Nga nên khôi phục chương trình tiêm kích STOVL, ngay bây giờ!

Lệ Ninh |

(Soha.vn) - Việc hủy bỏ dự án tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Yak-141đã khiến Nga đánh mất sức mạnh hàng không hải quân.

Một bài viết mới đây trên trang mạng Topwar.ru đã chỉ ra vai trò quan trọng của tiêm kích cất hạ cánh ngắn, thẳng đứng trong sức mạnh hàng không của Hải quân Nga. Sau đây là nội dung bài viết:

Cuối thập niên 60 đầu thập niên 70, Liên Xô lúc đó được xem là quốc gia đi tiên phong trong phát triển các tiêm kích có khả năng cất hạ cánh ngắn, thẳng đứng (STOVL). Phòng thiết kế OKB Yakovlev đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ đầy thách thức này.

Mặc dù đứa con đầu lòng Yak-38 chưa thực sự hoàn hảo nhưng đã tạo được tiền đề cho thiết kế tiếp theo là Yak-141 được xem là tiêm kích STOVL siêu âm đầu tiên của thế giới. So với đối thủ của nó bên kia đại dương là Harrier thì hoàn toàn vượt trội.

Yak-38 được xem là một trong những tiêm kích cất hạ cánh ngắn, thẳng đứng đầu tiên của thế giới.
Yak-38 được xem là một trong những tiêm kích cất hạ cánh ngắn, thẳng đứng đầu tiên của thế giới.

Yak-141 có thể cạnh tranh với tiêm kích trên hạm F/A-18A của Mỹ, Yak-141 có tốc độ tối đa 1.800km/h, bán kính chiến đấu đạt 400km. Tiêm kích được trang bị một radar đa chế độ gần tương đương với radar trên MiG-29. Nó được vũ trang một pháo 30mm cùng các giá treo vũ khí như tên lửa không đối không R-27, R-73, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-29, Kh-25.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô cùng những khó khăn tài chính của Nga khiến chương trình đầy khả thi này bị hủy bỏ. Điều này đang dẫn đến những lỗ hổng lớn trong sức mạnh hàng không hải quân Nga.

Kinh nghiệm những cuộc xung đột gần đây cho thấy, cuộc chiến bắt đầu với một đợt không kích quy mô lớn. Đợt không kích ồ ạt này nhằm làm tê liệt khả năng của lực lượng phòng không mặt đất. Sau màn áp chế phòng không là đến chiến thuật “tìm diệt” các máy bay, phá hủy mạng lưới các sân bay, tiêu diệt khả năng đảm bảo hậu cần, cuối cùng là làm mất khả năng chiến đấu của đối phương.

Trước tình thế như vậy, việc phân tán lực lượng ra khỏi các sân bay là yếu tố quan trọng để duy trì khả năng chiến đấu. Nhưng các máy bay chiến đấu thông thường lại đòi hỏi những đường băng khá dài để cất cánh, nó cũng có thể cất cánh trên đường cao tốc nhưng vấn đề này trở nên khó khăn đối với những khu vực đường sá hạn chế.

Trong trường hợp này tiêm kích STOVL là lựa chọn thích hợp để đảm bảo khả năng chiến đấu. Đối với hàng không hải quân, tiêm kích STOVL cũng cho phép tăng số lượng các tàu sân bay chiến đấu trên các tàu đổ bộ tấn công mà không cần đóng thêm những tàu sân bay chuyên dụng khác.

Tiêm kích STOVL: Lối thoát của hàng không hải quân Nga

Với Nga, tình hình của hàng không hải quân là cực kỳ xấu, trong những năm 1990, chương trình phát triển Yak-141 đã bị đóng cửa. Một số công nghệ trên chương trình này đã được chuyển giao cho Mỹ, những thiết bị kỹ thuật liên quan đến dự án đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, tài liệu kỹ thuật sẵn có vẫn cho phép hồi sinh dự án này trong nước. Theo tính toán của các chuyên gia, để hồi sinh dự án này cần thời gian khoảng 10 năm, bên cạnh đó là chi phí đáng kể để tái tạo lại dây chuyền sản xuất.

Nga đã đánh mất một dự án tiêm kích đầy khả thi. Một số công nghệ của Yak-141 đang được áp dụng trên tiêm kích F-35B của Mỹ.
Nga đã đánh mất một dự án tiêm kích đầy khả thi. Một số công nghệ của Yak-141 đang được áp dụng trên tiêm kích F-35B của Mỹ.

Tàu sân bay duy nhất hiện nay của Hải quân Nga không thể cung cấp một giải pháp cho nhiệm vụ duy trì khả năng hoạt động chiến đấu vượt ra ngoài phạm vi của các máy bay chiến đấu trên bờ. Hỗ trợ đường không là lĩnh vực quan trọng để đảm bảo khả năng chiến đấu cho các tàu ngầm, tàu chiến mặt nước từ các địa điểm gần căn cứ, ngăn chặn sớm hoặc đột kích các nhóm tàu chiến của đối phương.

Yak-141 đang hạ cánh trên boong tuần dương hạm Baku(nay là tàu sân bay INS-Vikramaditya của Ấn Độ). Hồi sinh chương trình tiêm kích này được xem là cứu cánh cho hàng không hải quân Nga.

Yak-141 đang hạ cánh trên boong tuần dương hạm Baku (nay là tàu sân bay INS-Vikramaditya của Ấn Độ).

Các tàu đổ bộ tấn công với tiêm kích STOVL có thể cải thiện đáng kể hiệu quả của các đội tàu chiến trong nước cho các nhiệm vụ tác chiến gần bờ hay các đại dương xa xôi. Trong cuộc xung đột Anh-Argentina tiêm kích Harriers đã thể hiện vai trò khá xuất sắc trong vai trò đột kích nhóm tàu chiến Hải quân Argentina.

Hàng không hải quân Nga với một tàu sân bay duy nhất không đủ khả năng để đảm bảo duy trì nhóm tác chiến trên không. Do đó, với mỗi nhóm tàu chiến đấu, phải có ít nhất 2 tàu sân bay hạng nhẹ với tiêm kích STOVL. Trong vai trò này có thể sử dụng tàu đổ bộ trực thăng Mistral. Tiêm kích STOVL kết hợp với tàu đổ bộ trực thăng có thể xem là lực lượng cứu nguy cho hàng không hải quân Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại