Tạp chí Newsweek (Mỹ) đăng bài viết phản ảnh sự lo ngại của nhiều quốc gia châu Âu trước tình hình căng thẳng ở Ukraine, trong đó đề cập rằng những nước này đang cân nhắc khả năng phòng thủ dựa vào vũ khí hạt nhân (VKHN).
Dưới đây là nội dung bài viết của Newsweek:
Viễn cảnh về một thế giới phi hạt nhân dường như vừa trở nên xa vời hơn. Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Obama vẫn tin tưởng rằng đó là điều có thể trong tương lai nhưng giờ đây, tương lai đó lại mờ mịt hơn sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Nhiều quốc gia láng giềng của Nga hiện đang cân nhắc khả năng phòng vệ dựa vào vũ khí hạt nhân. Người đứng đầu Cục an ninh quốc gia Ba Lan, Stanislaw Koziej, nhận xét: “Mặc dù nguy cơ Ba Lan bị Nga tấn công là rất nhỏ, nguy cơ đó hiện nay đã lớn hơn nhiều so với cách đây vài tuần. Phương thức răn đe hiệu quả nhất là sự đoàn kết trong nội bộ NATO và sự hiện diện của Mỹ ở Châu Âu. Khả năng răn đe hạt nhân là một công cụ rất quan trọng của NATO và nó lại càng quan trọng hơn trong tình hình hiện nay.”
Quan điểm này trái ngược với đề xuất cách đây 4 năm của ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski về một hiệp ước giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân triển khai tại Châu Âu. Bản thân ông Sikorski gần đây cũng đề cập đến lá chắn hạt nhân trong lúc kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga.
Hai mươi năm trước, Ukraine là cường quốc hạt nhân thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Nước này sau đó ký một hiệp ước giải trừ toàn bộ số vũ khí hạt nhân để đổi lại việc các cường quốc cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Lời hứa đó trở thành vô giá trị khi Nga sáp nhập Crimea. Trong khoảng thời gian sau đó, thông điệp được các nước láng giềng với Nga chia sẻ là: đừng bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu đang sở hữu nó, còn nếu chưa có, thì hãy dùng vũ khí hạt nhân của người Mỹ làm lá chắn.
Lính Nga ở Crimea
5 năm trước, khi phát biểu trước hơn 20.000 người tại Praha, Cộng hòa Séc, Tổng thống Mỹ Obama đã phác họa ý tưởng giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới. Hiện Mỹ vẫn còn khoảng 180 đầu đạn hạt nhân được triển khai tại những nước Châu Âu gồm Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng từng được xem là di sản cũ kĩ của Chiến tranh lạnh, đã kết thúc từ một phần tư thế kỷ trước. Nhưng trong tình hình hiện nay, mọi quy tắc, hiệp ước quốc tế từng giúp duy trì hòa bình và trật tự ở Châu Âu trong 20 năm qua dường như đã vô hiệu sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trước đó, Gruzia là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tham vọng của nước Nga. Sau đó là Ukraine. Ai sẽ là nạn nhân thứ 3?
Những nước Baltic là đáng lo ngại nhất. Sau thế chiến thứ 2, những nước này chỉ được hưởng nền độc lập trong 2 thập niên trước khi bị Liên Xô thôn tính. Sau năm 1991, họ lại trở thành những quốc gia độc lập. Nhưng hai nước Estonia và Latvia lại có một cộng đồng người gốc Nga đông đảo, chiếm 25% dân số, và họ lo ngại Nga có thể dùng lí do bảo vệ cộng đồng này như là cái cớ để tấn công, tương tự đã xảy ra ở Gruzia và Crimea.
Ông Ants Laaneots, cựu tư lệnh quân đội Estonia, nói: “Tất nhiên là chúng tôi rất lo lắng. Người Nga đang theo đuổi tham vọng tái lập sự kiểm soát ở những vùng lãnh thổ từng thuộc Liên Xô”. Còn ông Laaneots, từng là sĩ quan trong quân đội Liên Xô trước khi Estonia giành độc lập, dự đoán rằng Moldova, với khu vực ly khai Transnistria, sẽ là nạn nhân tiếp theo. Sau đó sẽ là các nước Baltic. Ông Laaneots cũng hiểu rõ tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga hiện nay, người từng là tư lệnh các lực lượng Nga tại vùng Baltic. “Đó là một quân nhân chuyên nghiệp, hoàn toàn không phải là một người cực đoan. Song những chính trị gia mới là người ra quyết định.”
Ngày 2/4, NATO quyết định ngưng mọi hình thức hợp tác với Nga. Cơ chế hợp tác này được thiết lập vào năm 2002, trong bối cảnh hậu vụ 11/9. NATO và Nga cam kết sẽ cùng hợp tác để kiến tạo một không gian chung cho hòa bình, an ninh và ổn định. Và trên thực tế, cả 2 bên đã đạt được những thành quả đáng kể như hợp tác huấn luyện lực lượng quân đội và an ninh của Afghanistan, ngăn chặn nguy cơ vật liệu hạt nhân rơi vào tay các nhóm khủng bố hay các quốc gia khác, tuần tra chung chống hải tặc…
Có thể tham vọng của Nga chỉ dừng lại ở Crimea, nhưng những động thái mới của nước này đang củng cố ý kiến ủng hộ sự triển khai vũ khí hạt nhân tại Châu Âu. “Không ai cho rằng Nga sẽ tấn công quân sự quy mô lớn. Nhưng họ đang khiêu khích, và chúng ta cần đáp trả tương ứng”, trích lời ông Jiri Schneider, cựu thứ trưởng ngoại giao Cộng hòa Séc.
Mỹ đang duy trì 180 đầu đạn hạt nhân ở châu Âu (Ảnh minh họa)
Điều này có thể đồng nghĩa với việc duy trì số đầu đạn hạt nhân của Mỹ tại châu Âu và hiện đại hóa các phương tiện mang chúng. Theo hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), Mỹ hiện duy trì 180 (trong tổng số 1950) đầu đạn hạt nhân tại châu Âu. Bên cạnh đó, Pháp có 300, và Anh có 225 đầu đạn hạt nhân nhưng đang dự kiến sẽ giảm còn 180. Tuy vậy, số vũ khí của Pháp không thuộc cơ cấu hạt nhân của NATO, còn Anh thì lại nằm khá tách biệt khỏi Châu Âu lục địa. Trong khi đó, Nga hiện đang triển khai khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân trên phần lãnh thổ thuộc Châu Âu của mình.
Đức là một trong những thành viên NATO cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ, nhưng sẽ dần cắt giảm con số này kể từ sau năm 2020. Đó là cơ hội mà các thành viên mới của NATO, các nước Đông Âu, muốn nắm lấy. “Nếu người Đức không muốn nhận bom hạt nhân thì cứ đưa cho chúng tôi”, một nhà ngoại giao Đông Âu từng nói.
Một số nhà hoạch định chiến lược ở Trung Âu và Đông Âu tin rằng đã đến lúc các nước Châu Âu được can dự sâu hơn vào lá chắn răn đe hạt nhân của NATO để chia sẻ gánh nặng, thay vì chỉ là trách nhiệm của Mỹ. Người dân Mỹ chắc chắn cũng không muốn tiền thuế của mình được dùng để bảo vệ châu Âu trong khi những nước này không làm gì. Hiện cả Cộng hòa Séc và Ba Lan, nước đang sở hữu các máy bay F-16 có thể được nâng cấp để mang vũ khí hạt nhân, được cho là sẵn sàng tham gia gánh vác trách nhiệm này.
Nga chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ bước đi này. Nhưng theo ông Schneider, Nga luôn có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân ở phần lãnh thổ Châu Âu trong khi NATO chỉ có từ 200 đến 300. Sự mất cân bằng này đã diễn ra trong một thời gian dài mà không ai có ý kiến gì.
Tuy nhiên không phải ai cũng chia sẻ quan điểm trên. Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân từ Mỹ, nhận xét: “Những người ủng hộ vũ khí hạt nhân đang tận dụng tối đa cuộc khủng hoảng tại Ukraine. NATO không có ý định tăng cường vai trò của vũ khí hạt nhân tại Châu Âu. Và khối này không nên để những thành viên mới tiếp tục kỳ vọng về một bước đi như vậy.”
Theo ông Pavel Podvig, một chuyên gia phân tích từ Nga, những nước Trung Âu và Đông Âu từ lâu vẫn luôn lo ngại về mức độ cam kết thực sự của Mỹ. Và do đó họ tìm cách xây dựng mối liên kết trực tiếp với Mỹ, hy vọng nước này sẽ tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ của họ như là cách để ràng buộc nước Mỹ phải can dự nếu có xung đột.
Trên thực tế, Tổng thống Obama vẫn cam kết duy trì vũ khí hạt nhân tại Châu Âu. Khi giải trình trước quốc hội hồi tháng 3, tướng Mark Welsh, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, giải thích rõ nếu một nước Châu Âu không muốn duy trì vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ của họ, sẽ có những nước khác đủ khả năng lấp vào chỗ trống. Nói cách khác, năng lực hạt nhân của Mỹ trong tương lai là không đổi.
Phản ứng trước sự kiện tại Crimea, Mỹ đã tạm thời tái bố trí các chiến đấu cơ từ căn cứ Aviano, Ý, đến Ba Lan, và một số đơn vị lục quân, hải quân cũng được triển khai tại các nước Baltic. Đối với việc có triển khai vũ khí hạt nhân ở những nước Đông Âu hay không, cho đến nay chưa có bất kì tuyên bố chính thức nào từ các chính phủ. Tuy nhiên, trong vấn đề hạt nhân, điều quan trọng nhất là buộc đối phương phải suy đoán về bước đi thực sự của mình. Vì vậy ngay cả khi Mỹ quyết định tái triển khai vũ khí hạt nhân của mình ở Châu Âu thì họ cũng sẽ không công bố ngay từ bây giờ.
Lịch sử vũ khí hạt nhân thế giới (Nguồn: You Tube)