Không khó để nhận ra toàn bộ các thành viên thuộc gia đình tiêm kích họ "J" đều là sản phẩm sao chép từ nguyên mẫu nước ngoài. Dưới đây là hình ảnh về toàn bộ các thành viên gia đình tiêm kích họ "J" của Trung Quốc.
Shenyang J-5 là loại máy bay tiêm kích đánh chặn phản lực dưới âm một chỗ ngồi do Trung Quốc chế tạo theo giấy phép từ nguyên mẫu MiG-17 của Liên Xô vào năm 1956. J-5 có tên xuất khẩu là F-5 và cũng được NATO định danh Fresco như MiG-17.
Vũ khí của J-5 gồm 1 pháo 37 mm và 2 pháo 23 mm, đã có trên 1.820 chiếc J-5 được sản xuất và xuất khẩu tới 12 quốc gia. Hiện nay vẫn còn một lượng nhỏ J-5 phục vụ trong Không quân Triều Tiên.
Shenyang J-6 là một phiên bản của máy bay tiêm kích MiG-19 Farmer do Trung Quốc chế tạo theo giấy phép chuyển giao từ Liên Xô vào năm 1958. J-6 bị xem như đồ "dùng một lần" vì nó chỉ vận hành được liên tục trong 100 giờ bay (khoảng 10 phi vụ) trước khi tiến hành đại tu.
So với J-5 thì J-6 có thể coi như một bước tiến lớn khi đã được trang bị tên lửa không đối không K-13 Atoll. Có khoảng hơn 3.000 chiếc J-6 đã được Trung Quốc chế tạo kể cả biến thể cường kích Q-5. Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam cũng nhận được một lượng nhỏ J-6 viện trợ của Trung Quốc.
Chengdu J-7 là phiên bản "made in China" của tiêm kích Mikoyan-Gurevich MiG-21. J-7 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1966, giống như MiG-21 nó vẫn được sử dụng trong biên chế không quân nhiều nước trong đó có Trung Quốc với vai trò máy bay tiêm kích đánh chặn.
J-7 là loại máy bay được đánh giá rất thành công của Trung Quốc khi có tới hơn 2.400 chiếc được sản xuất, thậm chí dây chuyền lắp ráp còn hoạt động tới gần đây mới chấm dứt khi cho ra đời biến thể J-7G với đặc điểm nhận dạng là phần mũi thuôn gọn và cặp cánh delta kép đặc trưng.
Shenyang J-8 là mẫu máy bay mở rộng từ Chengdu J-7 với 2 động cơ phản lực, so với J-7 nó không có nhiều khác biệt lớn ngoại trừ to hơn. Đây là mẫu máy bay không thành công của Trung Quốc khi chỉ có chừng 30 - 50 chiếc được sản xuất.
Tuy nhiên sau đó Trung Quốc lại tiến hành copy Su-15 Flagon của Liên Xô và lai ghép nó với chiếc J-8 để cho ra đời mẫu J-8II. Đây là phiên bản thành công hơn khi có khoảng 390 chiếc được sản xuất. Máy bay có tốc độ Mach 2,2 và mang theo được 4.500 kg vũ khí.
Chengdu J-10 là máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ tiên tiến nhất của Trung Quốc, có thể thấy thiết kế của J-10 gần như giống hệt tiêm kích IAI Lavi của Israel mặc dù cả 2 nước đều phủ nhận mối liên hệ giữa chúng.
J-10 được trang bị 1 cặp cánh canard và động cơ kiểm soát vector lực đẩy cho khả năng cơ động rất tốt cùng những thiết bị điện tử hàng không tiên tiến. Từ mẫu J-10A ban đầu, Trung Quốc đang thực hiện một số cải tiến để cho ra đời phiên bản nâng cấp J-10B, đặc điểm phân biệt dễ nhận thấy nhất là ở thiết kế cửa hút gió.
Shenyang J-11 là tiêm kích hạng nặng thế hệ 4 ban đầu được Trung Quốc sản xuất theo nguyên mẫu Su-27SK mua giấy phép từ Nga, tuy nhiên đến năm 2006 thì hợp đồng bị phá bỏ do Trung Quốc cảm thấy đã tự chủ được hoàn toàn công nghệ chế tạo.
Trên cơ sở J-11A, Trung Quốc đã chế tạo thành công chiếc J-11B với nhiều thành phần sản xuất trong nước, máy bay được đánh giá thuộc thế hệ 4,5 và được coi là một phiên bản độc lập của họ gia đình Sukhoi Flanker.
Shenyang J-15 "Cá mập bay" là loại tiêm kích hạm của Trung Quốc được phát triển từ nguyên mẫu Sukhoi Su-33. Hiện nay J-15 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
J-15 đang chịu nhiều chỉ trích về vấn đề tải trọng của mình trên tàu sân bay. Nếu nó mang 12 tấn thì không thể nào cất cánh lên được và nếu nạp nhiên liệu đầy thì chỉ có thể mang 2 tấn vũ khí, bán kính tác chiến chỉ gói gọn trong 120 km. Điều này dẫn đến việc sẽ cần một lượng lớn J-15 cho một nhiệm vụ đơn giản.
Shenyang J-16 là máy bay tiêm kích thế hệ 4 được Trung Quốc nhận là tự lực chế tạo nhưng thực chất đó lại là một sản phẩm “nhân bản” từ nguyên mẫu Su-30MK2 của Nga.
Hiện nay J-16 đã bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt để biên chế cho Không quân Hải quân. J-16 được Trung Quốc tung hô là vượt trội Su-30MKI của Ấn Độ tuy nhiên điều này rất khó kiểm chứng.
Chengdu J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, được hy vọng sẽ là đối thủ cạnh tranh với F-22 Raptor của Mỹ hay Sukhoi T-50 của Nga.
Thiết kế của J-20 được cho là vay mượn của MiG-144, hiện máy bay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm với nhiều thiết bị mua tạm của Nga để lắp vào, do đó con đường hoàn thiện của J-20 bị đánh giá vẫn còn muôn vàn trở ngại.
Shenyang J-31 là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới nhất của Trung Quốc mới ra mắt ngày 31/10/2012. Không khó để nhận ra những điểm tương đồng giữa loại máy bay này với F-35 và F-22 của Mỹ.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc từng tự tin khẳng định J-31 sẽ là đối thủ của F-35 trên thị trường vũ khí thế giới. Tuy nhiên trong khi sao chép F-22 và F-35 về hình dáng thì Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất động cơ cho J-31 khi vẫn phải sử dụng động cơ RD-93 do Nga chế tạo.
J-15 luyện tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA