Lâu nay, khi nói đến các hệ thống phòng không, người ta thường nhắc nhiều đến các hệ thống của Nga, Mỹ. Tuy nhiên, sự độc tôn của hai ông lớn trong lĩnh vực phòng không đang mất dần lợi thế với sự tham gia của các nước châu Âu. Sự xuất hiện các hệ thống phòng không do châu Âu sản xuất đã làm cuộc đua phát triển loại vũ khí này trở nên nóng hơn.
Một hệ thống khá đặc biệt do Tập đoàn MBDA (châu Âu) phát triển là hệ thống phòng không tầm trung di động đa năng CAMM, được thiết kế cho lực lượng phòng không Hoàng gia Anh.
Hệ thống phòng không CAMM sẽ cung cấp cho lực lượng phòng không khả năng mạnh mẽ trong việc chống lại các mục tiêu đường không. Hệ thống dễ dàng di chuyển, nhanh chóng triển khai hoạt động độc lập hoặc tích hợp trong mạng lưới phòng không nhiều tầng ở hiện tại và tương lai. Ngoài ra, CAMM có thiết kế module, mang lại nhiều lợi ích về chi phí cũng như hậu cần.
Một tính năng khá đặc biệt của CAMM là nó có khả năng tấn công thông qua hệ thống nhắm mục tiêu thứ 3 không nằm trong tầm nhìn của hệ thống (NLOS). Tính năng NLOS đặc biệt hữu ích khi tấn công các mục tiêu như trực thăng, tên lửa hành trình bay thấp dựa theo địa hình.
CAMM sử dụng hệ thống khởi động mềm đã trải qua các thử nghiệm mà đỉnh cao là đợt thử nghiệm thành công trong tháng 05/2011.
CAMM được phát triển với 3 biến thể:
CAMM Sea Ceptor trang bị cho hải quân. Hệ thống cung cấp khả năng tấn công 360 độ, nó thiết lập một khu vực phòng không trong bán kính 25km đảm bảo an toàn cho tàu chiến ngay cả với những mục tiêu trong tương lai.
Điểm đặc biệt là hệ thống CAMM Sea Ceptor không cần radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực chuyên dụng. Hệ thống được điều khiển bởi chính radar tiêu chuẩn được trang bị trên tàu để cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại nhiều mục tiêu cùng lúc trong môi trường đại dương và ven biển. Nó cũng có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt nước.
Tên lửa CAMM được thiết kế trong hộp phóng riêng tương thích với các ống phóng thẳng đứng VLS Sylver và Mk41. Tên lửa được thiết kế với các vây gập lại được nhằm giảm tối đa kích thước ống phóng. Sự ra đời của kỹ thuật khởi động mềm làm giảm khối lượng hệ thống cho phép linh hoạt hơn trong các vị trí lắp đặt trên tàu chiến.
Biến thể CAMM Air Operations sử dụng cho không quân, nó sử dụng chính đạn tên lửa được sản xuất cho biến thể hải quân nhưng không sử dụng ống phóng. Tên lửa được phóng từ các máy bay chiến đấu đang có trong biên chế của Không quân Hoàng gia Anh. Với kinh nghiệm nhiều năm cùng với các loại tên lửa Meteor và ASRAAM tên lửa mới chắc chắn sẽ đạt được hiệu suất đẳng cấp thế giới.
Biến thể CAMM sử dụng cho lực lượng mặt đất được trang bị trên xe tải chuyên dụng MAN SV HX60 4x4 bánh tích hợp sẵn cần cẩu để nạp đạn tên lửa. Mỗi xe phóng được trang bị 2 cụm phóng với 6 ống phóng/cụm. Cụm phóng được xếp gọn xuống sàn xe ở trạng thái hành quân, khi vào vị trí chiến đấu ống phóng được nâng lên theo chiều thẳng đứng.
CAMM sử dụng hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu khá đa dạng. Một tính năng độc đáo của biến thể CAMM dành cho lực lượng mặt đất là nó không yêu cầu hệ thống radar điều khiển hỏa lực đặt gần vị trí phóng.
Radar có thể đặt ở vị trí cách xa xe phóng cho phép tăng cường khả năng ngụy trang cũng như tấn công các mục tiêu không nằm trong tầm nhìn của hệ thống. Đạn tên lửa CAMM có chiều dài 3,2 mét, đường kính 166mm, trọng lượng 99kg. Tên lửa được dẫn hướng kết hợp cập nhật thông qua liên kết dữ liệu và radar chủ động.
Hệ thống CAMM sử dụng phương pháp “phóng lạnh”, trong đó tên lửa sẽ được đẩy ra khỏi ống phóng bằng khí nén ở độ cao 30,4 mét, sau đó động cơ chính sẽ được kích hoạt. Đây là hệ thống phòng không đầu tiên của phương Tây sử dụng phương pháp phóng lạnh.
Hệ thống phòng không CAMM
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA