Thông số kỹ thuật của pháo tự hành diệt tăng SdKfz 184 Panzerjager Tiger (P) (Ferdinand / Elefant)
Nhà sản xuất: Porsche AG / Nibelungenwerk
Năm biên chế: 1943
Số lượng sản xuất: 91 chiếc
Kíp xe: 6 người
Dài: 8,14 m
Rộng: 3,38 m
Cao: 2,97 m
Trọng lượng: 65 - 70 tấn
Động cơ: 2 x Maybach HL 120 công suất tổng cộng 600 mã lực
Tốc độ tối đa: 30 km/h
Tầm hoạt động: 150 km
Vũ khí:
1 pháo chính 88 mm PaK 43/2 L/71 (StuK 43/1)
1 súng máy 7,92 mm MG34 (Elefant)
Khi xe tăng hạng nhẹ Panzer I và Panzer II được sử dụng rộng rãi trong Quân đội Đức giữa những năm 1930, nó đã báo trước cuộc chiến tương lai sẽ gắn liền với các phương tiện thiết giáp và các phương tiện này sẽ có lớp bảo vệ ngày một tốt hơn. Xe tăng Panzer I sử dụng tháp pháo xoay nhưng chỉ gắn súng máy, Panzer II khá hơn với khẩu pháo 20mm tuy vậy hỏa lực đó là không đủ khi phải đối mặt với xe tăng Anh, Pháp trên chiến trường châu Âu, cho nên người Đức đã phát triển xe tăng hạng trung Panzer III và Panzer IV với nhiệm vụ đương đầu xe tăng đối phương và hỗ trợ bộ binh, cả hai loại này được Quân đội Đức quốc xã sử dụng rộng rãi sau năm 1939 với tổng số lượng lên tới gần 9.000 chiếc.
Pháo tự hành chống tăng Ferdinand tại bảo tàng tăng thiết giáp Kubinka
Sau khi Đức tấn công Liên Xô năm 1941, xe tăng Đức gặp phải đối thủ đáng gờm hơn rất nhiều đó là xe tăng hạng trung T-34 và xe tăng hạng nặng IS-2. Sự vượt trội của người Nga khiến Đức tức tối và để không bị thua thiệt trên chiến trường, người Đức lại tiếp tục cuộc chạy đua bằng cách cho ra lò xe tăng hạng trung Panzer V “Panther” và Panzer VI “Tiger” hạng nặng vào năm 1942. Sự phát triển của xe tăng Tiger có nhiều liên quan đến việc ra đời của pháo tự hành chống tăng Ferdinand đó là khi hãng Henschel và Porsche được giao nhiệm vụ thiết kế loại xe tăng hạng nặng mới có giáp giày ấn tượng và một khẩu pháo chính cỡ 88 mm.
Sau khi xe tăng Tiger bắt đầu được sản xuất năm 1942 với số lượng 1.347 chiếc tính đến thời điểm cuối năm 1944, hãng Porsche vào cuối năm 1942 cũng dựa trên Tiger để phát triển một loại pháo tự hành chống tăng. Loại vũ khí mới cũng trang bị pháo chính cỡ 88 mm KwK L/71 PaK 43/2 có thể hạ gục bất cứ xe tăng Đồng minh nào từ cách xa 1 km. Tháp pháo xoay của Tiger bị bỏ đi và thay vào đó là một “tháp pháo” cố định gắn pháo chính, hệ thống giảm giật và là nơi chứa đạn.
Thiết kế của Ferdinand giúp kíp xe được bảo vệ hoàn toàn bởi giáp thép trước hỏa lực hạng nhẹ của đối phương hoặc mảnh pháo. Phần tháp pháo vát nghiêng bên hông có dạng chữ “A” giúp tăng đôi chút khả năng bảo vệ. Giáp của Ferdinand chỗ dày nhất lên tới 200 mm, một con số ấn tượng và thực sự là xe tăng Đồng minh không hề thích điều này!
Ferdinand trong trận vòng cung Kursk
Giáp dày và khẩu pháo cực kỳ uy lực khiến Ferdinand có khối lượng lên tới 65 tấn, cho nên để đảm bảo khả năng cơ động nhà thiết kế đã lắp 2 động cơ Maybach HL 120 đặt ở giữa xe, công suất tổng cộng đạt 600 mã lực và 2 động cơ điện Porsche/Siemens-Schuckert hỗ trợ điều khiển bánh dẫn hướng. Tuy vậy thì tốc độ tối đa của Ferdinand cũng chỉ khoảng 31 km/h và dự trữ hành trình 195 km do kích cỡ và khối lượng quá khổ của nó.
Kíp xe vận hành loại pháo tự hành chống tăng này gồm 6 người, trong đó lái xe và điện đài viên ngồi phía trước, trưởng xe, pháo thủ và nạp đạn viên ngồi trong tháp pháo cùng với 50 viên đạn 88 mm. Ferdinand không có loại vũ khí nào ngoài pháo chính để tự vệ trước bộ binh hay máy bay đối phương. Đằng sau tháp pháo có cửa sổ để thoát vỏ đạn.
Vào tháng 9/1942, công việc thiết kế Ferdinand về cơ bản đã hoàn thành, sau thời gian thử nghiệm gấp rút, Hitler ra lệnh cho loại pháo tự hành hạng nặng này sẵn sàng cho cuộc tấn công của quân Đức trong năm 1943. Nó được chính thức đưa vào biên chế quân đội Đức quốc xã với tên SdKfz 184 Panzerjager Tiger (P) (chữ P chỉ một sản phẩm của hãng Porsche), hay đơn giản được biết tới với biệt danh “Ferdinand”.
Ferdinand là một trong những loại pháo tự hành chống tăng khó bị bắn hạ nhất
Thử thách đầu tiên cho Ferdinand chính là trận vòng cung Kursk nổi tiếng, bởi vì sự phát triển và sản xuất nhanh chóng của Ferdinand được đốc thúc bởi Hitler khi ông ta muốn chúng có mặt trong chiến dịch Citadel, mùa hè năm 1943. Trận chiến diễn ra gần thành phố Kursk trở thành trận đấu tăng lớn nhất lịch sử, trong trận này có sự tham gia của xe tăng Tiger và Panther, cùng với Ferdinand làm nên sức mạnh mới của lực lượng thiết giáp Đức. Hitler đã làm tất cả để những đơn vị tốt nhất của ông ta tham gia trận đánh.
Có 89 chiếc Ferdinand được vận chuyển tới chiến trường và biên chế vào 2 tiểu đoàn của trung đoàn Panzer 654. Chúng được ghi nhận đã bắn hạ khoảng 300 đến 500 xe tăng địch nhưng cũng phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật do thiết kế quá mới và thử nghiệm quá vội vàng. Nhiều chiếc Ferdinand đã bị tổ lái bỏ lại chứ không phải bị hỏa lực của đối phương tiêu diệt. Khối lượng và kích cỡ quá khổ của xe khiến kíp lái đôi khi cảm thấy bất lực trước địa hình nhiều bùn lầy ở Đông Âu.
Ferdinand thời kỳ đầu không có súng máy để tự vệ trước bộ binh
Thiết kế tháp pháo cố định của Ferdinand mặc dù giúp bảo vệ kíp lái không bị “phơi” ra ở bất cứ góc nào, nhưng cũng khiến Ferdinand chỉ có tác dụng khi xoay xe về đúng hướng mục tiêu, điều này thì lại phụ thuộc vào việc nhiên liệu cho xe lúc nào cũng phải đầy đủ cũng như hệ thống treo phải làm việc tốt. Nếu xích xe bị hỏng, Ferdinand sẽ không thể di chuyển và trở thành một lô cốt sắt đúng nghĩa với khẩu pháo không tài nào xoay trở, khi đó kíp lái chỉ có nước gọi hỗ trợ hoặc bỏ xe. Do không có vũ khí phụ để tự vệ và không có lỗ châu mai để kíp xe khai hỏa từ bên trong, Ferdinand trở thành một cái bia cho Hồng quân tập bắn, thậm chí một lính bộ binh chỉ việc chạy đến bên cạnh, đặt thuốc nổ hủy xe mà không gặp bất cứ nguy hiểm gì.
Trong số 89 chiếc tham gia từ đầu chiến dịch, chỉ có khoảng 50 chiếc Ferdinand sống sót và với nhiều khuyết điểm phát sinh, chúng được chuyển về Đức để cải tiến bằng cách lắp thêm súng máy MG34 phía trước bên phải để cho điện đài viên sử dụng, một cửa nắp được lắp thêm cho trưởng xe, dải xích được làm rộng ra để hạn chế lún trên địa hình Đông Âu, giáp trước được tăng cường để chịu hỏa lực chống tăng, ngoài ra Ferdinand cũng được cải thiện để hạn chế tác hại của mìn nam châm hay bom dính. Những cải tiến trên khiến cho khối lượng khẩu pháo tự hành diệt tăng này tăng từ 65 lên 70 tấn và chúng được Hitler đổi tên thành “Elefant” vào ngày 1/5/1944.
Ferdinand bị kíp lái bỏ lại và rơi vào tay Hồng quân Liên Xô
Sau đó Elefant được gửi tới Italy để chiến đấu với quân Đồng minh, tại đây con quái vật to lớn này lại thể hiện sự kém cơ động tại chiến trường mới vốn có nhiều cầu và đường thì nhỏ hẹp. Thêm nữa, thiết kế quá đặc biệt của Elefant, không giống các loại xe khác trong quân đội Đức cũng khiến việc sửa chữa hỏng hóc trên chiến trường trở nên bất khả kháng. Mặc dù khẩu pháo 88 mm của Elefant không ngại bất cứ loại xe tăng nào của Mỹ nhưng chúng nhanh chóng trở thành một lô cốt vững chắc hơn là một loại pháo tự hành xung kích. Một lần nữa những hỏng hóc kỹ thuật khiến kíp lái tự bỏ xe cho đối phương chứ không phải bị bắn cháy.
Ferdinand trên đường phố Italy
Trong số 91 chiếc Ferdinand / Elefant được xuất xưởng chỉ có 2 chiếc còn nguyên vẹn đến ngày nay, chúng hiện nằm tại bảo tàng Quân đội Mỹ tại Virginia và bảo tàng tăng thiết giáp Kubinka gần Moscow.
Pháo tự hành chống tăng Ferdinand trong đội hình tấn công của Phát xít Đức tại trận vòng cung Kursk
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA