Nga củng cố liên minh phòng không khu vực
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-9 đã ra lệnh ký kết thỏa thuận về việc thành lập căn cứ không quân ở Belarus và chỉ thị Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga tiến hành các cuộc đàm phán với chính phủ nước này.
Văn bản chính thức về vấn đề này đã được công bố trên trang web chính thức của cổng thông tin pháp lý chính phủ Nga hôm thứ 19-9.
Quyết định ghi rõ, Tổng thống Nga V. Putin đã “chấp nhận đề nghị của Chính phủ Liên bang Nga về việc ký kết Thỏa thuận giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus về việc triển khai các căn cứ không quân của Nga trên lãnh thổ nước Cộng hòa Belarus”.
Văn kiện còn cho biết là Tổng thống Putin ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao triển khai các hạng mục đàm phán với Minsk và sau khi đạt được thỏa thuận, 2 cơ quan chức năng trên sẽ chịu trách nhiệm đại diện cho Nga ký kết Hiệp định nêu trên.
Công tác đàm phán triển khai các căn cứ không quân ở Belarus là một bộ phận cấu thành quan trọng của một mạng lưới phòng không khu vực tích hợp, nhằm bảo vệ không phận của Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, được Nga và Belarus ký kết thỏa thuận vào tháng 2-2009.
Nga đang xây dựng hệ thống phòng không khu vực rất mạnh, bao gồm hàng loạt căn cứ quân sự ở các nước xung quanh
Đại tướng Oleg Dvigalyov, Tư lệnh Lực lượng phòng không-không quân Belarus là Chỉ huy của hệ thống phòng không chung khu vực Nga-Belarus.
Nắm trong tay một lực lượng mạnh, bao gồm 5 đơn vị không quân, 10 đơn vị phòng không, 5 đơn vị dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật và một đơn vị tác chiến điện tử.
Tư lệnh Lực lượng Không gian vũ trụ Nga Pavel Kurachenko cho biết, Bộ Quốc phòng Nga và Belarus đã phê duyệt một danh sách các lệnh và điều lệnh cùng với quy tắc tổ chức nhiệm vụ chiến đấu với các hệ thống phòng không hợp nhất giữa hai nước.
Việc tích hợp các hệ thống phòng không-không quân giữa 2 nước sẽ được thực hiện vào cuối năm 2016, thống nhất kiểm soát các tổ chức quân sự, các đơn vị quân sự lớn nhỏ, trở thành một phần của hệ thống phòng không chung trong khu vực.
Kế hoạch xây dựng hệ thống phòng không chung khu vực Nga-Belarus cũng chỉ là một phần trong kế hoạch xây dựng liên minh phòng vệ của Nga với các quốc gia đồng minh, bao gồm các các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Chiến đấu cơ Nga-Belarus trong một cuộc tập trận chung
Theo Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev ngày 9-9, nước này có thể xây dựng thêm nhiều cơ sở không quân tại lãnh thổ các nước của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), ngoài những căn cứ hiện đã có ở Kirgizia và Armenia và chuẩn bị xây dựng ở Tajikistan.
Ngoài ra, theo Trung tướng Pavel Kurachenko - Phó Chỉ huy lực lượng không quân Nga, nước này và Kazakhstan cũng đang hoàn thành nốt cơ sở pháp lí cho một hệ thống phòng không tương tự, sau khi cả 2 nước đã thống nhất được thoả thuận ban đầu vào năm 2013.
Mỹ vạch kế hoạch phá lưới phòng thủ của Nga
Truyền thông Mỹ ngày 19-9 cũng cho biết, Washington dự định sẽ xem xét lại kế hoạch hành động trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột vũ trang “không lường trước” với Moscow. Trong đó nhấn mạnh khả năng tấn công phủ đầu để phá vỡ lưới phòng thủ khu vực mạnh mẽ của Nga.
Tờ Foreign Policy cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra quyết định này, đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, Lầu Năm Góc phải tính tới một khả năng đáng sợ, mà không ai muốn nó xảy ra.
“Xét đến tình hình hiện nay trong lĩnh vực an ninh cũng như những hành động của Nga, rõ ràng là cần phải bổ sung những hành động đáp trả.
Điều này nằm trong các kế hoạch đề phòng trường hợp một cuộc tấn công xâm lược chống lại bất kỳ một nước đồng minh NATO, có thể xảy ra” - nguồn tin của ấn phẩm cho biết.
Theo ông, kịch bản phát triển xung đột được tính đến cả theo hai hướng, một là hành động của Mỹ trong khuôn khổ Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, hai là hành động riêng của Mỹ nằm ngoài phạm vi cơ cấu quân sự này.
Tuy nhiên, tất cả các hành động của Mỹ - dù trong hay ngoài NATO - cũng đều xem xét đến khả năng một cuộc xâm lược của Nga vào một trong số các quốc gia Baltic.
Ngoài ra, Washington cũng tính đến nhiều phương án tấn công khác nhau, từ các cuộc tấn công không gian mạng đến sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bài báo lưu ý rằng cơ quan quân sự Hoa Kỳ đang liên tục xem xét các kế hoạch cho tương lai, tuy nhiên công việc được thực hiện “phụ thuộc vào tầm quan trọng của chúng và vào việc sự kiện này hay sự việc khác có bao nhiêu khả năng xảy ra”.
Mỹ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III
Vào thời điểm hiện tại, ở Lầu Năm Góc nhấn mạnh, những thay đổi cần thiết sẽ được đưa vào với việc tính đến tình hình thực tế địa-chính trị, mà Nga được xem như không phải là một đối tác mà là một “mối đe dọa tiềm năng”.
Được biết, Hoa Kỳ đã đơn phương ngừng cuộc thảo luận về vấn đề chiến lược với Nga, song song với việc đơn phương triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, trong đó đặt trọng tâm là ở đông Âu và có thể sát nách Nga như ở Ukraine hay các nước cộng hòa Baltic.
Mỹ còn xây dựng khái niệm "Tấn công nhanh toàn cầu" với hạt nhân là các vũ khí tên lửa siêu thanh, các máy bay ném bom tàng hình B-2 và chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-22 và F-35.
Bên cạnh đó là khả năng triển khai quân thần tốc trên khắp thế giới, can dự vào bất cứ khu vực nào trong vòng vài giờ.
Đồng thời, Mỹ cũng lập vòng vây xung quanh Nga bằng cách xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự ở châu Âu, triển khai thêm các vũ khí hạng nặng, kết nạp thêm đồng minh để bao vây cô lập Moscow. Có thể nói rằng, hiện nay vòng vây xung quanh Nga đang dần dần thít chặt.
Tuy nhiên, khó có thể nói rằng Washington mong muốn viễn cảnh buộc phải lựa chọn phương án tấn công tấn công phủ đầu Moscow. Với tiềm lực hạt nhân còn mạnh hơn cả Mỹ, nếu cú đánh đầu tiên không đạt được hiệu quả, Nga cũng sẽ khiến Mỹ lĩnh đủ hậu quả.