Theo kế hoạch, trong 10 năm tới Nga sẽ tiếp tục thành lập 40 lữ đoàn tác chiến cơ động. Trên thực tế, kể từ năm 2009 tới nay, Nga đã thành lập được tổng cộng 70 lữ đoàn như vậy.
Sự thay đổi của Nga được nhận định xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Nga rút kinh nghiệm từ cách làm của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh. Các đơn vị cấp lữ đoàn của hai nước này tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong tác chiến ở các chiến trường Iraq và Afghanistan những năm qua.
Thứ hai, nguyên nhân nằm ở chính nhu cầu nội tại của quân đội Nga mà theo đánh giá đã mất đi tới 80% sức mạnh trong những năm 1990. Hầu hết các loại vũ khí hiện nay đều là di sản từ thời Liên Xô.
Việc chuyển đổi các đơn vị cơ động từ cấp sư đoàn thành cấp lữ đoàn (có quy mô nhỏ hơn sư đoàn nhưng lớn hơn cấp trung đoàn) sẽ giúp đẩy nhanh việc hiện đại hóa quân đội và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Nếu như trước đây, Nga phải mất thời gian tính bằng ngày để đưa các đơn vị cấp sư đoàn vào trạng thái chiến đấu thì nay thời gian này đối với cấp sư đoàn chỉ được tính bằng giờ. Một trong những việc làm mất thời gian của cấp sư đoàn là phải đợi bổ sung quân sự bị để lấp đầy chỗ chống đồng thời tiến hành các hoạt động hậu cần.
Theo bố trí từ thời Liên Xô, các kho bãi đạn dược và hậu cần thường nằm rất xa nơi đóng quân của các sư đoàn (một trong những lý do là nhằm tách quân đội khỏi vũ khí để chống nguy cơ các sư đoàn tự trang bị và nổi dậy).
Việc tổ chức huấn luyện đối với cấp lữ đoàn cũng được tiến hành thuận lợi hơn cấp sư đoàn do có biên chế gọn và hợp lý hơn. Trong tác chiến, mỗi lữ đoàn sẽ là một đơn vị độc lập chứ không phải một đơn vị “con” phụ thuộc vào cấp sư đoàn như trước đây.
Thứ ba, giới phân tích đánh giá nguyên nhân có tác động không nhỏ tới việc Nga thay đổi cách thức tổ chức quân đội là những mối đe dọa từ Trung Quốc.
Giới quân sự Nga luôn ám ảnh trước viễn cảnh một cuộc chiến với đối thủ ở Viễn Đông. Tuy không ám chỉ trực tiếp, song có thể hiểu đối thủ tiềm năng này chính là Trung Quốc (có thể cả Nhật Bản song ít khi được nhắc tới).
Trên thực tế thì Lục quân Trung Quốc hiện lớn gấp 3 lần của Nga và Trung Quốc luôn có 15 sư đoàn bộ binh cơ giới sẵn sàng triển khai tới biên giới với Nga. Trong những năm qua, Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển đổi cơ cấu tổ chức quân đội và cho thành lập các lữ đoàn cơ động.
Các chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng từng thừa nhận rằng với tình trạng như hiện nay, Trung Quốc hoàn toàn có thể nhanh chóng chiếm vùng Viễn Đông của Nga (có nhiều khu vực Trung Quốc đòi chủ quyền). Khi sự việc đã rồi, Trung Quốc sẽ kêu gọi một hội nghị hòa bình. Lịch sử đã chứng minh cách hành xử này của Trung Quốc.
Tất nhiên, không ít ý kiến cho rằng lực lượng hạt nhân của Nga có thể chặn đứng một cuộc tấn công ồ ạt trên quy mô lớn của Trung Quốc vào Viễn Đông. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là đòn tự sát bởi Trung Quốc cũng là một cường quốc hạt nhân.
Loại vũ khí này một khi được sử dụng sẽ hủy diệt cả hai bên. Như vậy, giải pháp khả thi nhất hiện nay để chống lại nguy cơ từ Trung Quốc chính là thành lập các đơn vị tác chiến cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đó chính là các đơn vị cấp lữ đoàn.
Tuy nhiên, kế hoạch thành lập các lữ đoàn của Nga không hề suôn sẻ. Khó khăn đầu tiên là những thiếu thốn về nhân lực và trang thiết bị. Hiện chưa rõ, liệu Nga có lấy đủ quân cho 40 lữ đoàn trong vòng 10 năm tới hay không. Quá trình hiện đại hóa quân đội Nga đang được đẩy mạnh, song đa số vũ khí hiện nay là còn lại từ thời Liên Xô đã lạc hậu.
Dù Nga đã thành lập được 70 lữ đoàn kể từ năm 2009, song không phải tất cả 70 lữ đoàn này đều đủ quân hoặc được trang bị đầy đủ. Chỉ có 35 lữ đoàn (tăng hoặc bộ binh) cơ động và một nửa trong số này có trang bị và quân số đầy đủ. Số còn lại là 35 lữ đoàn pháo binh, công binh.
Các cuộc tập trận “Phương Đông” của Nga thời gian qua đã chú trọng vào việc sử dụng các lữ đoàn trong tác chiến. Mới đây nhất là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử nước Nga ở khu vực Viễn Đông vào hồi tháng 7/2013. Tham gia cuộc tập trận có 160 nghìn binh sĩ, gần 1.000 xe tăng, 130 máy bay và máy bay lên thẳng cùng 70 tàu hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, cho tới nay, việc xây dựng các lữ đoàn, đặc biệt cho khu vực Viễn Đông vẫn được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu. Về tương quan, lực lượng mặt đất (kể cả không quân) của Nga ở Viễn Đông vẫn thua kém so với Trung Quốc.
Lực lượng tại chỗ của Nga hiện chỉ có 6 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 2 lữ đoàn tên lửa, 2 lữ đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn pháo phản lực, 1 lữ đoàn đổ bộ cùng 7 kho vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật quân sự. Các lữ này được chia thành 03 cụm quân độc lập, cự ly giữa các cụm quân vào khoảng vài trăm km trên một khu vực có địa hình trống trải.
Trong khi đó, chỉ riêng quân khu Thẩm Dương của Trung Quốc đã có 2 sư đoàn tăng, 3 sư đoàn cơ giới, 3 sư đoàn bộ binh cơ giới, 1 sư đoàn pháo binh, 2 lữ đoàn tăng, 6 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 2 lữ đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn chống tăng.
Tương quan lực lượng là: Trung Quốc 9 sư đoàn và 11 lữ đoàn, trong khi Nga chỉ có 12 lữ đoàn.
Ngoài ra, kế hoạch của Nga cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối, nhất là trong bối cảnh ban lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng vừa bị thay đổi (Từ Bộ trưởng tới các cấp dưới).
Thời gian qua, những ý kiến phản đối lại nổi lên khi cho rằng Nga cần trở lại xây dựng các sư đoàn hơn là các lữ đoàn. Bên cạnh đó, Nga cần tổ chức lực lượng quân dự bị đông đảo để đối phó nguy cơ xảy ra chiến tranh trên quy mô lớn ở phía Đông.