Những vũ khí Trung Quốc gây sốc trong năm 2014

Thiên Minh |

Tên lửa hành trình giống hệt BrahMos, radar từng "tóm sống" F-22, tàu tuần duyên lớn nhất thế giới... là những vũ khí Trung Quốc gây nhiều bất ngờ và tranh cãi trong năm 2014.

1. Tiêm kích tàng hình J-31

Điểm thu hút lớn nhất tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2014 là sự xuất hiện của tiêm kích tàng hình J-31.

Đây là lần đầu tiên máy bay quân sự mới của Trung Quốc được công khai khi nó vẫn đang trong những giai đoạn phát triển ban đầu.

Công chúng thường sẽ phải đợi đến khi những máy bay này bắt đầu phục vụ trong Không quân Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là thời điểm diễn ra triển lãm Chu Hải trùng với thời gian Tổng thống Barack Obama tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC.

J-31 tại triển lãm hàng không Chu Hải

Theo CNN, Bắc Kinh muốn thông qua J-31 để gửi đi một thông điệp ngầm, đó là “Trung Quốc mạnh hơn bạn nghĩ”.

Tuy nhiên, CNN nhận định, trong lần “khoe cơ bắp này”, Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại. Màn trình diễn của J-31 cho thấy nó "chảy máu" quá nhiều năng lượng nên khi thực hiện chuyển hướng, máy bay bắt đầu mất độ cao.

Trong suốt thời gian bay thẳng và bay ngang, phi công phải sử dụng buồng đốt sau của động cơ để máy bay không bị hạ độ cao.

Các nhà phân tích phương Tây chỉ ra rằng nguyên mẫu J-31 tại triển lãm Chu Hải không mang vũ khí. Điều này có nghĩa là, khi được định hình cho một nhiệm vụ thực sự và trang bị vũ khí, J-31 sẽ nặng nề hơn, thậm chí còn hoạt động kém hơn.

Theo tờ Want China Times, sau triển lãm Chu Hải, J-31 cũng bị “ném đá” te tua ngay trong nước.

Những lời chỉ trích gay gắt chủ yếu xuất phát từ luồng khói đen xả ra từ động cơ của chiếc máy bay. Đây là biểu hiện cho thấy động cơ của chiếc J-31 có hiệu suất đốt nhiên liệu kém.

“Gạch đá” dành cho J-31 chưa dừng lại ở đó, một thông tin gây chấn động khác là tại triển lãm Chu Hải, các máy bay Nga và Mỹ đã bắt được tín hiệu của J-31 chỉ sau 10 phút nó bay lên bầu trời.

Điều này như “một cát tát” vào niềm kiêu hãnh của không quân Trung Quốc.

2. Tên lửa BrahMos “made in China”

Cũng tại triển lãm hàng không Chu Hải 2014, Trung Quốc đã gây bất ngờ với Nga và choáng váng cho Ấn Độ khi trình làng loại tên lửa có ký hiệu CX-1 không khác gì tên lửa BrahMos của Ấn Độ.

CX-1 do Tập đoàn công nghệ và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) phát triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng nó có thiết kế gần giống với BrahMos do Nga-Ấn Độ cùng sản xuất hoặc P-800 Oniks (Yakhont) do riêng Nga chế tạo.

Mô hình tên lửa hành trình siêu âm CX-1 tại triển lãm Chu Hải 2014.

Mô hình tên lửa CX-1 tại triển lãm Chu Hải

Về tính năng, nhiệm vụ, nó cũng không khác gì tên lửa của Ấn Độ.

Điều này khiến cho nhiều nhà phân tích Ấn Độ nghi ngờ rằng Moscow đã bí mật chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, NPO Mashinostroyenia (NPOM), đơn vị của Nga cùng hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Ấn Độ (DRDO), khẳng định hoàn toàn không có chuyện như vậy.

“NPOM tin rằng tên lửa siêu thanh BrahMos và Yakhont của Nga không có điểm gì chung với tên lửa của Trung Quốc, ngoại trừ diện mạo bên ngoài”, một quan chức cấp cao của Nga nói với trang Russia & India Report.

Về phần mình, tất nhiên Trung Quốc phủ nhận nhái tên lửa BrahMos và còn khẳng định CX-1 có nhiều điểm vượt trội loại tên lửa nổi tiếng của Nga-Ấn.

Thế nhưng, những tuyên bố mạnh miệng của nước này vẫn không thể xóa bỏ nghi ngờ của dư luận khi cái mác "chuyên gia sao chép" luôn gắn liền với Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo vũ khí.

3. Radar từng “tóm sống” tiêm kích tàng hình F-22

Trung Quốc tiếp tục gây chú ý tại triển lãm Chu Hải khi giới thiệu một hệ thống radar mạng pha mới, được thiết kế để có thể phát hiện và theo dõi các tiêm kích tàng hình như F-22 của Mỹ.

Đặc biệt, Viện 14 (đơn vị đồng phát triển YJ-26) đã tiết lộ một thông tin gây sốc rằng YJ-26 từng thành công trong việc phát hiện và theo dõi tiêm kích F-22 trên không phận Hàn Quốc trong thời gian được triển khai thử nghiệm ở tỉnh Shandong, phía đông Trung Quốc.

Hệ thống radar YJ-26

Hệ thống radar YJ-26

Theo Thời báo Hoàn Cầu, YJ-26 là một loại radar có băng tần VHF/UHF, có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 500km với độ chính xác cao.

Viện 14 cho biết loại radar này có 3 đặc điểm chính: dung lượng truyền tải dữ liệu lớn, tốc độ truyền tín hiệu nhanh và độ linh hoạt "tuyệt vời", đặc biệt, chùm tia radar có thể thay đổi hướng theo yêu cầu.

YJ-26 được Trung Quốc phát triển để đối phó với các loại máy bay tàng hình như tiêm kích F-22 và máy bay ném bom B-2 mà Mỹ đang triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các dự án máy bay tàng hình do Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ tự phát triển..

4. Tàu hải cảnh 10.000 tấn

Trong năm 2015, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc có thể đưa vào biên chế một loại tàu tuần tra có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn, tương đương một tuần dương hạm.

Thông tin về con tàu này đã gây xôn xao từ đầu năm nay.

Tới ngày 13/12 vừa qua, trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc xuất hiện một bức ảnh tàu hải cảnh 10.000 tấn được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải.

Con tàu này được các phương tiện truyền thông Trug Quốc gọi là “quái vật”.

Tàu hải cảnh có lượng giãn nước trên 10.000 tấn của Trung Quốc

Tàu hải cảnh có lượng giãn nước trên 10.000 tấn của Trung Quốc

Lượng giãn nước của nó vượt qua cả tàu tuần duyên Akitsushima của Nhật Bản (lượng giãn nước trên 7.000 tấn) để trở thành tàu tuần duyên lớn nhất trên thế giới.

Một số nguồn tin cho biết tàu hải cảnh 10.000 tấn của Trung Quốc sẽ được vũ trang pháo 76mm, pháo 30mm cùng nhà chứa cho trực thăng Z-8, tốc độ tối đa của tàu là 25 hải lý/giờ.

Theo tạp chí IHS Jane’s (Anh), tàu hải cảnh mới của Trung Quốc có thể được triển khai ở Hoa Đông.

Trước đây, các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường bị lép vế trước các tàu tuần duyên Nhật Bản, đặc biệt là tàu tuần duyên lớp Akitsushima.

Vì vậy, theo giới phân tích, mục đích đóng các tàu 10.000 tấn của Trung Quốc là nhằm vượt mặt các nước trong khu vực, vươn tới tham vọng xây dựng một lực lượng chấp pháp biển mạnh nhất trên thế giới, từ đó thực hiện mưu đồ bành trướng trên biển.

5. Phương tiện bay siêu vượt âm WU-14

Sự kiện Trung Quốc thử nghiệm phương tiện bay với vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh, có thể mang đầu đạn xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ đã khiến Washington đứng ngồi không yên.

Tốc độ không tưởng như trên có thể thách thức mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay.

Phía Mỹ gọi loại vũ khí này của Trung Quốc là WU-14.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Vasily Kashin, tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, hiện nay không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể bắn hạ một phương tiện bay siêu vượt âm như vậy.

Vasily nhận định, một khi nắm trong tay những vũ khí siêu vượt âm, Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế trong việc đối phó hiệu quả với các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

Trung Quốc hiện đang đạt được những bước tiến lớn trong việc sản xuất những tên lửa siêu tốc uy lực mạnh nhằm phá hủy các tàu sân bay của đối phương, mà một trong số đó là tên lửa diệt hạm DF-21D.

Ngay khi Trung Quốc nắm trong tay một tên lửa hành trình siêu vượt âm có độ cơ động cao hơn để tấn công các lực lượng tàu sân bay của đối phương, hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay Mỹ coi như vô dụng.

Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm vào ngày 9/1/2014.

Cuộc thử nghiệm này cho thấy một bước tiến lớn trong chương trình vũ khí tiến tiến của Bắc Kinh.

Cho tới nay, Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm 3 lần. Lần gây đây nhất là vào tháng 12 năm nay.

Có nhiều giả thuyết cho rằng Trung Quốc đang muốn phát triển một loại vũ khí hạt nhân thế hệ mới dựa trên nền tảng của vũ khí siêu vượt âm.

Điều này sẽ khiến Washington vô cùng lo ngại.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại