Những giây phút nghẹt thở trong trận hải chiến đẫm máu Anh - Đức

Cuộc giao tranh được gọi là “Trận chiến Jutland” hay "Trận Skagerrak" theo cách gọi của Đức, diễn ra từ ngày 31/5 - 1/6/1916.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã diễn ra một trận hải chiến lớn và đẫm máu giữa Hạm đội Grand (Grand Fleet) của Hải quân Hoàng gia Anh và Hạm đội biển khơi (High Seas Fleet) của Đức tại vùng biển ngoài khơi Jutland thuộc eo biển Skagerrak, Đan Mạch. Cuộc giao tranh này còn được gọi là “Trận chiến Jutland” hay "Trận Skagerrak" theo cách gọi của Đức, diễn ra từ ngày 31/5 - 1/6/1916.

Đầu năm 1916, chỉ huy hạm đội của Đức là Đô đốc Von Scheer có ý định kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đen để chống lại quân Anh và kiểm soát hành lang Skagerrak nối biển Bắc và biển Baltic, ngăn chặn sự thông thương giữa Anh, Pháp với các nước Bắc Âu và Nga. Bước đầu, Đô đốc Scheer cho một số tuần dương hạm đến bắn phá những căn cứ của hải quân Anh dọc theo bờ biển miền đông nước Anh. Cuối tháng 5/1916, Von Scheer cử Hipper đưa 1 tàu tuần dương hạm tiến vào biển Jutland để phong tỏa đường đi lại của tàu buôn Anh.

Trước tình hình đó, Bộ Hải quân Anh đã ra lệnh cho Đô đốc Jellicoe và Phó đô đốc Beatty chỉ huy 2 hạm đội tiến vào biển Jutland. Đến ngày 31/5/1916, hai bên dàn trận ở eo biển Skagerrak. Quân Anh có 150 chiếc tàu tham chiến bao gồm: 28 thiết giáp hạm, 17 tuần dương hạm, 22 tuần dương hạm hạng nhẹ, 81 khu trục hạm, 1 tàu phóng lôi, 1 tàu sân bay. Trong khi lực lượng của Đức có 111 tàu tham chiến: 22 thiết giáp hạm, 5 tuần dương hạm, 11 tuần dương hạm hạng nhẹ, 73 khu trục hạm, 16 tàu ngầm và 10 máy bay.

Trong điều kiện thời tiết xấu, mặt biển nhiều chỗ bị sương mù bao phủ, cả hai bên dàn quân theo cách cổ điển: tuần dương hạm hạng nhẹ và tàu phóng lôi tiến về phía trước còn hai bên là các thiết giáp hạm. Đúng 3 giờ 48 phút, hai bên bắt đầu giao chiến. Giai đoạn đầu, tàu Anh chiếm ưu thế nhưng sau đó lợi thế dần nghiêng về hạm đội Đức. Chiến hạm Lion của Beatty bị trúng 3 quả đại bác từ chiến hạm Derfflinger của Hipper nên hư hại lớn.

Tuần dương hạm Queen Mary của Anh trúng đạn.

Khoảng 4 giờ chiều, đại bác Đức lại bắn trúng tuần dương hạm Indefatigable của Anh khiến hàng nghìn thủy thủ bị chết, chỉ có 5 người được tàu Đức vớt lên. 20 phút sau, đến lượt tuần dương hạm thứ hai của Anh là Queen Mary trúng đạn làm 1.200 thủy thủ chết chìm. Đến lúc này, Beatty chỉ còn 4 tuần dương hạm đối đầu với 5 tàu của Đức. Trước tình thế nguy kịch, Hipper lệnh cho Beatty rút về phía bắc để nhập vào hạm đội của Jellicoe.

Trong khi đó, hai hạm đội chủ lực của Jellicoe và Von Scheer đã trực tiếp đối đầu nhau. 5 giờ 30 phút chiều, hạm đội hai bên tiếp tục đấu pháo. Jellicoe đã dụ cho hạm đội Đức lọt vào vòng vây hình chữ V của tàu Anh. Cuộc chiến ác liệt đã diễn ra suốt đêm cho đến rạng sáng ngày 1/6. Tuy nhiên, do những sai lầm về chiến thuật của Anh và sự chỉ huy tài tình của Von Scheer, hạm đội Đức đã thoát ra khỏi vòng vây của người Anh, quay về cảng với thiệt hại nặng nề mà không đạt được mục tiêu ban đầu là phá vỡ vành đai thép ngoài khơi.

Tàu chiến SMS Seydlitz của Đức bị hư hại nặng.

Nhớ lại cuộc đối đầu ác liệt này, Ernest Francis, một pháo thủ trên tuần dương hạm Queen Mary của Hải quân Hoàng gia Anh may mắn thoát chết, kể lại: "Những khẩu pháo đã được nạp đạn và di chuyển đến vị trí, sẵn sàng nhả đạn khi trận đánh bắt đầu. Loạt súng đầu tiên khai hỏa, đánh dấu trận chiến lớn này. Đột nhiên, bầu không khí trở nên im lặng tuyệt đối, cảm giác như những con sò dưới biển cũng dừng di chuyển. Ngay sau đó là một tiếng nổ inh tai nhức óc, tất cả bị thổi tung, bụi và những mảnh vỡ bay xung quanh tháp pháo của chúng tôi”.

Francis cũng cho biết thêm rằng tuần dương hạm Queen Mary tổng cộng đã bị trúng đạn hai lần, sau đó bị nghiêng và chìm xuống đáy biển làm hơn 1.200 thủy thủ thiệt mạng, chỉ có 18 người may mắn sống sót được các tàu khu trục đi sau vớt lên.

Sau 10 giờ chiến đấu, cả hai hạm đội của Anh và Đức đều chịu những tổn thất nặng nề. Về mặt chiến thuật, Hải quân Anh mất 14 tàu chiến các loại và 6.094 thủy thủ, trong khi phía Đức mất 11 tàu và 2.551 thủy thủ. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, đây là một chiến thắng của Hải quân Hoàng gia Anh, Hạm đội biển khơi của Đức đã không bao giờ dám đối mặt với các tàu chiến Anh thêm lần nào nữa. Các tàu chiến của Đức đã bị vô hiệu hóa nên những lần phá vòng vây sau đó, người Đức chủ yếu sử dụng các tàu ngầm.

Trận Jutland kết thúc với tổn thất của quân Anh nặng hơn quân Đức, nhưng Hải quân Hoàng gia Anh vẫn khống chế hoàn toàn mặt biển đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ý đồ của Hải quân Đức nhằm phá vỡ sự phong tỏa mặt biển của Hải quân Anh đã hoàn toàn thất bại. Từ đó trở đi, hạm đội Đức tiếp tục bị phong tỏa trong các hải cảng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại