JL-2 có khả năng tấn công 50 bang của Mỹ
Trang mạng China News của Trung Quốc đăng bài viết cho hay:
Theo truyền thông Mỹ, đội tàu ngầm Type 094 lớp Jin trang bị tên lửa hạt nhân của Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra vào cuối năm nay.
Điều đáng ngại là với tầm bắn xa, các tên lửa JL-2 trang bị cho lớp tàu này có khả năng tấn công tới 50 bang của Mỹ.
Trao đổi với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lệ nhận định rằng, tuyên bố này của Mỹ phần nào phản ánh sự lo ngại của Washington đối với ưu thế tàu ngầm chiến lược của mình.
Theo chuyên gia Lý, năm 2012, báo chí Mỹ từng cho rằng:
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới của Trung Quốc cơ bản không có khả năng mang tên lửa để tuần tra.
Nếu tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ra biển được thì cũng sẽ rơi vào mạng lưới chống ngầm của Mỹ và Nhật Bản.
Chỉ cần triển khai sonar tại chuỗi đảo thứ nhất, Mỹ và Nhật có thể biết được động thái của tàu ngầm Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyên bố hiện nay của Mỹ đã có sự thay đổi cơ bản.
Mặt khác, Mỹ phát hiện hệ thống sonar triển khai từ thời Chiến tranh lạnh không còn khả năng ngăn chặn lực lượng dưới nước Trung Quốc ra chuỗi đảo thứ nhất.
Vì vậy, Mỹ hy vọng các nước Australia, Singapore, Malaysia sẽ triển khai hệ thống chống ngầm mới trên tuyến đường mà tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể qua.
Như thế, Mỹ có thể tránh bị cản trở bởi lực lượng tàu ngầm Trung Quốc khi điều lực lượng dưới nước đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tương lai.
Mỹ có thể đánh chặn tên lửa JL-2 trong 5 giây?
Christian Conroy, một chuyên gia về các loại vũ khí hạt nhân đến từ Washington nhận định rằng:
Các tàu ngầm Type 094 tạo ra tiếng ồn rất lớn khi bắn tên lửa JL-2 từ dưới nước, điều này có thể giúp Hải quân Mỹ xác định vị trí con tàu và đánh chặn tên lửa.
Trong một bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), Conroy cho biết:
Khi tàu ngầm Type 094 phóng tên lửa JL-2, các radar của hệ thống Aegis triển khai gần bờ biển Trung Quốc sẽ ngay lập tức phát hiện ra, và chỉ 5 giây sau đó, tên lửa đánh chặn SM-3 sẽ được phóng đi.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng cách nói này của Mỹ là “nói càn”.
Theo ông này, Trung Quốc có tàu ngầm hạt nhân đã hơn 30 năm.
Trong số các nước có tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc là nước duy nhất không xảy ra sự cố tàu ngầm hạt nhân và có kỷ lục lặn dưới nước với thời gian dài nhất. Công nghệ mà tàu ngầm hạt nhân mà Trung Quốc sử dụng đã rất phát triển.
Chuyên gia Tào Vệ Đông nói:
Cách nói của phương tiện truyền thông Mỹ cho thấy suy đoán của Mỹ đối với lực lượng hạt nhân trên biển của Trung Quốc vẫn không thể chính xác.
Trong thời gian 5 giây, Mỹ không thể phát hiện tên lửa đang ở đâu, chưa nói đến việc đánh chặn.
Chuyên gia Lý Lệ cũng cho rằng, đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược, "át chủ bài" nó chính là tính năng tàng hình mạnh. Vì vậy, sẽ rất khó xác định được vị trí cụ thể của tàu ngầm phóng tên lửa.
Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung đệ trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 11:
Trung Quốc chuẩn bị trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân JL-2 cho tàu ngầm lớp Jin, giúp nước này có khả năng phản ứng linh động hơn với các cuộc tấn công từ kẻ thù tiềm năng.
Với tầm bắn 7.400 km, tên lửa JL-2 của Trung Quốc có thể triển khai các cuộc tấn công hạt nhân vươn tới cả Alaska nếu như Bắc Kinh phóng tên lửa này từ các vùng hải phận gần nước này.
Thậm chí, JL-2 có thể vươn tới Alaska và Hawaii nếu chúng đươc phóng từ khu vực biển phía nam Nhật Bản, hay vươn tới Alaska, Hawaii và phần lục địa phía tây của Mỹ nếu được phóng từ hải phận phía tây Hawaii.
Ngoài ra, JL-2 còn có thể tấn công 50 bang của Mỹ nếu được phóng từ vùng biển phía đông Hawaii.