Nhiệm vụ chiến lược của tên lửa LRASM trong Hải - Không quân Mỹ

Chúc Sơn |

Ngoài việc trang bị cho máy bay B-1B và F/A-18, tên lửa LRASM còn được coi là "hung thần diệt hạm" trong Hải quân Mỹ.

Lộ vũ khí mới trên F/A-18

Theo tiết lộ của Không quân của Hải quân Mỹ, tiêm kích F/A-18 Super Hornet sẽ được trang bị tên lửa LRASM vào năm 2019.

Tạp chí Flight Global cho biết trước đó LRASM đã được Không quân Mỹ tích hợp thành công lên loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa Boeing B-1B.

Và giờ đây, họ tiếp tục tiết lộ hình ảnh tích hợp loại vũ khí tối tân này lên một điểm treo chịu tải trọng bên cánh của một chiến đấu cơ Super Hornet tại căn cứ không quân hải quân Patuxent River ở Maryland .

Hình ảnh Không quân Hải quân Mỹ nạp và kiểm tra khớp treo tên lửa LRASM lên máy bay Super Hornet đánh dấu một bước tiến mới trong chương trình triển khai loại vũ khí này trên các nền tảng máy bay khác nhau.

Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về tên lửa chống hạm tầm xa trên khu vực Thái Bình Dương mà đối thủ họ nhắm đến chính là Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Mỹ cho biết, cùng với LRASM họ cũng sẽ triển khai thêm loại tên lửa không-đối-đất/biển tầm xa (JASSM-ER) lên máy bay ném bom B-1B và tiêm kích hạm F/A-18 vào năm 2019.

"Tên lửa này sẽ giúp chúng tôi khắc phục được các mối đe dọa ngày càng lớn từ mặt biển và cung cấp cho các chiến đấu cơ khả năng cần thiết để có thể tham chiến với các mục tiêu mặt nước từ cự ly rất xa", quản lý chương trình vũ khí tấn công độ chính xác cao của Hải quân Mỹ, Đại tá Jaime Engdahl cho biết.

Trong quá trình thử nghiệm LRASM đã chứng minh được độ tin cậy, khả năng tàng hình và chế độ dẫn đường đa dạng đảm bảo hiệu năng cao trong chiến đấu.

Bản thân tên gọi LRASM cũng xác định mục tiêu phát triển của Hải quân và Không quân Mỹ hướng tới dòng tên lửa tự hành diệt hạm có độ chính xác cao và khả năng khai hỏa ngoài ô phòng không trên hạm của đối phương.

Trong tương lai, LRASM sẽ thay thế dòng đạn tên lửa diệt hạm cận âm Harpoon cũ.


Tên lửa LRASM trang bị cho tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.

Tên lửa LRASM trang bị cho tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.

Định hướng cũ áp dụng công nghệ mới

Ngay từ đầu những năm 1990, Hải quân Mỹ đã tính tới việc phát triển phiên bản phóng thẳng đứng của tên lửa Harpoon, nhưng kế hoạch đã bị Quốc hội bác bỏ. Lý do được đưa ra ở thời điểm đó là Hải quân Mỹ không có đối thủ xứng tầm.

Tuy nhiên, thực tế này đã thay đổi kể từ đầu những năm 2000, sự lớn mạnh của hải quân nhiều quốc gia, trong đó có khu vực châu Á, đã buộc Mỹ phải xem xét lại học thuyết hải quân của mình.

Chiến thuật sử dụng máy bay F/A-18E/F mang tên lửa Harpoon không còn là phương án tác chiến ưu thế hoàn toàn trước đối thủ.

Ngoài ra, hải chiến hiện đại đề cao việc giảm bộc lộ và khai thác tính năng hiện đại của các hệ thống dẫn đường đạn đạo mới.

Hải quân Mỹ cũng tính tới khả năng “tận dụng” tên lửa Harpoon và Tomahawk hiện có thông qua chương trình phát triển phiên bản phóng thẳng đứng.

Tuy nhiên, công nghệ trên hai dòng đạn tên lửa trên đã cũ và Hải quân Mỹ cần dòng tên lửa diệt hạm mới, tân tiến hơn.

Đây chính là lý do năm 2009, Cơ quan quản lý Các dự án vũ khí tương lai Mỹ (DAPRA) yêu cầu Lockheed Martin phát triển dòng tên lửa diệt hạm thế hệ mới dựa theo hai công thức:

LRASM-A áp dụng sâu công nghệ tàng hình, tốc độ bay cận âm, nhưng có tầm bắn lớn. LRASM-B là dòng tên lửa siêu thanh có tính năng tương tự như chương trình hợp tác Nga-Ấn Độ BrahMos.

Tới năm 2012, Hải quân Mỹ quyết định tập trung phát triển LRASM-A do Mỹ từ trước tới nay chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh. Nếu bắt tay vào phát triển LRASM-B sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và tài chính.

Từ các thông tin được công khai, LRASM-A chính là một biến thể của tên lửa phóng ngoài ô phòng không AGM-158B JASSM-ER với nhiều bổ sung về hệ thống dẫn đường và cảm biến.

Để đảm bảo khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ trên hạm của đối phương, LRASM-A phải có quỹ đạo bay phức tạp và mang đầu đạn nổ phá mảnh hạng nặng.

Điểm quan trọng nhất của LRASM-A là khả năng tích hợp hoàn toàn với hệ thống ống phóng Mk-41; trang bị trên chiến đấu cơ F/A-18E/F và F-35.

Ngoài ra, trong tương lai, LRASM-A còn được trang bị trên máy bay ném bom B-1B Lancer khi chúng được chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ cấp chiến thuật.

Tuy mới đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện, nhưng sau khi xuất hiện LRASM-A có thể mang lại cho Hải quân Mỹ những lợi thể nhất định không chỉ về công nghệ, mà còn là phương pháp tấn công dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa khả năng tàng hình và tấn công ngoài tầm đánh trả của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại