Được biết, hồi tháng 3/2015, Công ty General Dynamics Electric Boat và nhà máy đóng tàu Newport News Shipbuilding đã cùng đề xuất phương án đóng tàu ngầm thế hệ mới để thay thế cho tàu ngầm lớp Ohio.
Tuy nhiên, đến nay Hải quân và Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể tìm ra nguồn tài chính cho việc xây dựng các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân thế hệ mới này.
Chương trình này có tên gọi “Kế hoạch thay thế Ohio” có mục tiêu tạo ra thế hệ tàu ngầm mới, có khả năng vượt trội thay thế các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio hiện đang sử dụng trong lực lượng hải quân Mỹ và dự tính hoàn thành vào năm 2031.
Các nhà lập pháp và đô đốc hải quân của Mỹ đang lo sợ rằng nguồn vốn cho chương trình này có thể làm phá sản toàn bộ ngân sách đóng tàu của Hải quân Mỹ.
Chính vì vậy, Quốc hội Mỹ đã thành lập ra một quỹ đặc biệt nhằm thu hút vốn cho chương trình trên, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, quỹ này vẫn chưa hề có một đồng vốn nào.
“Chúng ta phải làm điều gì đó để chắc chắn rằng chương trình này sẵn sàng khởi công và có tiền trong quỹ đặc biệt mới thành lập”, Thượng nghị sĩ Mazie Hirono nói tại phiên họp của Uỷ ban Vũ khí Thượng viện Mỹ vào hôm 18/3.
Có kế hoạch phục vụ đến năm 2085, loại tàu ngầm mới của chương trình thay thế Ohio sẽ bắt đầu được chế tạo từ năm 2021.
Các công việc cần thiết như thiết lập thông số kĩ thuật và chế tạo nguyên mẫu đều đang được thực hiện tại trung tâm phát triển của công ty General Dynamics Electric Boat.
Ngoài việc có thiết kế dài 185 mét và mang theo được 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II D5, phóng từ ống phóng 14 mét, các tàu ngầm thay thế Ohio còn có khả năng tàng hình và phòng thủ hạt nhân công nghệ cao.
Tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới được mong chờ có những khả năng vượt trội như tuần tra bí mật dưới đáy biển và có khả năng sinh tồn cao để đáp trả được các đợt tấn công hạt nhân từ kẻ thù.
Trước đây, chi phí sản xuất cho 12 chiếc tàu ngầm thay thế Ohio được tính toán ở mức 12,4 tỉ USD, trong đó, 4,8 tỉ tiền phát triển công nghệ, thiết kế và 7,6 tỉ USD cho đóng tàu.
Tuy nhiên, con số này được cho là quá ít bởi chi phí đóng chỉ 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược được đã lên tới hàng tỷ USD.
Phó Đô đốc Joseph Mulloy, phụ trách hoạt động của Hải quân Mỹ cho biết khả năng phòng thủ hạt nhân dưới biển của chiếc tàu ngầm này phụ thuộc vào việc trao đổi thông tin với chiếc E-6 Mercury - phiên bản quân sự hoá của máy bay dân dụng Boeing 707.
Chiếc máy bay này đảm nhận nhiệm vụ như một trung tâm điều khiển và chỉ huy cho biên đội tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo.
Hiện Mỹ đang có 15 chiếc máy bay loại này và luôn tác chiến với các tàu ngầm hoặc tàu mặt nước trong trường hợp khẩn cấp.
Theo kế hoạch đóng tàu trong 30 năm tới của Mỹ, nếu không tính tới lạm phát, Hải quân nước này sẽ phải tăng chi tiêu lên từ 17,2 lên 19,7 tỉ USD mỗi năm bắt đầu từ 2025 nếu muốn hoàn thành chương trình thay thế Ohio.
Mỹ chỉ cần đóng 12 chiếc tàu ngầm mới để thay thế cho 14 chiếc tàu lớp Ohio đang hoạt động do nó được trang bị lò phản ứng hạt nhân nâng cấp, có thể hoạt động tới 42 năm mà không cần thay thế các thanh nhiên liệu, nâng cao hệ số an toàn và thời gian hoạt động tác chiến của tàu ngầm.