Trên mạng Trung Quốc hiện đang lưu truyền bộ ảnh một người dân nước này thử nghiệm mô hình tàu sân bay cỡ lớn với thiết kế mặt boong phẳng rất hiện đại, giống kiểu hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Thông tin cho biết, cuộc hạ thủy thử nghiệm đầu tiên của mô hình tàu sân bay được coi là lớn nhất Trung Quốc này tiến hành tại hồ nước của Công viên Thể dục Thể thao tỉnh Hà Nam. Chiếc tàu sân bay được hạ thủy thành công và di chuyển rất cân bằng.
Mô hình tàu sân bay với đường boong phẳng kiểu Mỹ và tiêm kích hạm J-15 của anh Hầu Vĩ
Mô hình tàu sân bay này dài tới hơn 6 m, chiều rộng (mũi đường băng) 80 cm, chỗ rộng nhất khoảng 1,5 m. Thiết kế mô hình có đầy đủ các đặc trưng của tàu sân bay Mỹ với tháp chỉ huy và 2 đường băng tiêm kích hạm.
Tàu sân bay được lắp đặt hệ thống động cơ điện, giúp có khả năng hoạt động liên tục 2 giờ. Nó được thiết kế các cửa khoang mở kiểu “tàng hình” ở phần đầu, phần đuôi và giữa thân, bao gồm cả thang máy vận chuyển máy bay.
Mô hình tiêm kích hạm đặt trên mặt boong được xác định là chiếc J-15 do nước này “nhái” lại tiêm kích hạm Su-33 của Nga, sau khi mua được 1 nguyên mẫu T-10K từ Ukraine (phiên bản Su-33 của Ukraine).
Theo lời giới thiệu của chủ nhân, những tiêm kích hạm này có khả năng bay và cất, hạ cánh xuống tàu sân bay được. Tuy nhiên trong lần hạ thủy đầu tiên vừa qua, những chiếc J-15 trên chưa thấy thể hiện khả năng giống như các tiêm kích hạm thực thụ.
Tên lửa phóng kiểu thẳng đứng trên tàu sân bay của anh Hầu Vĩ
Điểm đặc biệt là chiếc tàu sân bay tự chế này còn có cả chức năng phóng tên lửa thẳng đứng từ giữa đường băng máy bay ở mặt boong phía trước. Đây là điều không chỉ Hải quân Trung Quốc thèm muốn mà ngay cả những cường quốc tàu sân bay của thế giới cũng đang mơ ước.
Được biết, “kiến trúc sư trưởng” của mô hình tàu sân bay tự chế này là anh Hầu Vĩ, một hướng dẫn viên trạm điều vận hàng hải tỉnh Hà Nam. Chiếc tàu sân bay của anh Hầu được cho là mô hình tàu sân bay đã hoạt động được dưới nước lớn nhất Trung Quốc.
Để hiện thực hóa ước mơ của mình, Hầu Vĩ đã tiêu tốn hơn 100.000 Nhân dân tệ và lao động miệt mài trong vòng 2 năm. Ngay trong lần hạ thủy đầu tiên, tàu đã hoạt động ổn định và phóng thử thành công hệ thống tên lửa thẳng đứng.
Mô hình tàu sân bay Liêu Ninh với tiêm kích hạm J-20 của ông Ôn Ngọc Trang
Được biết trước Hầu Vĩ cũng đã có một người dân Trung Quốc tên là Ôn Ngọc Trang sống tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã tự chế “tàu sân bay Liêu Ninh” với tiêm kích hạm là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-20 để tặng cháu trai của mình.
Theo giới thiệu của chủ nhân, con tàu này được cải tạo lại từ một chiếc du thuyền, mô phỏng theo tàu sân bay Liêu Ninh số hiệu 16 của Trung Quốc với tỷ lệ 1:25. Nó có chiều dài 12 m, rộng 3 m, có thể “biên chế” tới 20 thủy thủ.
Chiếc tàu sân bay trên cũng đã được “hạ thủy” thành công vào ngày 1/4/2014. Tuy nhiên nó đơn thuần chỉ là một mô hình, khác biệt rất lớn với khả năng tự hành và những tính năng thực sự hiện đại của chiếc tàu sân bay do anh Hầu Vĩ chế tạo ra.