Ngựa trong chiến tranh hiện nay
Ngay cả hiện nay, ngựa vẫn đôi khi được sử dụng cho mục đích quân sự. Một ví dụ là ngay sau sự kiện ngày 11/9/2001, khi những đơn vị đặc nhiệm Mũ nồi xanh của Mỹ đầu tiên đến Afghanistan để bắt liên lạc với liên minh chống Taliban, ngựa là loại phương tiện thích hợp nhất để di chuyển qua các địa hình hiểm trở của nước này. Nhưng trong thời gian đầu, các lính đặc nhiệm không quen với kiểu yên ngựa bằng gỗ truyền thống của Afghanistan. Vì vậy những yên ngựa bọc da được máy bay thả dù xuống theo yêu cầu của các đơn vị này.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp dùng ngựa cho mục đích quân sự đều có thể gọi là kỵ binh. Chỉ khi cả người lính và ngựa cùng trực tiếp chiến đấu với đối phương mới được xem là binh chủng kỵ binh thực thụ. Như ở trường hợp trên, ngựa chỉ được dùng như 1 phương tiện di chuyển nên không được xem là kỵ binh.
Kỵ binh giúp châu Âu chinh phục Tân thế giới
Sau khi nhà thám hiểm Columbus khám phá ra Tân thế giới, các đế quốc Châu Âu bắt đầu tìm đến và tiêu diệt, đồng hóa các nền văn minh bản địa lớn tại đây. Trong đó tiêu biểu nhất là việc Cortes, một nhà chinh phục người Tây Ban Nha, đánh bại đế chế Aztec và thâu tóm gần như toàn bộ Mexico.
Xét về quân số thì quân đội Aztec có lợi thế gấp hàng trăm lần so với quân Tây Ban Nha, cộng với lợi thế về hậu cần, khí hậu, địa hình. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha có lợi thế về chiến thuật, kỹ thuật luyện kim, thuốc súng, và kỵ binh. Ngựa không phải là động vật bản địa ở châu Mỹ nên người Aztec không biết tới việc dùng ngựa trong chiến trường và cũng không biết cách để chống lại kỵ binh.
Trong cuộc hành quân để đánh chiếm Tenochtitlan, thủ đô của đế chế Aztec, quân của Cortes bị phục kích và mất 450 trong số 1.100 người, cùng toàn bộ số đại bác và súng hỏa mai. Phần lớn trong số 6000 quân của các bộ lạc bản xứ đồng minh cũng bị tiêu diệt. Trên đường rút chạy, Cortes lại chạm trán với một đội quân lớn khác của Aztec. Quân Tây Ban Nha chống trả tuyệt vọng và gần như đã sụp đổ. Nhưng đúng lúc đó thì Cortes phát hiện ra vị tướng chỉ huy bên phía Aztec. Ông tập trung toàn bộ số kỵ binh còn lại, chỉ 23 người, và tấn công trực diện vào vị trí đó. Khi thấy chỉ huy của mình bị tiêu diệt, quân Aztec hoảng loạn và tan rã. Chiến thắng này đã thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến. Quân Tây Ban Nha chiếm thế thượng phong và cuối cùng cũng đã chiếm được Tenochtitlan, đặt dấu chấm hết cho nền văn minh Aztec.
Trận chiến này cho thấy sức mạnh của kỵ binh châu Âu trước đối thủ đông hơn nhiều, khi mà phía Tây Ban Nha đã mất một lợi thế quan trọng khác là hỏa khí, nhưng cuối cùng họ vẫn giành chiến thắng nhờ vào kỵ binh.
"Thiết giáp" của thời xưa
Kỵ binh có thể được xem như là binh chủng thiết giáp của thời kỳ trung cổ và cận đại. Tương tự thiết giáp, kỵ binh không chỉ có ưu thế vượt trội về khả năng cơ động mà còn ở lớp giáp bảo vệ. Người lính khi ngồi trên lưng ngựa có thể được trang bị áo giáp nặng hơn so với 1 lính bộ binh.
Một điểm nữa là ngựa của kỵ binh cũng là một gánh nặng lớn về hậu cần, giống như thiết giáp hiện nay. Lượng lương thực cần thiết một ngày cho một con ngựa kỵ binh có thể lên đến gần 10kg, đối với ngựa cỡ lớn của châu Âu. Như tiêu chuẩn của kỵ binh Nga đầu thế kỷ 20 là 4kg yến mạch, 4 kg cỏ khô và 1,6kg rơm.
Thành Cát Tư Hãn có thể tập hợp và cơ động một lực lượng kỵ binh khổng lồ là vì ngựa của người Mông Cổ có kích thước nhỏ hơn nhiều so với ngựa châu Âu, nên nhu cầu lương thực cũng ít hơn.
Ngoài ra, cũng giống như thiết giáp, kỵ binh khi tác chiến một mình, không có sự hỗ trợ của các binh chủng khác, thì khả năng chịu thiệt hại nặng là rất cao. Trước khi thuốc súng ra đời, 2 loại vũ khí chống kỵ binh hiệu quả nhất là giáo dài, như của người Hy Lạp chống lại kỵ binh Ba Tư hay cung dài, như của quân Anh chống lại kỵ binh Pháp.
Kỵ binh và hỏa khí
Sau một thời gian dài là chiếm ưu thế trên chiến trường, vai trò của kỵ binh bắt đầu suy giảm với sự ra đời của hỏa khí. Trong thời kỳ cận đại, đặc biệt là trong các cuộc chiến thời Napoleon, áo giáp của thiết kỵ binh trở nên lỗi thời trước súng hỏa mai và đại bác. Áo giáp của một thiết kỵ binh xấu số người Pháp bỏ mạng trong trận Waterloo được lưu giữ trong bảo tàng là một minh chứng tiêu biểu cho sự lỗi thời này.
Tất nhiên là kỵ binh không biến mất ngay khỏi chiến trường, nó vẫn được sử dụng trong nhiều cuộc chiến tranh sau đó. Song ưu thế của nó không còn được như trước, và nó dần được giao các vai trò khác như trinh sát, đột kích.. thay vì tấn công trực diện ở quy mô lớn. Kể từ sau thế chiến thứ 2 thì kỵ binh hầu như không còn tồn tại nữa. Vai trò của nó đã được hoàn toàn thay thế bởi thiết giáp và trực thăng.