Mỹ nóng lòng muốn bán công nghệ hạt nhân cho Việt Nam?

Một quan chức cấp cao Mỹ vừa mới lên tiếng chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Barack Obama nóng vội muốn bán công nghệ hạt nhân cho Việt Nam.

Báo Thanh niên dẫn lời ông Henry Sokolski, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ, nói trên tạp chí National Review (Mỹ) hôm 4/6 cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Ngoại trưởng Hillary Clinton ba năm trước đây đã “nóng vội” ký kết một thỏa thuận về hạt nhân dân sự với Việt Nam.

Chính quyền Obama sau đó đã phải rút lại dự thảo này sau khi Quốc hội Mỹ phát hiện rằng dự thảo bao gồm những điều khoản không phổ biến vũ khí hạt nhân “rất lỏng lẻo”, ông Sokolski cho hay.

Vào tháng 9/2012, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình lên chính phủ Mỹ bản báo cáo xem xét điều chỉnh lại các điều khoản trong dự thảo.

Dù chưa xem qua bản báo cáo nhưng Tổng thống Obama đã “háo hức” gửi một phái đoàn xuất khẩu hạt nhân của Mỹ, bao gồm giám đốc chính sách hạt nhân của Nhà Trắng, thứ trưởng Thương mại, trợ lý bộ trưởng bộ Năng lượng và 18 đại diện của ngành công nghiệp hạt nhân, sang Hà Nội vào tháng 5, ông Sokolski nói.

Và nhiệm vụ của phái đoàn này là thương thuyết bán lò phản ứng hạt nhân Westinghouse cho Việt Nam, chuyên gia này cho biết.

Trước đây, một tổ chức phi chính phủ quốc tế nổi tiếng có tên “Sáng kiến đe dọa hạt nhân” (The Nuclear Threat Initiative, viết tắt là NIT) đã khẳng định: “Việt Nam không sở hữu vũ khí hạt nhân, sinh học hay hóa học, hoặc các chương trình phát triển các loại vũ khí đó, và là một bên tham gia hầu hết các hiệp ước không phổ biến và các thỏa thuận liên quan…”.  “Không có bằng chứng công bố công khai nào chứng tỏ Việt Nam đã từng tìm kiếm vũ khí hạt nhân”.

Lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt
Lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt

Hiện tại Việt Nam chỉ có một lò phản ứng hạt nhân Ðà Lạt thuộc loại lò nghiên cứu, công suất nhiệt 500 Kilowatt hay 0,5 Megawatt. Trên thế giới có những 160 lò phản ứng nghiên cứu, nhiều nhất là ở Nga (với 62 lò), tiếp theo là Hoa Kỳ (54), Nhật (18), Pháp (15), Đức (14) và Trung Quốc (13). Nhiều nước nhỏ hoặc đang phát triển cũng có lò nghiên cứu, như: Bangladesh, Algeria, Colombia, Ghana, Jamaica, Libya, Thái Lan.

Chức năng của loại lò nghiên cứu như Lò Đà Lạt chủ yếu là dùng để nghiên cứu vật lý hạt nhân và ứng dụng dân sự như sản xuất các dược chất phóng xạ, phân tích mẫu địa chất v.v...

Lò này được hồi phục từ lò cũ của Hoa Kỳ để lại sau khi đã rút và mang hết nhiên liệu về nước vào mùa hè năm 1975. Đến năm 1983 lò được phục hồi và tái khởi động bằng các thanh nhiên liệu mới của Nga.

Trước đó, có nhiều nghi ngờ cho rằng Lò Đà Lạt có chế tạo được vũ khí hạt nhân nhưng khi các đoàn thanh sát của IAEA cũng đã định kỳ đến Lò Đà Lạt để thanh sát tại chỗ và không hề phát hiện một dấu vết gì đáng để nghi ngờ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại