Tổng Công ty Tên lửa Chiến thuật (KTRV) của Nga đã hoàn thành việc thông qua sử dụng các sản phẩm tên lửa của họ bằng động cơ sản xuất trong nước, Tổng Giám đốc Boris Obnosov cho biết hôm 4/8.
"Trong chương trình thay thế nhập khẩu linh kiện, chúng tôi đã thực hiện tất cả những quyết định quan trọng. Các sản phẩm động cơ tên lửa của chúng tôi được sản xuất ở mọi nơi trên nước Nga, ngoại trừ trường hợp loại tên lửa chống hạm Kh-35E chế tạo xuất khẩu cho nước thứ ba. Tên lửa này sử dụng động cơ do công ty Motor Sich của Ukraine sản xuất", ITAR-TASS dẫn lời ông Obnosov cho hay.
Ông Obnosov lưu ý rằng, Liên bang Nga và Ukraine đã thể hiện sự quan tâm trong việc cùng nhau tiếp tục hợp tác sản xuất tên lửa Kh-35E. "Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục hợp tác với sự đồng ý của phía Ukraine, trong đó hai bên nên quan tâm đến việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu", ông Obnosov nói thêm.
Tuy nhiên, vị quan chức cấp cao của KTRV cũng thừa nhận rằng, việc sản xuất các thiết bị vô tuyến điện tử tại các doanh nghiệp Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, do vậy cần phải tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu mà chương trình vũ khí nhà nước đã thông qua. "Điều này sẽ tạo ra nhiều căng thẳng, và trong một số trường hợp, các đơn hàng sẽ không được nhanh như chúng tôi mong muốn", ông Obnosov nói.
Mặc dù vậy, hiện tại KTRV cũng đã phát triển xong một số tên lửa mới và đang tiến hành sản xuất và giới thiệu tại các triển lãm quân sự. Tất cả đều là những loại mới mẻ và hiện tại các sản phẩm này phải hoàn thành giai đoạn thử nghiệm nhà nước trong năm nay, hoặc một số loại đã hoàn thành thử nghiệm thì đang được sản xuất hàng loạt. Đó là những tên lửa có khả năng chiến đấu vượt trội từ 2 - 2,5 lần so với những tên lửa trước. Về cơ bản, các tên lửa mới đều có tầm bắn được tăng cường, khả năng miễn dịch với nhiễu điện tử, độ chính xác, hiệu quả đầu đạn và một số đặc điểm khác. Các tên lửa mới được phát triển dựa trên việc đổi mới các bộ phận cơ bản như thương hiệu sản xuất mới, đầu dò, hệ thống dẫn đường và hệ thống quản lý mới.
Nhưng theo thông tin được phía Ukraine đưa ra hôm 17/7 vừa qua, nước này đã cấm bất kỳ thỏa thuận hợp tác kỹ thuật - quân sự nào với phía Nga. Điều đó sẽ tạo ra những khó khăn không nhỏ đối với Moscow trong việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quân sự từ Kiev, trong đó điển hình có thể kể đến đó là khó khăn trong việc sản xuất loại tên lửa chống hạm Kh-35E cho xuất khẩu, bởi khi không thể nhập khẩu được động cơ tên lửa từ Ukraine, Nga sẽ phải chờ tới thời điểm khi tình hình chính trị hai nước giảm bớt căng thẳng để tiếp tục nhập khẩu, hoặc họ sẽ phải tự phát triển động cơ tên lửa cho mình - mà điều này thì không thể ngày một ngày hai là có thể hoàn thành được.
Cũng cần lưu ý rằng, Việt Nam chính là một trong những nhà nhập khẩu chủ yếu loại tên lửa hành trình chống hạm Kh-35E từ Nga để trang bị cho lực lượng Hải quân. Trong đó, tên lửa Kh-35E đóng vai trò là loại vũ khí tấn công chủ lực trên 2 tàu chiến hiện đại thuộc lớp Gepard 3.9, hay Project 1241.8 Molniya, BPS-500 và một số nguồn tin Nga cho biết có cả tổ hợp tên lửa bờ Bal-E. Do vậy, việc Nga gặp khó trong việc sản xuất tên lửa Kh-35E trong thời gian tới cũng sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến việc dự trữ và trang bị vũ khí tên lửa cho các tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, mặc dù hiện tại chúng ta cũng đang có một dự án phát triển một biến thể tên lửa Kh-35EV mới với sự giúp đỡ của Nga.
Sức mạnh tên lửa Kh-35
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA