ thống NMD của Mỹ vẫn chưa đủ khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Nga. Từ nay đến các năm 2020-2025, hệ thống NMD Châu Âu của Mỹ trong tình trạng như hiện nay sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể nào đến tiềm lực kiềm chế hạt nhân của Nga.

Ông V.Esin đã dẫn ra các căn cứ cho nhận định này như sau: 1/ hệ thống NMD mà Mỹ đang triển khai chưa hoàn thiện và điều này thì không chỉ các nghị sỹ Mỹ mà ngay cả các chuyên gia của Cơ quan phụ trách các vấn đề NMD của Mỹ cũng phải thừa nhận.

2/ Để có thể đánh chặn được một khối tác chiến được trang bị tổ hợp phương tiện vượt qua hệ thống NMD, cần 7 đến 8 tên lửa đánh chặn GBI đã được triển khai ở Alaska (hiện là 30 và dự kiến đến năm 2017 sẽ là 44 quả - ND) và California. Như vậy, nhiệm vụ của hệ thống MD bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các đòn tấn công tên lửa ồ ạt là không thể thực hiện được.

3/ Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ cũng chưa tiến hành bất kỳ một thử nghiệm đánh chặn các khôi tác chiến thật của tên lửa xuyên lục địa.

Các thử nghiệm mới chỉ dùng lại ở mức đánh chặn các mục tiêu giả và lần thử nghiệm mới nhất vào đầu tháng 7/2013 cũng đã thất bại (theo ông V.Esin thì lần thử nghiệm này có lẽ nhằm kiểm tra khả năng phân biệt mục tiêu giả và khối tác chiến thật của tên lửa đánh chặn). Không khó để rút ra kết luận là Nga sẽ xoáy sâu vào nhược điểm này của hệ thống NMD của Mỹ.

  Tên lửa đánh chặn GBI đang được đưa vào hầm phóng ở Alaska (Mỹ) Ảnh: www.defense.gov
Tên lửa đánh chặn GBI đang được đưa vào hầm phóng ở Alaska (Mỹ) Ảnh: www.defense.gov

4/ Theo báo cáo của Tổng cục kiểm toán Mỹ công bố tháng 4/2012 thì trong 39 vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất để hoàn thiện hệ thống NMD, các chuyên gia hệ thống NMD của Mỹ mới giải quyết được 7 vấn đề. Đã xác định được hướng giải quyết 15 vấn đề và 17 vấn đề còn lại vẫn chưa tìm ra đươc các giải pháp kỹ thuật.

Thứ ba: Ông V.Esin cũng lưu ý đến 3 tình huống có thể xảy ra. 1/ Nga hoàn toàn có thể rơi vào gọng kìm NMD của các tàu nổi Mỹ – các tàu tuần dương và khu trục được trang bị hệ thống tác chiến hiện đại Aegis với tên lửa đánh chặn “Standart-3M” các biến thể khác nhau của Hải quân Mỹ có tiềm lực chống tên lửa rất mạnh (riêng tại Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đã bố trí tới 16/24 tàu được trang bị các hệ thống Aegis với các tên đánh chặn SM-3 Block 1А- dĩ nhiên là không phải “dành riêng cho Nga”).

Với một tiềm lực đánh chặn tên lửa cơ động mạnh như vậy, trong một số hoàn cảnh nhất định, Mỹ có thể bố trí các tàu này ở các khu vực vùng biển tiếp giáp với Nga, chính vì vậy mà Nga cần hết sức lưu ý đến đặc điểm này khi lập kế hoạch quân sự và tìm ra những biện pháp để tránh rơi vào tình trạng như vậy hoặc để bẻ gãy gọng kìm đó trong trường hợp có mối đe dọa quân sự thực sự.

2/ Tuy nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các đòn tấn công tên lửa ồ ạt là khó có thể thực hiện được với hệ thống NMD như hiện nay nhưng nếu Mỹ triển khai tuyến NMD tấn công trên vũ trụ thì nhiệm vụ trên sẽ đơn giản hơn rất nhiều đối với Mỹ.

3/ Trong tương lai gần, rất có thể lại xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đặc biệt là nếu Mỹ triển khai trong vũ trụ các hệ thống chống tên lửa tấn công thì quy mô của cuộc chạy đua vũ trang lần này sẽ vô cùng lớn. Tiến trình này không chỉ liên quan đến Nga và Mỹ mà còn nhiều nước khác, trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Tuy phỏng đoàn về một cuộc chạy đua vũ trang mới xuất phát từ những bất đồng quanh việc Mỹ triển khai hệ thống NMD Châu Âu, ông vẫn V.Esin cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ thực hiện ý tưởng triển khai tuyến NMD trong vũ trụ.

Lý do là trong thời gian đầu Mỹ có thể chiếm ưu thế nhưng sau đó Nga, Trung Quốc và các nước khác sẽ theo gương Mỹ và lúc đó các mối đe dọa đối với Mỹ sẽ tăng lên chứ không giảm đi. Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ ý tưởng này vì quan ngại một cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ chắc chắn sẽ dẫn tới mất ổn định chiến lược toàn cầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại