Theo Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) và Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc, Hải quân nước này đã phát hiện trục trặc trên một tên lửa SM-2 khi tham gia cuộc tập trận RIMPAC vào tháng 7/2010 ở Hawaii.
"Tên lửa đã bắn trượt mục tiêu", một quan chức DAPA nói, "Chúng tôi cho rằng thất bại này là do tên lửa bị lỗi".
Korea Times cho biết, SM-2 là tên lửa phòng không đầu tiên của Hải quân Hàn Quốc có tầm bắn 148 km.
Năm 2010, Hải quân Hàn Quốc đã mua 84 tên lửa SM-2 của hãng Raytheon theo chương trình "Bán thiết bị quân sự cho nước ngoài" (FMS) được chính phủ Mỹ đảm bảo. Mỗi tên lửa có giá 1,77 triệu USD.
Kể từ sau sự cố, DAPA và phía Mỹ đã nhiều lần đàm phán về vấn đề bồi thường.
Tên lửa phòng không SM-2. Ảnh: Defense Industry Daily
Quan chức DAPA cho biết:
"Washington từ chối bồi thường, họ nói rằng trong hợp đồng không có điều khoản nào đề cập tới việc phải bồi thường vì tên lửa bắn trượt mục tiêu.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Mỹ nên bồi thường, bởi trục trặc này xảy ra chỉ trong vòng 1 năm sau khi mua hàng, vẫn nằm trong khoảng thời gian mà phía Mỹ phải chịu trách nhiệm bảo hành cho các lỗi sản xuất".
Theo quan chức DAPA, Mỹ đề nghị Seoul phải trả thêm 540.000 USD cho mỗi tên lửa nếu muốn Washington bồi thường cho bất cứ phát bắn hỏng nào.
Một số nguồn tin địa phương cho biết DAPA đang xem xét phương án đình chỉ thanh toán 8 triệu USD - số tiền còn lại trong hợp đồng trị giá 157 triệu USD ký kết với Mỹ.
DAPA cho biết, Washington từ chối bồi thường vì cho rằng trong hợp đồng không có điều khoản nào đề cập tới việc phải bồi thường vì tên lửa bắn trượt mục tiêu. (Tên lửa SM-2. Ảnh: Raytheon)
Quan chức DAPA cho hay, vấn đề này cũng đã được đưa ra trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước hồi tháng 10/2014 tại Washington.
Cũng theo quan chức này, hai bên sẽ thảo luận thêm về vấn đề bồi thường trong cuộc gặp vào tháng 3 tới.
"DAPA sẽ cố gắng hết sức để lấy được tiền bồi thường", quan chức DAPA nói.
Theo DAPA, Hải quân Hàn Quốc còn phát hiện trục trặc trên 2 tên lửa SM-2 khác trong cuộc tập trận RIMPAC 2012, tuy nhiên, nước này không thể yêu cầu Mỹ bồi thường bởi khi đó, các tên lửa đã hết thời hạn bảo hành.