Nhật Bản khuấy động thị trường vũ khí thế giới

Minh Thu |

Một số công ty lớn của Nhật Bản nổi tiếng với các dòng xe máy, máy giặt và máy tính xách tay đang chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất vũ khí mang tầm cỡ toàn cầu.

Theo tờ New York Times, những sản phẩm mà các công ty Nhật Bản đang hướng tới như tàu ngầm tấn công chạy siêu êm, máy bay tìm kiếm và cứu nạn hay hệ thống radar gắn trên tàu.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã quyết định gỡ bỏ rào cản cấm xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài sau gần 50 năm, các nhà thầu như Mitsubishi, Kawasaki, Hitachi, Toshiba vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Song họ cũng không giấu diếm ý định mở rộng thị trường vũ khí ra thế giới.

Mô hình tàu ngầm điện - diesel lớp Soryu được trưng bày tại cuộc triển lãm hồi tháng Năm.

Cuộc triển lãm an ninh hàng hải được tổ chức hồi tháng Năm là sự kiện đầu tiên của ngành thương mại công nghiệp quân sự Nhật Bản.

Đây cũng nơi đầu tiên trưng bày các sản phẩm vũ khí do chính các công ty Nhật Bản thiết kế.

"Tôi chưa từng nhìn thấy những sản phẩm này. Họ đang phát triển các dòng sản phẩm mới", Mick Fairweather, chuyên gia mua sắm khí tài của quân đội Australia chia sẻ.

Việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hồi năm ngoái được xem là một phần trong nỗ lực nới lỏng các quy định hạn chế sức mạnh quân đội Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ Hai của Thủ tướng Shinzo Abe.

Dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước, nhưng theo ông Abe, sự thay đổi nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, buộc Nhật Bản phải đề phòng.

Ngoài ra, Thủ tướng Abe còn tăng cường mối quan hệ thương mại quân sự với các nước vốn cùng chung lỗi no với Tokyo về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.

Trong đó, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ là những khách hàng tiềm năng hàng đầu của Nhật Bản.

Điển hình, Nhật Bản hy vọng Australia sẽ là thị trường tiếp nhận các tàu ngầm lớp Soryu do Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Công ty đóng tàu Kawasaki sản xuất.

Với giá bán khoảng 50 tỷ yên (410 triệu USD), tàu ngầm lớp Soryu sử dụng động cơ điện – diesel siêu êm, khiến đối phương khó có thể phát hiện.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi đang phát triển mô hình tàu tấn công đổ bộ nhằm đưa quân tới các khu vực bờ biển của đối phương.

Khả năng, chiếc tàu tương lai của Nhật Bản sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu vũ khí với các thiết bị do Mỹ sản xuất và đang được lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sử dụng.

Ngoài ra, lâu nay, các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản đã cung ứng nhiều thiết bị quân sự cho các lực lượng phòng vệ quốc gia gồm xe tăng, máy bay.

"Khi bạn không tham chiến, ngành công nghiệp vũ khí không thể phát triển", Giáo sư Masahiro Matsumura tại Đại học Momoyama Gakuin nhận định.

Doanh thu từ hoạt động sản xuất vũ khí của Nhật Bản chỉ chiếm chưa tới 1% và chỉ có 4 công ty nước này nằm trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí trên thế giới do Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm xếp hạng.

"Mỹ tham chiếm ở nhiều nơi, do đó, họ nhận được phản hồi về khả năng hoạt động của các loại vũ khí. Nhật Bản lại không tham gia chiến đấu nên không đánh giá được hiệu quả hoạt động", Giáo sư Matsumura nói.

Kể từ sau Thế chiến thứ Hai, hiến pháp Nhật Bản đã chuyển mục đích hoạt động của các lực lượng quân sự nước này sang "giải quyết những tranh chấp quốc tế".

Còn dưới thời Thủ tướng Abe, các lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được tham chiến ở nước ngoài trong những trường hợp bảo vệ các đồng minh như Mỹ.

Để kích thích thị trường xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản còn đưa ra các gói hỗ trợ tài chính với khách hàng như cho vay với lãi suất thấp để các nước đang phát triển mua vũ khí của Tokyo.

Hồi tháng trước, Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận các hợp đồng mua bán vũ khí với Malaysia và Philippines.

Trong khi đó, Ấn Độ đang tỏ ra đặc biệt quan tâm tới thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Tập đoàn Công nghiệp ShinMaywa sản xuất, hiện đang phục vụ Hải quân Nhật Bản.

Bởi US-2 có thể giúp quân đội Ấn Độ thực hiện tuần tra ở các chuỗi đảo cách xa đất liền hàng trăm dặm nằm dọc Ấn Độ Dương như Andaman và Nicobar.

Hiện nay, các công ty Nhật Bản còn đóng vai trò là những nhà cung ứng linh kiện quan trọng cho ngành sản xuất máy bay dân dụng như dòng 787 Dreamliner của Boeing.

Do đó nhiều khả năng, Tokyo có thể chuyển sang sản xuất linh kiện cho các máy bay quân sự như F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã sở hữu hàng loạt máy bay chiến đấu tối tân. Trong khi các tập đoàn lớn như Mitsubishi đã có hàng thập niên hợp tác với những mẫu sản phẩm do Mỹ sản xuất.

Ngoài hợp đồng mua các chiến đấu cơ của Mỹ, các công ty Nhật Bản còn được đối tác cấp phép chuyển giao dây chuyển sản xuất và bảo dưỡng.

Hồi năm ngoái, Mỹ đã chọn Nhật Bản là nước thứ hai bên cạnh Australia, làm nơi bảo trì các tiêm kích F-35 của nước này hoạt động tại châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại