Các quan chức Mỹ dẫn thông tin tình báo cho biết quân đội Nga đang phát triển và điều động một loạt tên lửa đánh chặn tiên tiến và đây là một phần trong chiến lược của Mátxcơva nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa đạn đạo tấn công từ các đối thủ của Nga.
Nga đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-500 để bổ sung cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và cũng rất mạnh như S-400 và S-300.
Ngoài ra, Nga còn đang nâng cấp các tên lửa đánh chặn có đầu đạn hạt nhân SH-08, những tên lửa đã được điều quanh thủ đô Mátxcơva trong hơn 2 thập kỷ qua.
Những hệ thống phòng thủ khác của Nga có khả năng vừa chống tàu vừa đánh chặn tên lửa bao gồm các tên lửa đất đối không SA-20 và SA-21 và một hệ thống tên lửa tiên tiến mới có tên gọi SA-X-23, phiên bản được nâng cấp từ hệ thống S-300.
Theo các quan chức Mỹ, những hệ thống trên có thể chống tên lửa hành trình, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cũng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa một cách hiệu quả.
Thông tin tình báo về việc Nga nâng cấp năng lực phòng thủ tên lửa được đưa ra trong lúc chính quyền Mỹ đang nỗ lực tiến tới thỏa thuận với Nga mà theo các nhà phân tích thỏa thuận đó có thể sẽ kiềm chế năng lực quốc phòng của Mỹ.
Ngoài ra, cũng có tiếng nói lo ngại rằng nếu Mỹ tiến tới một thỏa thuận với Nga thì có thể Mỹ sẽ phải chia sẻ các dữ liệu kĩ thuật bí mật về hệ thống phòng thủ của nước này với các quan chức Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Obama đang che giấu các bằng chứng cho thấy Nga nâng cấp năng lực quốc phòng.
Một quan chức khác thì cho rằng gần đây Nga bắt đầu công khai thông báo về chương trình hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa trên quy mô lớn.
“Tại sao Mỹ phải quỵ lụy và tìm mọi cách làm hài lòng người Nga khi họ tỏ ra lo ngại về các hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta trong khi chẳng ai nói gì tới các hệ thống tên lửa của họ cả?” vị quan chức này nói.
Các quan chức Mỹ nói trên cho rằng trong các cuộc đàm phán với người Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa, các nhà thương thuyết của chính quyền Obama không yêu cầu Nga hạn chế các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình và coi đó là điều kiện để thương lượng.
Jack Caravelli, người từng làm chuyên gia cho CIA, cho rằng Nga muốn mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không để thực hiện mục tiêu củng cố năng lực quân sự chiến lược mà Tổng thống Putin đã hứa trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
“Nga có kĩ thuật và có hàng thập kỉ kinh nghiệm xây dựng năng lực quốc phòng quy mô lớn trong khi chính quyền Obama thì đang ngày càng cắt giảm mạnh các lực lượng của mình”, ông Caravelli nhận định.
Ông cho biết Nga cũng đang phát triển và điều động một thế hệ tên lửa tầm xa mới, và nâng cấp các hệ thống hiện đại hơn bất kì hệ thống tên lửa nào của Mỹ và Mỹ sẽ tụt hậu so với Nga ít nhất 2 thập kỷ.
“Bên cạnh đó, chắc chắn là kế hoạch nâng cấp các lực lượng phòng thủ và tấn công của Nga cũng cho thấy nước này muốn đuổi kịp tốc độ đầu tư quân sự chiến lược của Trung Quốc”, ông Caravelli nhận định.
Trong khi đó, Nga tiếp tục yêu cầu Mỹ tiến tới một văn bản có tính ràng buộc về pháp lý để hạn chế các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong đó có hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 mà Mỹ định điều động tới châu Âu trong vài năm tới.
Frank Gaffney, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời chính quyền Reagan, bày tỏ lo ngại về các cuộc thương lượng của chính quyền Obama với Nga.
“Giống như Liên Xô trước đây, điện Kremlin (chính quyền Nga) luôn cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa không những là chính đáng mà còn cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và người dân nước này. Quân đội Nga theo phát triển và điều động những hệ thống vũ khí đó mà không hề vi phạm Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo kí năm 1972”, ông Gaffney nhận xét.
“Thế nhưng điện Kremlin lại quyết tâm ngăn cản chúng ta làm giống họ, sử dụng các cuộc thương lượng, đe dọa và củng cố các hệ thống tên lửa tấn công để khiến chúng ta yếu đi trước các cuộc tấn công của họ. Chúng ta không thể nuông chiều người Nga thêm nữa”, ông này khuyến cáo.