Nga úp mở
Ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, thương vụ S-300 với Iran đang tiến triển tốt và việc chuyển giao được thực hiện trong tương lai gần.
Tuyên bố của Thứ trưởng Sergei Ryabkov được đưa ra khi trả lời hãng thông tấn Interfax:
“Tôi không thể nói trước được điều gì liên quan tới hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran, nhưng rõ ràng mọi việc đang tiến triển tốt sau sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin”.
Ông Sergei Ryabkov cũng cho biết thêm rằng, thời điểm Iran tiếp nhận S-300 sẽ phụ thuộc vào việc khi nào lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Hồi giáo này được dỡ bỏ.
Tuyên bố của Thứ trưởng Sergei Ryabkov đưa ra khá trùng khớp với những gì được phía Iran đưa ra trước đó.
Cụ thể, hãng TASS ngày 14/4 dẫn lời thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) Ali Shamkhani cho biết, chính quyền Tehran hy vọng Moscow sẽ thực hiện kế hoạch chuyển giao S-300 trước khi kết thúc năm 2015.
“Tôi nghĩ rằng, việc chuyển giao sẽ thực hiện ngay trong năm nay”, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran phát biểu trước với các phóng viên bên lề cuộc họp diễn ra hôm 14/4.
Ông Ali Shamkhani cũng tin rằng việc Iran tiếp nhận S-300 là “tín hiệu tích cực trong việc đảm bảo sự ổn định trong khu vực, mà Iran đóng một vai trò quan trọng”.
Ông Ali Shamkhani nhấn mạnh mối quan hệ song phương giữa Moscow và Tehran:
“Tôi muốn nói rằng, những cơ hội hợp tác tiềm năng trong quan hệ chiến lược giữa Iran và Nga đã được mở ra”, ông Ali Shamkhani nói, đồng thời cho biết thêm:
“Quyết định của Moscow sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa hai nước của chúng ta”.
Từ những thông tin trên cho thấy, rất có thể hợp đồng này sẽ được Nga thực hiện với Iran trước khi kết thúc năm 2015 bất chấp sự không hài lòng của Israel và phương Tây.
Việc Nga chuyển giao S-300 cho Iran đã phần nào thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước này. Năm 2007, Nga ký hợp đồng trị giá 800 triệu USD để bán tên lửa S-300 cho Iran.
Tuy nhiên, Moscow sau đó đã dừng hợp đồng vào năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết cấm bán vũ khí cho Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Mỹ và Israel đã có nhiều động thái vận động Nga dừng bán tên lửa và cho rằng Iran sẽ sử dụng các hệ thống tên lửa nhằm bảo vệ các cơ sở hạt nhân từ các cuộc không kích có thể xảy ra trong tương lai.
Sau quyết định đình chỉ hợp đồng hồi năm 2010 của Moscow, Bộ Quốc phòng Iran đã kiện tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga ra Tòa án trọng tài quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) đòi bồi tường 4 tỉ USD.
Nga từng đưa ra đề nghị sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Antei-2500 cho Iran để thay thế S-300, nhưng Tehran đã từ chối và yêu cầu Moscow thực hiện đúng theo thỏa thuận ban đầu.
Mỹ "chốt hạ"
Trong khi Nga đang úp mở thời điểm chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran Mỹ lập tức chốt thời gian chuyển giao siêu tiêm kích F-35 cho Israel.
Ngày 24/4, khi trả lời trước truyền thông về thời điểm chuyển giao tiêm kích F-35 cho Israel, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết:
“Vào đầu năm tới, chúng tôi sẽ bàn giao cho Israel những chiến đấu cơ F-35 hiện đại. Và Israel sẽ chính thức là quốc gia duy nhất ở Trung Đông sở hữu các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của chúng tôi”.
Các máy bay chiến đấu sẽ cho phép Tel Aviv tiếp tục duy trì ưu thế quân sự của nước này trong khu vực và khắc chế hệ thống S-300 của Iran, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định.
Ngay sau tuyên bố của Joe Biden, tờ Times of Israel đã đăng tải bài phân tích viên sĩ quan cấp cao trong Không quân Israel, người được Không quân Israel (IAF) chỉ định phụ trách thương vụ mua F-35 cho biết:
"Hiện nay, dàn tiêm kích F-16 nếu muốn đối phó với hệ thống S-300 cần được cung cấp thông tin về vị trí của S-300 để tránh hệ thống tên lửa này, bằng cách bay dọc theo rìa phạm vi bao phủ của radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Nếu thực hiện theo phương pháp này, F-16 sẽ chỉ được cảnh báo nguy cơ khi bị radar của S-300 phát hiện ra, lúc đó thì mọi việc đã quá trễ, hoặc phải dựa vào thiết bị gây nhiễu radar hoặc nhờ đến máy bay do thám đi trước dò tìm vị trí của hệ thống tên lửa này.
Trong khi đó khi Không quân Israel được tiếp nhận F-35 mọi chuyện chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Phi công lái F-35 sẽ được cung cấp toàn bộ những thông tin này, và “thợ săn (S-300) sẽ trở thành kẻ bị săn”, ông B tự tin cho biết.
Times of Israel cho biết thêm, những nhận định trên không mang ý nghĩa là Không quân Israel không đủ khả năng hóa giải S-300.
Không quân Israel đã được huấn luyện để chống loại tên lửa này ở Hy Lạp và đã vạch ra được chiến lược để triệt hạ nó mà không cần đến F-35, theo trang tin Israel.
Tuy nhiên, vị đại diện của Không quân Israel cho rằng cho rằng F-35 “giống như một chiếc điện thoại iPhone”, trong đó các nhà hoạch định có thể gom các tính năng của nhiều loại máy bay khác nhau như tàng hình, do thám, và radar tiên tiến, vào “chỉ trong một chiếc máy bay chiến đấu”.