Nhìn từ Mỹ: Nghệ thuật đánh đòn quyết định chiến trường của VN

"Hà Nội đã triển khai một chiến dịch nghi binh cực kì tinh vi, tương kế tựu kế đánh vào một trong những điểm mạnh nhất của quân Sài Gòn cùng đồng minh Hoa Kỳ..."

"Tổng tiến công Xuân 1975: đấu pháp chiến lược kết thúc ván cờ có một không hai của Bắc Việt" (North Vietnam’s Final Offensive: strategic endgame nonpareil) là bài viết của tác giả Merle L. Pribenow, cựu chuyên viên về Đông dương của CIA, đăng trên tập san Parameters, Hoa Kỳ, số Mùa Đông 1999-2000. Bài được dư luận xem là một công trình nghiên cứu khá sâu về nghệ thuật chiến dịch của Việt Nam.

Kế hoạch tác chiến

Những ý tưởng ban đầu của cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 được vạch ra trong hai cuộc hội nghị quân sự cấp cao tháng Ba và tháng Tư năm 1974. Hai hội nghị này cho rằng QĐND đã giành quyền chủ động chiến trường kể từ chiến dịch Quảng Trị 1972. Sau hiệp định Pa-ri, đường Hồ Chí Minh đã không còn bị Mỹ không kích, miền Bắc đã chuyên chở được một số lượng lớn hàng tiếp tế và trang bị vào miền Nam.

Sau hội nghị, Bộ Tổng tham mưu QĐND soạn Dự thảo kế hoạch đánh thắng cuộc chiến tranh ở miền Nam trình lên vị Tổng tư lệnh huyền thoại của họ, tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi cân nhắc kĩ, ngày 18-7-1974, tướng Giáp triệu tập tướng Hoàng Văn Thái, ra lệnh chính thức xây dựng kế hoạch chiến dịch bảo đảm Toàn thắng ở miền Nam trong năm 1976. Quan điểm của tướng Giáp là tiến hành chiến dịch tiến công gồm hai giai đoạn, trước hết là một trận then chốt do quân chủ lực đánh vào cao nguyên Trung phần, tiếp theo là một cuộc Tổng công kích vào lực lượng phòng thủ Sài Gòn.

Ngày 26-8-1974, sau khi chỉnh sửa, Bộ Tổng tham mưu QĐND đệ trình văn bản với tên gọi “Kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976” lên các lãnh tụ của Đảng và quân đội. Cuối cùng, nó được phê duyệt trong phiên họp của Bộ Chính trị tháng 10-1974.

Dân công phục vụ chiến dịch ở Nam Bộ.

Cho dù quyền chủ động chiến trường đã thuộc về họ, bản Kế hoạch chiến lược này khá thận trọng. Các nỗ lực xây dựng lại lực lượng du kích ở nông thôn gặp khó khăn, cơ sở chính trị ở thành thị chưa hồi phục, chưa xây dựng được kho tàng cho vũ khí, đạn dược hạng nặng tạo hỏa lực tiến công đủ mạnh cho quân chính quy.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo miền Bắc vẫn thấy triển vọng trong khoảng vài năm cho cơ hội giành toàn thắng trước khi Hoa Kỳ hồi sức lại, sau những bê bối sân nhà. Còn QĐND thì hiểu rằng họ vẫn phải luôn sẵn sàng đương đầu với can thiệp từ bên ngoài! Các chỉ thị cốt lõi của tướng Giáp vẫn bao hàm yêu cầu đối với các lực lượng vũ trang miền Bắc phải đề phòng khả năng Mỹ khởi động lại guồng máy không kích, hoặc tiến hành đổ bộ lên Vịnh Bắc Bộ.

Từ phân tích trên, Bộ Tổng tham mưu QĐND cho rằng, quân đội của họ sẽ không thể tiến hành một cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” như thời kì Xuân Mậu Thân, khi còn một số lượng đông đảo du kích các vùng nông thôn và đô thị tham chiến. Cũng không còn nguồn tiếp viện như trước để tiến hành một cuộc tiến công ồ ạt theo bài bản của chiến tranh qui ước, như đã làm vào xuân 1972.

Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc đã giảm cực kì đối với hạng mục vũ khí tiến công-thiết giáp và pháo, kể từ hiệp định Paris. Sự thiếu hụt về tăng-thiết giáp và trọng pháo mà QĐND cần để tấn công các căn cứ cấp binh đoàn của quân đội Việt Nam cộng hòa làm các nhà lập kế hoạch trong Bộ Tổng tham mưu cộng sản vô cùng băn khoăn. Nhiều đơn vị pháo binh miền Nam (Quân giải phóng) chỉ trang bị súng cối hạng nhẹ, súng không giật (ĐKZ) hoặc ống phóng hoả tiễn vác vai (B40). Cả bảy sư đoàn và khung Quân đoàn 4 của miền Nam chỉ có năm tiểu đoàn pháo, trong đó hai tiểu đoàn trang bị pháo đoạt được của Mỹ vì thế rất ít đạn dược, cùng ba tiểu đoàn thiếu bộ đội thiết giáp. (Xin lưu ý rằng Quân đoàn 2 lúc tiến vào Sài Gòn cuối tháng 4-1975 cũng chỉ có 89 tăng và thiết giáp chở quân, cùng 87 cỗ pháo). Đạn dược là rất gay go của QĐND, thiếu nhất là đạn cho tăng và pháo ...

Thời cơ chiến lược

Cho dù dự thảo Kế hoạch chiến lược nói trên tỏ ra thận trọng, nó vẫn cực kì tham vọng. Mục tiêu tổng quát của nó là nhằm kiến tạo bằng mọi biện pháp cái mà QĐND vẫn gọi là thời cơ chiến lược. Đó có thể là một cuộc binh biến, một bạo động chính trị dẫn tới lật đổ chính quyền Sài Gòn, hay một trận thắng của QĐND Việt Nam có ý nghĩa quyết định chiến trường. Kế hoạch cũng tiên liệu sao cho, bất luận thời cơ trên xuất hiện lúc nào, dưới hình thức gì, các lực lượng vũ trang của họ phải lập tức được điều động vào đòn tổng công kích quyết liệt nhằm giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất, trước khi các thế lực can thiệp từ bên ngoài (...) kịp phản ứng.

… Tháng Chạp 1974, Sư đoàn 304 của QĐND Việt Nam đánh chiếm căn cứ Thượng Đức ở vùng núi phía tây Đà Nẵng và bẻ gãy loạt trận phản kích quyết liệt của hai sư đoàn thượng thặng của Việt Nam cộng hòa là Sư đoàn 3 và sư đoàn lính dù.

Có hai thành tố quyết định trong sự thăng hoa về chiến lược dẫn QĐND đến toàn thắng, đồng thời cũng là những điều các nhà dùng binh kinh điển thường chỉ ra: đó là thời và nhân.

… Mồng 6 tháng Giêng các Sư đoàn 3 và 7 đánh chiếm tỉnh lị Phước Long, đoạt thêm 10.000 viên đạn pháo nữa. Sài Gòn không thấy có động tĩnh gì về chuyện tái chiếm Phước Long. Còn người Mỹ răn đe bằng cách cho tàu chở máy bay Enterprise tiến về vùng biển Nam Việt Nam. Mối đe dọa này cũng bay biến khi Enterprise quay mũi trở lại đại dương sau đó.

Chiến thắng Phước Long thức tỉnh ban lãnh đạo Bắc Việt rằng bản Kế hoạch chiến lược là quá ư thận trọng. Đánh giá của Bộ Chính trị về khả năng Mỹ không can thiệp trở lại tỏ ra chính xác, nhược điểm trong hệ thống phòng thủ của quân đội VNCH cũng bộc lộ rõ. Một điều nữa vô cùng quan trọng là giải pháp khắc phục thiếu hụt đạn dược cũng đã được tìm ra: đánh chiếm các kho dạn dược lớn của Sài Gòn ...

Mồng 9 tháng Giêng 1975, hai ngày sau khi Kế hoạch chiến lược mới được Bộ Chính trị thông qua, Quân ủy Trung ương họp, đề ra các mục tiêu của chiến dịch Tây Nguyên: Tiêu diệt từ bốn đến năm trung đoàn bộ binh, một đến hai chiến đoàn thiết giáp của đối phương, đánh thiệt hại nặng Quân đoàn 2 Sài Gòn.

Giải phóng các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, lấy tỉnh lị Buôn Ma Thuột làm trọng điểm của chiến dịch.

Nếu thời cơ xuất hiện, phát triển tiến công lên phía Bắc giải phóng Pleiku và Kon Tum, hay xuống phía đông chiếm Phú Yên, Khánh Hòa …

Nhờ mạng lưới tình báo tuyệt vời của mình, Hà Nội biết chắc rằng Sài Gòn không hay biết gì về mục tiêu chính yếu của họ. Hà Nội cũng hiểu rằng không thể bảo đảm bí mật tuyệt đối cho việc tiếp tế ồ ạt và công tác chuẩn bị chiến trường ở quy mô lớn đến như vậy.

Vì thế họ đã triển khai một chiến dịch nghi binh cực kì tinh vi, tương kế tựu kế đánh vào một trong những điểm mạnh nhất của quân Sài Gòn cùng đồng minh Hoa Kỳ: đó chính là mạng trinh sát điện tử và thám không vô cùng hiện đại. Sóng điện của các đơn vị QĐND sẽ tham chiến tuyệt đối im lặng, còn các báo vụ viên thì đánh đi hàng trăm bức điện vô tuyến giả mạo. Họ còn làm những con đường ma, hoặc cố tình cơ động các đoàn xe về phía Pleiku và Kon Tum để thuyết phục Sài Gòn rằng hai thành phố này được chọn làm quyết chiến điểm. Kịch bản này hiệu quả đến mức các tư lệnh quân đội VNCH làm ngơ hàng loạt báo cáo về việc Buôn Ma Thuột mới chính là mục tiêu của chiến dịch…

Sau loạt đòn tiến công trên khắp miền Nam, rạng sáng 10-3-1975, 12 trung đoàn QĐND bất ngờ tiến công Buôn Ma Thuột. Sau 32 giờ chiến đấu, QĐND đã chiếm hoàn toàn căn cứ và bắt sống viên Phó tư lệnh Sư đoàn 23. Họ đoạt thêm được 12 cỗ pháo và 100 tấn đạn dược. Hà Nội hiểu rằng thời cơ chiến lược đã cận kề.

Hồi trống trận mà đối phương dóng lên ở khắp miền Nam làm những người đứng đầu chế độ Sài Gòn choáng váng. Tổng thống Thiệu trong lúc rối ren, tuyệt vọng liên tiếp đưa ra những mệnh lệnh khốc hại. Thứ nhất, sư đoàn lính dù vốn là nền tảng của tấm lá chắn phía Bắc được rút về be chắn Sài Gòn, nơi mà Thiệu cho là sắp sửa bị tràn ngập bởi đợt sóng thần Tổng tiến công. Tuyến phòng thủ Huế-Đà Nẵng kể từ đó khấp khểnh như răng bừa cũ.

Lệnh thứ hai, là tái chiếm Buôn Ma Thuột “bằng mọi giá”. Vì mọi con đường đến nơi này đã đóng, hai trung đoàn còn lại của Sư đoàn 23 đành đổ bộ bằng trực thăng xuống bãi đáp trống trải ở phía Đông Buôn Ma Thuột. Họ bị ném vào hỏa ngục-vì Sư đoàn 10 của Việt Cộng vừa thắng trận Đức Lập về đã ém sẵn, với đầy đủ tăng pháo.

Trận hiệp đồng binh chủng kiểu chớp nhoáng (blitzkrieg) đã xoá sổ những gì còn lại của Sư đoàn 23 bạc mệnh, cùng với chiến đoàn biệt động quân số 21. Ngày tận thế cũng đến ngay sau đó với những đơn vị cạn kiệt lương thảo và quân dụng còn ở lại Tây Nguyên. Thiệu muốn cứu họ bằng cách cho mở đường máu rút qua tỉnh lộ 7B duy nhất còn lại, nhưng lại đưa họ vào vòng ôm của tử thần đợi sẵn trên con đường chật hẹp và tồi tàn này.

Ngay sau đó tướng Giáp lệnh cho Quân đoàn 2 cho hai Sư đoàn 324 và 325 vòng qua tuyến phòng thủ của quân Sài Gòn trên các cao điểm gần Huế, đánh thốc xuống vùng ven biển cắt quốc lộ I, ngăn chặn không cho các đơn vị rút chạy của Việt Nam cộng hòa có thể co cụm lại để củng cố lực lượng. Thế chia cắt lại hình thành, các đơn vị vùng chiến thuật I Việt Nam cộng hòa lần lượt bị bóp vụn. Huế, rồi Đà Nẵng thất thủ vô cùng chóng vánh.

Hồi kết

Trong cuộc họp lịch sử của Bộ Chính trị vào 18-3-1975, tướng Giáp thông báo rằng thời cơ chiến lược mong đợi bấy lâu đã đến, nay là lúc QĐND Việt Nam tung ra một cuộc tổng công kích trên toàn chiến trường, nhằm đánh đổ chế độ miền Nam trước cuối năm 1975. Bộ Chính trị lập tức phê chuẩn đề xuất này của ông.

Quyết định này đã kết liễu cuộc chiến tranh. Giấy báo tử đề ngày 30-4-1975, nhưng số phận của chế độ Sài Gòn thực ra đã được định đoạt từ 18-3. Chiến thắng cuối cùng của tướng Giáp đồng thời là thắng lợi gây đổ máu ít nhất cho các bên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại