Mỹ: TQ ồ ạt đóng tàu hải cảnh, trang bị sát thủ diệt hạm mới

Vy Lam |

Theo Cơ quan tình báo Mỹ (ONI), hiện Trung Quốc có đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả số tàu của các nước trong khu vực cộng lại.

Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), trong tuần này, Cơ quan tình báo hải quân Mỹ (ONI) đã công bố một bản đánh giá về các khả năng và nhiệm vụ mới của Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong những năm tới.

Trung Quốc triển khai "sát thủ diệt hạm" mới

So với bản phân tích của ONI về PLAN 6 năm trước thì bản báo cáo năm 2015 nhận định rằng, PLAN với hơn 300 tàu chiến đã “có những bước tiến lớn trong hoạt động và hiện đại hóa lực lượng”.

Điểm khác biệt đáng kể so với báo cáo năm 2009 là chương trình đóng tàu hiện tại của Trung Quốc.

Giờ đây, Bắc Kinh tập trung nhiều hơn vào việc chế tạo các tàu chiến đa nhiệm, thay vì các tàu tác chiến chống tàu nổi đơn thuần.

Tiết lộ đáng chú ý nhất trong bản báo cáo năm 2015 của ONI là PLAN có vẻ đã trang bị mẫu tên lửa chống tàu siêu thanh tiên tiến nhất của nước này cho một lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.

Hình ảnh tàu khu trục 052D với hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng.

Hình ảnh tàu khu trục Type 052D với hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng.

“Lữ Dương III, lớp tàu khu trục mới nhất, được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) YJ-18 phóng từ ống phóng thẳng đứng” – Bản báo cáo viết.

Loại vũ khí mới này tạo thành một mối đe dọa lớn đối với các tàu chiến Mỹ và đồng minh triển khai ở châu Á.

Cho tới nay, mới chỉ có các tàu khu trục lớp Lữ Dương III (Type 052D) trong biên chế PLAN được trang bị tên lửa YJ-18.

Tuy nhiên, PLAN có kế hoạch biên chế thêm 10 tàu này vào năm 2017 và còn dự định triển khai tên lửa YJ-18 trên các tàu ngầm Type 093G và Type 095.

Hình ảnh được cho là tàu ngầm Type 093G Trung Quốc

Hình ảnh được cho là tàu ngầm Type 093G Trung Quốc

Trung Quốc có đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới

Theo bản báo cáo: “Trong năm 2013 và 2014, Trung Quốc đã hạ thủy số lượng tàu hải quân nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác và dự kiến sẽ còn tiếp tục xu hướng này trong năm 2015 – 2016”.

Trong năm 2013, PLAN đã khởi đóng, hạ thủy và đưa vào biên chế hơn 60 tàu, mặc dù trọng tâm là chất lượng thay vì số lượng.

Con số này cho thấy hiện tại, Bắc Kinh đã triển khai được một lực lượng hải quân đáng gờm.

Theo bản báo cáo, PLAN hiện có khoảng:

26 tàu khu trục (21 chiếc trong số này có thể coi là hiện đại), 52 khinh hạm (35 chiếc hiện đại), 20 tàu hộ tống mới, 85 tàu tuần tra tên lửa hiện đại, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu quét mìn (30 chiếc hiện đại), hơn 50 tàu tiếp tế lớn và hơn 400 tàu hỗ trợ, tiếp tế nhỏ.

Hạm đội tàu ngầm của PLAN hiện triển khai 66 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, 57 tàu ngầm tấn công diesel, dù bản báo cáo không đề cập rõ có bao nhiêu chiếc tàu trong số này sẵn sàng hoạt động.

Bên cạnh đó, bản báo cáo của ONI đánh giá rằng: “Vào năm 2020, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc có vẻ sẽ tăng quy mô lên hơn 70 tàu ngầm”.

Ngoài ra, cũng theo bản báo cáo, “lực lượng không quân hải quân và tàu ngầm Trung Quốc đang có những tiến bộ về chất lượng. Chúng ngày càng có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa lục địa Trung Quốc hàng trăm km”.

Hình ảnh tàu hải cảnh với lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn đang được Trung Quốc chế tạo
Hình ảnh tàu hải cảnh với lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn đang được Trung Quốc chế tạo

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lực lượng tuần duyên hay hải cảnh Trung Quốc đã trải qua quá trình hiện đại hóa lớn và đang nhanh chóng tăng quy mô.

Theo tờ New York Times, bản báo cáo của ONI đề cập rằng, trong vòng 3 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tăng 25% số lượng tàu hải cảnh.

Hiện Trung Quốc có đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả số tàu của Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại.

Bản báo cáo còn đề cập tới các tàu quét mìn ven bờ lớp Wonang ít được biết đến của Trung Quốc và xác nhận rằng 3 tàu cứu hộ tàu ngầm lớp Dalao và 4 tàu thu thập thông tin tình báo lớp Dongdiao đã được đưa vào biên chế PLAN.

Thêm vào đó, theo bản báo cáo, PLAN đang nhanh chóng phát triển máy bay không người lái trên tàu chiến.

PLAN có thể triển khai UAV để hỗ trợ các máy bay trinh sát có người lái, cũng như hỗ trợ định vị mục tiêu cho các hệ thống vũ khí phóng từ trên bộ, trên biển và trên không.

Tàu khu trục tên lửa Harbin của Trung Quốc trong cuộc tập trận chung với Hải quân Nga năm 2012

Tàu khu trục tên lửa Harbin của Trung Quốc trong cuộc tập trận chung với Hải quân Nga năm 2012

Bên cạnh những bước tiến đáng kể của PLAN, bản báo cáo của ONI cũng chỉ ra rằng, lực lượng này vẫn thiếu khả năng phối hợp hoạt động, khiến cho các hoạt động kết hợp vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với PLAN.

Cuối cùng, ONI cho rằng việc Trung Quốc đưa vào biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, bất chấp “khả năng tác chiến hạn chế của nó” là một “cột mốc” quan trọng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đi theo quan điểm:

"Triển khai một hạm đội lớn là điều rất cần thiết để đạt được vị thế lớn về sức mạnh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại