Những ý tưởng quân sự siêu lạ liên quan tới động vật

Theo Infonet |

Bom nguyên tử năng lượng gà, bồ câu dẫn đường tên lửa, những quả bom dơi hay chuột biến đổi gen rà bom là những dự án quân sự liên quan đến động vật độc nhất vô nhị.

1. Bom nguyên tử năng lượng từ gà

 

Năm 1957, thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, quân đội Anh ấp ủ kế hoạch chôn hàng loạt đầu đạn hạt nhân ở khắp nước Đức để phòng thủ trong trường hợp quân đội Liên Xô tấn công châu Âu từ phía Đông.

Tuy nhiên, cái khó là nhiệt độ mùa đông ở vùng đồng bằng miền Bắc Đức lại quá lạnh khiến các thiết bị điện tử của bom nguyên tử không hoạt động được.

Do đó, các nhà khoa học quân sự kỳ cựu nhất phải vắt óc nghĩ cách khắc phục khó khăn về thời tiết. Cuối cùng, họ đưa ra một siêu ý tưởng lạ đời chưa từng có tiền lệ. Giải pháp chính là những chú gà, họ tuyên bố. Theo đó, các nhà khoa học giải thích, gà sẽ tạo ra nhiệt độ cơ thể đủ để giữ ấm cho các mạch điện tử. Chỉ cần cung cấp thức ăn để gà sống tốt, những quả bom nguyên tử cũng sẽ chắn chắn hoạt động.

Tuy nhiên, cuối cùng, dự án bị hủy bỏ, không phải vì người ta cho nó là điên rồ mà vì chính phủ Anh quan ngại các hậu quả của việc kích nổ các đầu đạn hạt nhân trong lãnh thổ của đồng minh của họ.

2. Kẻ tiêu diệt bồ cầu truyền tin

Trước khi mạng lưới thông tin liên lạc đường dài được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả, chim bồ câu đưa thư được sử dụng để làm phương tiện liên lạc và truyền tin.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, mạng lưới thông tin liên lạc và truyền tin của quân đội Anh, theo ước tính sử dụng khoảng 250.000 chim bồ câu đưa thư trên khắp các chiến trường. Những kẻ truyền tin này tỏ ra rất hữu ích trong những trường hợp không thể sử dụng radio.

Một chú chim bồ câu đưa thư được huấn luyện tốt có khả năng bay xa hơn 1.800 km với khả năng tới đích chính xác mà không tạo ra bất cứ dấu hiệu nào khiến quân địch nghi ngờ và lần ra dấu vết.

Tuy nhiên, công nghệ chim bồ câu đưa thư không phải độc quyền của bất cứ đội quân nào. Tương tự Anh, quân đội Đức cũng tích cực sử dụng kẻ truyền/đưa tin hữu dụng này.

Do đó, để đối phó, quân đội Anh đưa ra ý tưởng huấn luyện chim cắt để tuần tra bờ biển và bắt bồ câu đưa thư của quân Đức. Theo đó, họ đã huấn luyện một đội quân chim cắt.

Kế hoạch dường như thành công như mong đợi. Ít nhất hai chú chim bồ câu đưa thư của địch đã bị bắt sống và bị gọi đùa là “tù nhân chiến tranh”.

3. Cá heo chống khủng bố

Kể từ những năm 1960, Hải quân Mỹ đã thành lập một đội chuyên huấn luyện sinh vật biển để phục vụ trong quân đội và trong trường hợp chiến tranh. Cá heo, một loài vật thông minh dĩ nhiên không thể loại trừ khỏi danh sách huấn luyện. Theo kế hoạch, cá heo được đào tạo để dò mìn dưới nước và cảnh báo cuộc tuần tra của kẻ địch.

Tại Seattle, cá heo và sư tử biển California cũng được huấn luyện để phát hiện những kẻ xâm nhập con người. Khi cá heo phát hiện mục tiêu, nó sẽ bơi tới tàu Hải quân gần nhất để báo tin còn sư tử biển sẽ tiếp cận kẻ không mời mà đến với một đai kim loại và đeo nó vào chân của kẻ xâm nhập.

