Chiến thắng của Lockheed Martin
Ngày 26/10/2001, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Tập đoàn Lockheed Martin với mẫu thử nghiệm X-35 đã giành chiến thắng trước X-32 của Boeing trong chương trình Tiêm kích tiến công kết hợp JSF.
Chiến thắng này đảm bảo tương lai cho Lockheed trở thành nhà sản xuất chính các phiên bản máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ.
Từ nguyên mẫu X-35, Lockheed đã phát triển thành F-35 Lightning II. Tuy nhiên, F-35 liên tục bị trì hoãn do nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh và chi phí vượt quá dự toán ban đầu.
Năm 2001, ước tính kinh phí để mua sắm 2.866 máy bay là khoảng 233 tỷ USD. Nhưng hiện tại, theo Văn phòng Kiểm toán chính phủ (GAO), để trang bị 2.457 chiếc F-35 cần tới gần 400 tỷ USD.
Theo kế hoạch, phiên bản cất-hạ cánh thẳng đứng F-35B sẽ đi vào hoạt động trong Thủy quân lục chiến từ năm 2010. Tuy vậy, đến tháng 7/2015 phi đội F-35B đầu tiên mới chính thức vào biên chế.
Hai biến thể cất-hạ cánh thông thường F-35A và F-35C dự kiến đạt khả năng hoạt động ban đầu với phần mềm block 3 trong năm 2012 sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2017.
Mẫu thử nghiệm X-32 (trái) và X-35 (phải) cùng cạnh tranh cho chương trình JSF
Boeing liệu có làm tốt hơn?
Nhà phân tích quân sự Dave Majumdar đặt giả thuyết, nếu Lầu Năm Góc quyết định X-32 thắng cuộc, liệu Tập đoàn Boeing có làm tốt hơn so với đối thủ? Ông Majumdar cho rằng JSF là một chương trình đầy tham vọng với nhiều thách thức kỹ thuật.
Boeing đề xuất ý tưởng thiết kế X-32 với cánh tam giác làm bằng sợi carbon tổng hợp, cửa hút khí kiểu khuếch tán siêu âm nằm dưới bụng máy bay, động cơ là loại Pratt & Whitney F119 lắp đặt trên tiêm kích tàng hình F-22, cung cấp tốc độ tối đa Mach 1,6 (1.931 km/h).
Khoang vũ khí bên trong thân X-32 mang được 6 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM hoặc 2 tên lửa và 2 quả bom nặng 900 kg.
Theo nhận định, nhiều khả năng Boeing sẽ vướng vào các vấn đề kỹ thuật và ngân sách tương tự như Lockheed. Về cơ bản JSF là chương trình đầy tham vọng, mục đích nhằm thay thế nhiều mẫu máy bay chiến thuật hiện có bằng một thiết kế duy nhất.
Một trong những lý do khiến X-32 thất bại trước X-35 là phiên bản cất-hạ cánh thẳng đứng sử dụng động cơ vòi phun vector. Giải pháp thiết kế này dẫn đến việc luồng khí nóng từ động cơ có thể thổi ngược lại khi máy bay tiếp đất, gây tiêu hao nhiên liệu và ảnh hưởng đến cấu trúc vật liệu.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu động cơ này có đủ mạnh để giúp máy bay hoạt động hiệu quả khi mẫu thử nghiệm phải bỏ bớt một số thiết bị để đảm bảo khả năng bay?
Boeing sẽ phải thiết kế lại X-32 nhằm đáp ứng các yêu cầu của JSF. Nếu tiêm kích F-32 đi vào hoạt động, nó sẽ có cấu hình rất khác so với mẫu thử nghiệm X-32.
Ngay cả khi Boeing giải quyết được vấn đề khung máy bay, họ vẫn phải đối mặt với khó khăn trong gói phần mềm cho hệ thống cảm biến phản ứng tổng hợp cực kỳ phức tạp.
Phần mềm như vậy luôn là thách thức ngay cả khi ở trong điều kiện tốt nhất. Boeing có thể phát triển gói phần mềm tương tự như của F-22 Raptor, nhưng JSF phức tạp hơn vậy nhiều.
Nói chung, nếu X-32 thắng cuộc, Boeing gần như chắc chắn sẽ lặp lại các trục trặc kỹ thuật và chi phí phát sinh như vấn đề Lockheed đang gặp phải.
Đúng là Tập đoàn Lockheed quản lý chương trình F-35 không thực sự tốt, nhưng yêu cầu một máy bay chiến đấu “tất cả trong 1” của Lầu Năm Góc mới là nguyên nhân dẫn đến mọi vấn đề.
Vì vậy, cho dù Boeing hay Lockheed thắng cuộc đi nữa đều sẽ dẫn đến sự chậm trễ và chi phí phát sinh.