Theo chuyên gia quân sự Nga Alexander Golts, khoản lương tháng 30.000 rúp (500 USD) là khá trong thời buổi kinh tế khó khăn của Nga, cộng thêm triển vọng nhập quốc tịch Nga.
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh, cho phép Nga tuyển quân chuyên nghiệp nước ngoài, tại ngũ ít nhất 5 năm trong quân đội Nga, với điều kiện họ nói-nghe được tiếng Nga.
Dự kiến sẽ có nhiều tân binh từ các nước Trung Á từng thuộc Liên Xô.
Các chuyên gia nói sắc lệnh này không liên quan cuộc nội chiến ở Ukraine.
Theo BBC, có nhiều quân tình nguyện quân - kể cả người Nga - chiến đấu cho quân ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Nga bác bỏ cáo buộc của chính phủ Ukraine và phương Tây, rằng họ cử quân chính quy giúp quân ly khai và còn cung cấp vũ khí hạng nặng.
Theo nhà phân tích quốc phòng Jonathan Marcus của BBC, sắc lệnh tuyển quân nước ngoài của ông Putin là một phần trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang Nga.
Bên cạnh đó, Nga còn có mối quan hệ ngoại giao với các nước thuộc Liên Xô cũ.
Hai chuyên gia quân sự Nga là Pavel Felgenhauer và Golts nói với BBC, rằng sắc lệnh mới sẽ hợp thức hóa một tình hình đã tồn tại từ nhiều năm nay, ở các vùng mà quân Nga được triển khai ngoài biên giới Nga.
Sắc lệnh này sẽ giúp quân đội Nga dễ tuyển quân ở Trung Á, vùng Caucasus và vùng ly khai thân Nga Trans-Dniester ở Moldova.
Ông Felgenhauer nói:
“Trước đây, những cư dân địa phương này phải xin nhập quốc tịch và có giấy tờ công nhận quốc tịch Nga của họ, nhưng nay họ có thể tại ngũ mà không cần nhập quốc tịch Nga”.
Ông lưu ý vào những năm 1990, đã có hàng ngàn người Tajikistan đi lính Nga tại nước này.
Tại vùng Caucasus, Nga còn một căn cứ quân sự ở Armenia, và có quân Nga ở hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia vốn đều đã ly khai khỏi Gruzia.
Ông Felgenhauer nói: “Đưa quân Nga ký hợp đồng đến Trung Á rất tốn kém, và có thể nhiều quân nhân sẽ ở lại đó, nên tuyển người địa phương thì thực tế hơn”.
Ông còn nhận định:
“Những đe dọa đang nổi lên ở Trung Á khi NATO rút khỏi Afghanistan. Nên sẽ có khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự Nga ở Trung Á, với sĩ quan Nga chỉ huy binh lính địa phương. Nhưng như thế không có nghĩa tuyển chọn hàng loạt người nước ngoài”.
Theo ông Golts, hiện có khoảng 300 người nước ngoài trong quân đội Nga. Ông nói Nga không bàn đến chuyện lập “đạo quân lê dương” kiểu Pháp.
Pháp lâu nay sử dụng những đạo quân nước ngoài đánh thuê, để trấn áp những cuộc nổi loạn ở những thuộc địa cũ tại châu Phi, và tại các điểm nóng khác.