Tại triển lãm hàng không Chu Hải 2014, Trung Quốc đã gây bất ngờ với Nga và choáng váng cho Ấn Độ khi trình làng một loại tên lửa có ký hiệu CX-1 không khác gì tên lửa BrahMos của Ấn Độ trưng bày cách đó vài gian hàng.
CX-1 được phát triển bởi Công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC), nhiều chuyên gia cho rằng nó có thiết kế gần giống với BrahMos do Nga-Ấn Độ cùng sản xuất hoặc P-800 Oniks (Yakhont) do riêng Nga chế tạo, với tầm bắn từ 50 đến 280 km (BrahMos là 290 km).
CX-1 được sử dụng trên các bệ phóng tên lửa cơ động, có thể tấn công các tàu hộ tống, tàu khu trục, tàu tuần dương và các loại mục tiêu khác trên mặt biển. Về tính năng, nhiệm vụ, nó không khác gì tên lửa của Ấn Độ.
Điều này khiến cho nhiều nhà phân tích Ấn Độ nghi ngờ rằng Nga đã bí mật chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.
Tên lửa CX-1 của Trung Quốc
Tuy nhiên, NPO Mashinostroyenia (NPOM), đơn vị của Nga cùng hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Ấn Độ (DRDO), cho biết hoàn toàn không có chuyện Nga tiết lộ công nghệ của tên lửa BrahMos cho Trung Quốc phát triển CX-1.
“NPOM tin rằng cả tên lửa siêu thanh BrahMos và Yakhont của Nga không có điểm gì chung với tên lửa của Trung Quốc ngoại trừ diện mạo bên ngoài”, một quan chức cấp cao của Nga nói với trang Russia and India Reporter.
“Nếu nhìn qua ảnh, quả thật, các loại tên lửa này khá giống nhau về thiết kế. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cũng khẳng định chúng có cùng tốc độ và tầm bắn ngang nhau. Tuy nhiên, những đặc điểm này không thể được sử dụng làm kết luận, còn rất nhiều yếu tố khác cần phải xem xét. Thật dễ dàng để làm nhái mọi thứ ở bên ngoài nhưng bắt chước những công nghệ bên trong lại vô cùng khó khăn”, vị quan chức Nga cho hay.
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ
Ông cũng giải thích rằng khi Trung Quốc mua khu trục hạm 956E và 956EM từ Liên Xô, nước này đã nhận được tên lửa chống hạm Moskit, có tầm bắn khoảng 120 km. Vào năm 2000, Nga cũng cung cấp thêm nhiều tên lửa Moskit cho Trung Quốc, chính vì vậy, có thể CX-1 đã được Trung Quốc chế tạo dựa theo loại tên lửa này.
Sau khi xem xét lại các thông số hiện có của CX-1, một nguồn tin trong quân đội Ấn Độ, thân cận với dự án tên lửa BrahMos cũng đưa ra nhận xét: “Tên lửa BrahMos trên thực tế có phần đầu nhỏ hơn. So sánh bằng ảnh, cửa hút khí và động cơ của 2 loại tên lửa cũng khác nhau. Động cơ của CX-1 không phải phản lực dòng khí thẳng như trên BrahMos”.