Liên Xô cũng được cho là đã thành lập một đơn vị quân đội để huấn luyện các loài động vật có vú phục vụ các mục đích tương tự. Trong đó, cá heo được huấn luyện để tấn công các tàu của kẻ địch bằng cách phân biệt âm thanh giữa các cánh quạt của con tàu. Một vài năm trước đây, đội quân cá heo được bán cho Iran để triển khai tại vùng Vịnh Péc-xích và được gọi vui là “lính đánh thuê”.

4. Dự án tia X – Bom dơi

Trong Chiến tranh thế giới II, các nhà khoa học quân sự ở cả hai phía đối địch chạy đua với nhau để tìm kiếm những phương thức chiến tranh vượt trước đối thủ, tạo ra lợi thế cho mình. Lúc này, quân đội Mỹ nảy ra một ý tưởng siêu lạ đời, chế tạo bom dơi. Dự án được gọi với cái tên tia X.Được phát triển bởi Lytle S. Adams và chính thức được chấp Tổng thống Roosevelt ủng hộ, dự án bom dơi bao gồm một quả bom khổng lồ với ruột chứa đầy “dơi ngủ đông”.

Theo dự án, ở tại một độ cao nhất định, quả bom sẽ được mở bung ra và hàng nghìn con dơi bị đánh thức bởi không khí ấm, sẽ tràn ra ngoài.Mỗi con rơi mang theo khoảng 17 gam bom napalm được gắn trên cơ thể nó. Khi dơi hạ cánh trên cây và những ngôi nhà ở Nhật Bản, các quả bom nhỏ sẽ thiêu trụi mọi thứ trong biển lửa. Dự án này từng được xem là một trong những chiến lược chính của quân đội Mỹ và hàng nghìn chú dơi Mexico đã được nhập khẩu để phục vụ cho kế hoạch này. Tuy nhiên, cuối cùng dự án lại bị hủy bỏ vì số tiền để chi cho một quả bom dơi khổng lồ hơn hẳn chi phí tạo ra một quả bom nguyên tử.

5. Chuột biến đổi gen rà bom

Theo ước tính, có ít nhất 70 quốc gia trên thế giới vẫn có bom mìn – di sản của các cuộc chiến tranh trong quá khứ - bị chôn vùi dưới lòng đất. Điều này tạo ra những nguy hiểm lớn đối với con người. Công việc rà phá bom mìn còn sót lại tại các vùng chiến sự cũ được cho là rất tốn kém và tiềm ẩn các mối nguy hiểm chết người. Do đó, nhiều quốc gia sử dụng động vật cho công việc này. Thậm chí, Mông Cổ còn sử dụng 2.000 con khỉ để dò mìn. Tuy nhiên, khỉ vẫn khá nặng đủ để vô tình kích hoạt một quả bom.

Charlotte D'Hulst, một nhà khoa học đang nghiên cứu chuột biến đổi gen có khả năng giúp con người dò phá nhanh chóng bom mìn trong khu vực rộng khoảng 300 m2 chỉ trong một vài giờ. Những con chuột biến đổi gen có độ nhạy cảm mùi gấp 500 lần so với chuột bình thường và nhỏ đủ để không vô tình kích hoạt những quả bom phát nổ. Nhờ đó, hàng nghìn sinh mạng sẽ có khả năng được cứu sống.

6. Đội chiến binh chó Ngao

Dù ngày nay, chó được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh, song chúng không thực sự là các chiến binh. Thời Hy Lạp cổ đại thì khác, các chiến binh chó đã từng được tung ra những chiến trường khốc liệt nhất.

Vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, thành phố Magnesia của Hy Lạp bổ sung chó Ngao đã qua huấn luyên quân sự vào biên chế quân đội. Những chiến binh chó này có thể nặng tới 113 kg. Chúng được đưa lên hàng tiên phong với mục đích phá vỡ thế trận của kẻ địch, khiến chúng trở nên hỗn loạn để binh sĩ phía sau tận dụng thời cơ tiêu diệt quân thù. Ngoài ra, những chiến binh chó còn được trang bị áo giáp để phòng vệ trên chiến trường ác liệt.

7. Hóa chất thu hút ong

Năm 1994, Không quân Mỹ bắt đầu triển khai sáng kiến phát triển các loại vũ khí không gây sát thương để sử dụng trong chiến tranh. Hóa chất là một trong những loại vũ khí như vậy. Tuy nhiên, theo dự án, các loại hóa chất sẽ không có khả năng giết hại quân địch mà chỉ gây ra những phiền phức và khó chịu cho họ.

Chẳng hạn, những quả bom hóa chất chứa đầy pheromone có khả năng thu hút mạnh kiến hoặc ong bắp cày để chích, đốt quân địch. Một số bom hóa chất khác có khả năng khiến quân địch dính bệnh hôi miệng hoặc lập tức thở ra mùi hôi khó chịu. Một loại hóa chất khác chứa các thành phần kích dục mạnh khiến người bị nhiễm nó có khả năng gây ra “các hành vi tình dục đồng tính”. Ngoài ra, Không quân Mỹ từng bị đồn chế tạo bom gay.

8. Bom rắn

Bất cứ nhà sử học nào cũng đều sẽ phải công nhận Hannibal là một vị tướng tài ba, lỗi lạc. Các chiến lược của ông đóng vai trò then chốt và quyết định trong các cuộc chiến Punic. Trong đó, Tướng Hannibal có lẽ nổi tiếng nhất với chiến tích thống lĩnh đội quân xâm lược bao gồm cả voi chiến vượt qua dãy núi Alps, được cho là bức tường không thể vượt qua nổi để tấn công thành Rome từ trong nội địa, tạo ra yếu tố bất ngờ nhằm quyết định chiến thắng.

Tuy nhiên, đó không hẳn là chiến lược sáng tạo nhất của Hannibal. Nhiều năm sau Chiến tranh Punic, Tướng Hannibal lại cầm quân chống lại đội quân của Eumenes II, vua của Pergamon. Đây là cuộc chiến ở nước ngoài và Tướng Hannibal có nhiều quân hơn. Song ông vẫn có chuẩn bị trước với một chiến thuật đáng nể. Ông tìm cách lần ra chiếc tàu chở nhà vua Eumenes II. Ngay sau khi xác định và tiếp cận được với chiếc tàu này, Tướng Hannibal lập tức ném hàng loạt bình lớn chứa đầy rắn độc lên tàu. Nhà vua Eumenes II bối rối, hoảng loạn và quay thuyền bỏ chạy. Các chiến thuyền còn lại của vua Eumenes II như rắn mất đầu cũng tan tác rút lui.

9. Bồ câu dẫn đường tên lửa

Một ý tướng siêu lạ đời trong chiến tranh thế giới thứ II là dự án Bồ câu. Đây là kế hoạch quân sự để đặt chim bồ câu đã được huấn luyện trước vào bên trong chóp hình nón ở đầu tên lửa nhằm hướng dẫn nó nhắm trúng các mục tiêu. Đây là thời kỳ trước kỷ nguyên tên lửa dẫn đường và do đó, dự án Bồ câu rất thu hút sự chú ý của quân đội Mỹ.

Theo kế hoạch, người ta sẽ chế tạo chóp hình nón chuyên biệt ở đầu tên lửa Pelican. Mỗi chóp hình nón có 3 ngăn. Mỗi ngăn sẽ được đặt một chú bồ câu đã được huấn luyện trước để nhận biết các mục tiêu và một màn hình hiển thị đường đi của tên lửa.

Khi tên lửa trên đường tiếp cận mục tiêu, bồ cầu sẽ dùng mỏ chạm vào màn hình và điều khiển tên lửa đi đúng hướng. Tuy nhiên, dự án thất bại không chỉ vì tính phi thực tế của nó mà còn vì kinh phí quá khủng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại