Ngốn hơn nghìn tỷ USD, F-35 vẫn không đủ mạnh

Đức Anh |

Dự án tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 tiêu tốn hơn nghìn tỷ USD của Mỹ đang lặp lại sai lầm chết người từ chương trình F-111.

Đặc tính kỹ chiến thuật của Dự án tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 tiếp tục là chủ đề nóng trên các diễn dàn quân sự trong và ngoài nước Mỹ.

Từ khi nhà thầu chính Lockheed Martin khởi động dự án đến nay đã 15 năm, tiêm kích này tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông. Cuộc tranh luận giữa phe ủng hộ và phản đối chưa lúc nào lắng xuống.

Đặc biệt, sau thông tin F-35 yếu thế trong không chiến trước F-16, cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt hơn. Nhà phân tích Michael Peck, một trong những người phê bình dự án nhận xét: Tiêm kích F-35 cơ động kém bởi vì nó dựa trên khái niệm thiết kế bị hiểu sai.

Sai lầm lớn trong thiết kế của F-35 là tích hợp tất cả nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến nhưng lại không đủ các tính năng.

Lockheed Martin từng kỳ vọng F-35 sẽ là hiện thân mới của F-4 Phantom II, nhưng nó còn kém xa so với huyền thoại. F-4 từng là xương sống của lực lượng không quân NATO những năm Chiến tranh Lạnh.

Đến nay hơn 50 năm đã trôi qua, F-4 vẫn còn phục vụ trong không quân nhiều quốc gia trên thế giới, Phantom được rất nhiều người yêu mến, nhưng nó cũng bị nhận không ít lời chỉ trích.

Một số chuyên gia cho rằng, những chỉ trích nhằm vào F-35 có thể sẽ là động lực cho chương trình trở thành một hiện thân mới của F-4.

Phiên bản song sinh của F-111

Một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng, F-35 đang lặp lại sai lầm của chương trình F-111 Aardvark (ảnh)

Một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng, F-35 đang lặp lại sai lầm của chương trình F-111 Aardvark (ảnh)

So sánh F-35 với các chương trình phát triển máy bay thất bại trước đây đã trở thành một lựa chọn ưa thích của các nhà báo, nhà phân tích.

Trong năm 2009, nhà phân tích quốc phòng Pierre Sprey và Winslow Wheeler, giám đốc dự án giám sát cải cách quân sự Mỹ cho rằng, F-35 là một hiện thân của F-111.

Hai nhà phân tích lập luận, ban đầu F-111 được phát triển cho nhiệm vụ tấn công tầm xa của không quân. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã quyết định mở rộng, bổ sung cho nó nhiệm vụ đánh chặn trên tàu sân bay.

Tuy nhiên, không quân và hải quân có những yêu cầu khác nhau, hải quân sau đó đã rút lui khỏi chương trình. Thay vì trở thành máy bay chiến thuật chính của Mỹ, chỉ có 563 chiếc được chế tạo cho Không quân Mỹ và Australia.

Kết quả, chương trình F-111 đội giá rất nhiều lần so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, thiết kế của máy bay tồn tại nhiều lỗ hổng dẫn đến hiệu suất chiến đấu kém.

Pierre Sprey cho rằng, F-35 đang diễn biến theo chiều hướng của F-111, điều đó có thể dẫn đến nhiều hậu quả. Nếu F-35 bị cắt giảm mua sắm do ngân sách eo hẹp hoặc không đáp ứng được mục tiêu hiệu suất đề ra, nó sẽ trở thành một thất bại tương tự F-111.

Nhưng nếu Lầu Năm Góc giữ nguyên kế hoạch mua sắm 2.443 chiếc F-35 cùng với khoảng 700 đơn hàng từ nước ngoài, điều đó sẽ làm cho F-35 trở thành chiến đấu cơ phổ biến nhất của Mỹ và đồng minh. Khi đó, nó sẽ trở thành hiện thân của F-4.

Một thiết kế thiếu sót vẫn có thể hoàn thiện

F-4 trở nên hoàn thiện hơn sau nhiều chỉ trích, phải chăng đó là động lực để F-35 noi theo.

F-4 trở nên hoàn thiện hơn sau nhiều chỉ trích, phải chăng đó là động lực để F-35 noi theo

Với F-4 nhà sản xuất đã chứng minh được rằng, “một viên gạch có thể bay nếu bạn trang bị cho nó động cơ đủ mạnh”.

Về mặt thiết kế, F-4 không đẹp, thậm chí là rất xấu, nhưng nó là chiến đấu cơ đầy sức mạnh. Khoảng 5.195 chiếc đã được sản xuất, đưa máy bay này trở thành trụ cột cho không quân, hải quân Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Ban đầu, F-4 được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn cất cánh từ tàu sân bay. Sau đó, Bộ trưởng Robert McNamara yêu cầu một máy bay chiến đấu chung cho các lực lượng.

Tương tự như vậy, F-35 vốn là chương trình máy bay tấn công của Thủy quân lục chiến cho đến khi trở thành tiêm kích tiến công kết hợp JSF.

F-35 được phát triển dựa trên quan niệm, máy bay chiến đấu phải có tính năng tàng hình, chia sẻ dữ liệu với các máy bay chiến thuật nhằm gây bất ngờ cho đối phương. Triết lý thiết kế của F-35 là kết liễu đối phương từ xa bằng các tên lửa dẫn đường hiện đại.

Trước đó, khi phát triển F-4, nhà sản xuất cũng tuyên bố rằng, F-4 với radar và tên lửa sẽ kết thúc kỷ nguyên không chiến tầm gần bằng pháo. Các nhà thiết kế cho rằng pháo đã lỗi thời nên F-4 đời đầu không được trang bị vũ khí này.

Tuy nhiên, thực tế không chiến tại chiến trường Việt Nam cho thấy, hiệu suất hoạt động của tên lửa không như những gì mà nhà sản xuất giới thiệu.

Bên cạnh đó, tên lửa bị giới hạn ở tầm bắn vật lý cũng như góc nhìn của hệ thống cảm biến. Kết quả, những chiếc F-4 rất khó khai hỏa tên lửa trong không chiến quần vòng cự ly gần. Trong khi đó, những chiếc MiG nhanh nhẹn được trang bị pháo đã kết liễu số phận của rất nhiều chiếc F-4.

Nhà phân tích Sprey cho rằng F-4 là một sai lầm. Ông nhận định, nếu Mỹ tiếp tục phát triển A-4 với vai trò máy bay tấn công, ném bom trong khi đó F-5 đảm nhiệm vai trò không chiến sẽ hiệu quả hơn so với kết hợp cả 2 nhiệm vụ trên vào F-4.

Sprey lập luận thêm, việc tích hợp tất cả các nhiệm vụ vào trong một thiết kế của F-35 có thể khiến nó yếu thế khi đối đầu với các tiêm kích nhanh nhẹn như Su-35, Su-30 của Nga hay J-20 của Trung Quốc.

Nếu tính năng tàng hình không phát huy được lợi thế, F-35 sẽ trở nên yếu thế khi rơi vào cuộc không chiến tầm gần.

Chương trình máy bay lớn nhất của Mỹ thực sự là một canh bạc với chi phí hàng nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, máy bay và vũ khí của đối phương đã thay đổi liên tục kể từ khi Phantom cất cánh làm nhiệm vụ.

Ban đầu hiệu suất chiến đấu kém của F-4 dẫn đến rất nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, hải quân đã đi tiên phong với chương trình huấn luyện chiến đấu khác biệt Top Gun, nhờ vậy đã góp phần cải thiện hiệu suất chiến đấu.

Ngoài ra, nhà sản xuất bổ sung thêm pháo giúp F-4 trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn. Ban đầu các phi công Israel liên tục phàn nàn về F-4 nhưng theo thời gian họ dần yêu thích độ bền và tính linh hoạt của nó.

F-35 cũng có thể học theo tấm gương của F-4 để chứng minh rằng, ngay cả một thiết kế thiếu sót cũng có thể cải thiện để trở nên tốt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại