Những nghi vấn lớn nhất về thủ phạm bắn hạ máy bay Malaysia

Thiên Minh |

(Soha.vn)-Giả thuyết hiện tại phần lớn cho rằng máy bay Malaysia bị tên lửa bắn hạ. Các bên bị tình nghi như Nga, lực lượng ly khai thân Nga, quân CP Ukraine đang đổ lỗi cho nhau.

Tờ RT (Nga) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay quân đội Ukraine đã triển khai một số tổ hợp tên lửa đất đối không Buk với ít nhất 27 hệ thống phóng, có khả năng bắn hạ các máy bay tầm cao tại vùng Donetsk, nơi chiếc máy bay chở khách của Malaysia gặp nạn.

“Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đóng quân tại khu vực máy bay gặp nạn được trang bị một số hệ thống phòng không Buk-M1. Xét về những đặc tính kỹ chiến thuật, tổ hợp này có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 160km và tiêu diệt chúng ở khoảng cách trên 30km” – Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

BUK.(RIA Novosti / Vadim Braydov)

Hệ thống phòng không Buk-M1

Trước đó, hãng tin Itar-TassInterfax dẫn một nguồn tin cho hay một tổ hợp Buk khác đang chuẩn bị được vận chuyển tới Donetsk từ thành phố Kharkov (Ukraine).

Chiếc máy bay Boeing-777 của hãng Malaysian Airlines bay từ Amsterdam đến Malaysia đã rơi xuống miền Đông Ukraine, cách biên giới Nga không xa. Theo số liệu được báo cáo, có 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay gặp nạn, tất cả đều đã thiệt mạng. Một số báo cáo chưa được xác nhận cho biết chiếc Boeing đã bay ở độ cao trên 10.000 m khi trúng tên lửa.

Theo nguồn tin, lực lượng dân quân tự vệ tại vùng Donetsk không thể sở hữu các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy. Chỉ có hệ thống tên lửa S-300 và Buk mới có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở tầm cao như trên.

Buk là “gia đình” các hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung được phát triển bởi Liên Xô và sau này là Nga, có thể bắn hạ các mục tiêu ở độ cao 11.000 – 25.000m, tùy từng biến thể.

Hiện trường nơi chiếc máy bay của Malaysia rơi
Hiện trường nơi chiếc máy bay của Malaysia rơi

Yury Karash, một phi công và chuyên gia hàng không nói với tờ RT rằng có khả năng cao là hệ thống phòng không Ukraine đã bắn hạ máy bay Malaysia.

“Boeing-777 là một loại máy bay có độ tin cậy cao. Các máy bay hiện đại không thể gặp nạn mà không có lý do. Cách đây 10 năm, một tên lửa Ukraine từng bắn hạ máy bay Tu-154 của Nga. Tôi không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng chiếc Boeing-777 bị trúng tên lửa”, Karash nói, “Tôi không biết ai bắn hạ nó nhưng nhiều khả năng đó là các lực lượng vũ trang Ukraine, đơn giản bởi vì các hệ thống phòng không của họ không đủ tiêu chuẩn, khâu huấn lyện cũng không được chú trọng” .

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông phương Tây lại đổ lỗi cho các lực lượng dân quân Donetsk bắn hạ máy bay. Các đại diện Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho rằng quân đội Ukraine mới là lực lượng bắn hạ chiếc máy bay.

“Chúng tôi không có những hệ thống đó. Các hệ thống phòng không vác vai của chúng tôi chỉ có tầm bắn 3.000-4.000m. Chiếc Boeing bay ở độ cao cao hơn nhiều”. Sergey Kavtaradze, đại diện Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk giải thích.

Nick de Larrinaga, chuyên gia phân tích của tạp chí HIS Jane’s nhận định, các lực lượng dân quân địa phương ít có khả năng bắn hạ máy bay Malaysia.

“Độ cao hành trình thông thường của máy bay chở khách dân sự sẽ nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa phòng không vác vai mà đã được nhìn thấy trong tay lực lượng ly khai ở Ukraine”.

Tuy nhiên, chiếc máy bay nằm trong tầm bắn của hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk.

“Cả Nga và Ukraine đều có hệ thống tên lửa này” – Larrinaga nói.

Theo Chuẩn tướng Kevin Ryan, Giám đốc Dự án Quốc phòng và tình báo tại Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer thuộc Đại học Harvard cũng nhận định rằng hầu như không có khả năng lực lượng dân quân tự vệ sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Buk để bắn hạ máy bay Malaysia.

“Để vận hành một trong những hệ thống này và bắn trúng mục tiêu đòi hỏi nhiều thời gian huấn luyện và nhiều yếu tố phối hợp”, ông Ryan nói với tờ CNN (Mỹ), “đây không phải là loại vũ khí cứ lôi ra và bắn”.

Theo Ryan, nếu chiếc máy bay thật sự bị bắn hạ thì “thủ phạm” phải là một lực lượng quân sự chuyên nghiệp.

Quang cảnh gần khu vực máy bay Malaysia rơi ở Ukraine (Chiếc Boeing 777 đang bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur khi gặp nạn ở miền đông Ukraine)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại