Mỹ tiết lộ về khu trục hạm tương lai thay thế Arleigh Burke

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Tàu khu trục mới dự kiến sẽ đi vào phục vụ trong khoảng đầu năm 2030, thay thế các tàu lớp Arleigh Burke đang hoạt động của Hải quân Mỹ.

Trang mạng Military.com dẫn lời các quan chức Hải quân Mỹ cho biết Hải quân Mỹ đang tiến hành những giai đoạn đầu tiên của dự án phát triển tàu khu trục mới mang tên Future Surface Combatant (FSC) nhằm thay thế các tàu khu trục lớp Arleigh Burke đang hoạt động. FSC dự kiến sẽ đi vào phục vụ trong khoảng đầu năm 2030.

Theo các quan chức Hải quân Mỹ, còn quá sớm để suy xét về thiết kế thân tàu hay hình dạng con tàu, tuy nhiên, các hệ thống vũ khí, cảm biến hiện đại được kỳ vọng sẽ là những điểm được chú trọng trong quá trình phát triển con tàu.

Dự án FSC sẽ được tiến hành song song với chương trình chế tạo tàu khu trục Flight III DDG 51 lớp Arleigh Burke dự kiến sẽ bắt đầu chế tạo vào năm 2016. Hiện tại, Hải quân Mỹ có kế hoạch chế tạo tổng cộng 22 tàu loại này.

Theo chuẩn Đô đốc Tom Rowden, giám đốc phụ trách chương trình tác chiến mặt nước của Hải quân Mỹ, hiện Hải quân Mỹ đặt ra rất nhiều yêu cầu mới đối với chiến hạm tương lai.

Rowden nhấn mạnh rằng tàu khu trục mới sẽ được trang bị những công nghệ tiên tiến đã được tích hợp thành công trong một số chiến hạm như tàu DDG-1000 lớp Zumwalt, các tàu chiến ven bờ và các tàu sân bay lớp Ford. Bên cạnh đó, nhu cầu về lượng điện năng trên tàu sẽ là rất cao bởi các vũ khí laser và các vũ khí năng lượng định hướng (DEW) sẽ được sử dụng nhiều.

“Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực hướng tới phát triển vũ khí laser trở thành vũ khí trong tương lai. Bạn có thể sử dụng điện năng do con tàu sản sinh và biến chúng thành giải pháp điều khiển hỏa lực mà không phải bắn đi một tên lửa nào trị giá lên tới hàng chục triệu USD” - Rowden nói.

Trên thực tế những vũ khí laser chi phí thấp là một biện pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí cho những tàu khu trục tương lai. Rowden nói thêm “Một trong những điều khiến tôi lo ngại là nếu kẻ thù của chúng tôi có thể phát triển được một tên lửa trị giá hàng triệu USD, nhưng chúng tôi lại phải phóng đi nhiều tên lửa trị giá hàng chục triệu USD để bảo đảm sự an toàn cho chiến hạm thì chúng tôi đang sai lầm về bài toán chi phí”.

Các nhà lãnh đạo Hải quân sẽ ưu tiên chú trọng khả năng tấn công cũng như khả năng sống sót của khu trục hạm tương lai bởi nó sẽ được giao trọng trách bảo vệ các tàu sân bay của Mỹ.

Khía cạnh lớn nhất được chú trọng trong chương trình FSC là thiết kế module hóa, cho phép thực hiện những điều chỉnh nhanh chóng và hiệu quả khi cần thiết đối với công năng của con tàu. Thiết kế của chiến hạm mới sẽ chú trọng khả năng linh hoạt để bảo đảm rằng con tàu có thể bắt kịp với sự phát triển mau lẹ của công nghệ và những mối đe dọa hiện nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại