Đại tá Igor Egorov, đại diện thông tin báo chí Bộ Quốc phòng Nga, ngày 1/12 cho biết đến hết năm 2015, Binh chủng Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) sẽ được trang bị hơn 50 mẫu vũ khí hiện đại, trong đó có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bệ phóng.
"Trong giai đoạn cuối cùng của năm 2015 về tái trang bị, RVSN sẽ nhận được hơn 50 mẫu vũ khí hiện đại, trang thiết bị quân sự và đặc biệt gồm cả các tên lửa đạn đạo liên lục địa, thiết bị phóng độc lập, điểm chỉ huy cơ động của trung đoàn và tiểu đoàn tên lửa, các xe phục vụ trực chiến, xe đảm bảo kỹ thuật và ngụy trang", ông Egorov cho biết.
Khi Lực lượng tên lửa chiến lược là công cụ chính trị nặng ký
Vừa qua, Tổng thống Nga kiêm Tổng Tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin tuyên bố: Một trong những đảm bảo quan trọng nhất với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga là quân đội mạnh với vũ khí hiện đại.
Đặc biệt vào lúc này, khi đất nước phải đối mặt với vô số thách thức và mối đe dọa.
Những lời này liên quan trước hết tới việc tăng cường bộ ba "tam hùng" lực lượng hạt nhân chiến lược. Cơ sở của nó là Lực lượng tên lửa chiến lược. Ba đội quân tên lửa và 12 binh đoàn tên lửa nhỏ hơn bố trí trên lãnh thổ rộng lớn.
Sức mạnh của "người khổng lồ hạt nhân" vẫn là một bảo đảm vững chắc cho chủ quyền của Liên bang Nga. Và là một trong những công cụ chính trị có trọng lượng nhất, đảm bảo từng bước đi của Nga trên trường quốc tế.
Đội quân tên lửa chiến lược đang làm nhiệm vụ trực chiến trong trạng thái sẵn sàng liên tục. Mỗi ngày đêm đều có khoảng 6.000 quân nhân ở vị trí. Có khoảng 400 tên lửa luôn ở trạng thái sẵn sàng phóng.
Mức độ sẵn sàng chiến đấu cao của tổ hợp tên lửa, độ chắc chắn đáng tin cậy của hệ thống điều khiển, hiệu suất chiến đấu cao cho phép Lực lượng tên lửa chiến lược đảm trách giải quyết thành công những nhiệm vụ đa dạng.
Trong Lực lượng Tên lửa chiến lược của Nga đang vận hành một số thể loại tổ hợp tên lửa. Đó là tổ hợp "Topol" và mẫu nâng cấp "Topol-M" (trong hầm ngầm và phiên bản cơ động), "Yars" (cũng trong hầm ngầm và cơ động).
Hiện tại trong trang bị còn cả tổ hợp tên lửa hầm ngầm hạng nặng cựu trào "Voevoda" (theo cách phân loại của NATO gọi là "Satan").
Tỷ lệ các hệ thống tên lửa hiện đại của Lực lượng tên lửa chiến lược theo kết quả năm 2015 sẽ đạt 56%. Mốc nâng cấp hoàn chỉnh toàn bộ kho tên lửa Nga dự kiến vào năm 2020.
Nhà nước Nga dự trù tiếp tục phát triển các tổ hợp tên lửa chiến lược. Đang nghiên cứu thiết kế chế tạo mẫu tổ hợp tên lửa đường sắt trên cơ sở "Barguzin", có dự án hiện đại hóa các tổ hợp "Yars" phức tạp.
Song song, công việc về tổ hợp cố định mới "Sarmat" với tên lửa lớp hạng nặng cũng được tiến hành. Nga sẽ tái tạo lá chắn tên lửa hạt nhân trên bộ, vốn đã chứng tỏ hiệu quả cao thời Xô-viết.
Ngay từ năm 1994, Lực lượng Tên lửa chiến lược chuyển sang gánh vác nhiệm vụ trực chiến với tên lửa không định hướng theo những sứ mệnh bay "zero".
Nga trông đợi phát triển quan hệ láng giềng thân thiện với Mỹ và châu Âu… Đáng tiếc là hiện thời chưa đạt được mong ước như vậy. Có quá nhiều trở ngại nảy sinh trên con đường này.
Hiển nhiên, trừ khi thật cần thiết, không ai sửa soạn vin vào "đối số của thời đồ đá".
Theo đánh giá của quan sát viên Aleksandr Khrolenko, thuộc hãng thông tấn quốc tế "Rossiya Segodnya", một khi Nga sở hữu Lực lượng tên lửa chiến lược như là luận cứ nặng ký trên bình diện chính trị, thì mọi động thái quân sự sát biên giới Nga sẽ mang tính chất thuần túy nghi thức.