Tàu ngầm Liên Xô “cướp” sonar chống ngầm trên chiến hạm Mỹ

Toàn Thắng |

Tàu ngầm K-324 Liên Xô đã "xúc phạm" Hải quân Mỹ khi trà trộn trong một cuộc thử nghiệm thiết bị chống ngầm và cướp mất sonar tuyệt mật của Mỹ.

30 năm trước, nhiều quan chức cao cấp của Hải quân Mỹ đã nhận quyết định sa thải từ sau vụ thiết bị tối mật đắt tiền tiên tiến nhất của hải quân nước này bị mất.

Điều cay đắng nhất đối với Washington là thông tin rằng, các thiết bị tối mật đã rơi vào tay các thủy thủ Liên Xô.

Sự kiện này đã xảy ra cách đây 32 năm ở giai đoạn đỉnh cao của "chiến tranh lạnh". Vào đầu mùa đông năm 1983, chiếc tàu ngầm hạt nhân "K-324", thuộc Project 671RTM, lớp Shchuka (NATO phân loại "Victor III"), đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến ở phía Tây Đại Tây Dương.

Ngày 31 tháng 10, các thủy thủ Liên Xô đã phát hiện ở vùng biển Sargasso chiếc tàu khu trục hiện đại nhất của Hải quân Mỹ là DE-1038 (FF-1038) USS "McCloy" đang thử nghiệm trên biển hệ thống sonar kiểu mảng kéo thế hệ mới nhất tên là TASS.

Mục tiêu giả định của cuộc thử nghiệm này do chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ SSN-690 USS Philadelphia đóng. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn trên các chiến hạm của Mỹ không hề biết gì về sự hiện diện của một “bên thứ 2” tham gia thử nghiệm.

Chiếc tàu ngầm K-324 của Liên Xô đã lặng lẽ tiếp cận tàu khu trục Mỹ, đi ngầm dưới mặt nước để quan sát, theo dõi hoạt động của chiếc sonar kiểu mảng kéo ở phía đuôi tàu.

Sự di chuyển của tàu ngầm Liên Xô không bị phát hiện do tiếng ồn của các tuabin trên tàu Mỹ. Trong vòng 14 giờ, các thủy thủ Liên Xô đã thực hiện công việc tình báo, thu thập thông tin kỹ thuật về chiếc sonar này.

DE-1038 (FF-1038) USS McCloy - tội đồ làm mất sonar
DE-1038 (FF-1038) USS "McCloy" - tội đồ làm mất sonar

Thuyền trưởng Alexander Kuzmin đã kể lại với các nhà báo nhiều năm sau sự kiện đó rằng, bồng nhiên chiến hạm "McCloy" của Mỹ đột ngột đổi hướng, tăng tốc chạy, còn trên chiếc tàu ngầm của Liên Xô bất ngờ ghi nhận một sự rung động kỳ lạ.

Tuabin chính của tàu bị trục trặc, hệ thống bảo vệ lò phản ứng và tuabin phát tín hiệu tình huống khẩn cấp. Không có cách nào khác, chiếc tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô buộc phải nổi lên mặt nước, thì mới phát hiện ra, họ đang ở đúng tâm của một cơn bão nhiệt đới cực mạnh.

Chính vì thế chiếc tàu chiến Mỹ mới phải tạm ngừng cuộc thử nghiệm buộc phải lên đường trở về căn cứ,

Liên Xô thu được công nghệ sonar tuyệt mật của Mỹ

Sau khi nổi lên mặt nước, các thủy thủ Liên Xô cũng hiểu rõ nguyên nhân sự cố của tàu mình.

Hóa ra, "McCloy" quá vội vã bỏ chạy, khiến hệ thống sonar siêu mật với các cảm biến của nó đã bị cuộn vào thân chiếc tàu ngầm Liên Xô, mà chiến hạm Mỹ không hề phát hiện ra.

Để cứu trợ chiếc tàu ngầm không có cách nào di chuyển được, hải quân Liên Xô đã điều động tàu cứu hộ "Aldan" từ cảng La Havana của Cu Ba tới trợ giúp.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện mất chiếc sonar kiểu mảng kéo, "McCloy" đã báo về sở chỉ huy để điều tàu đến tìm kiếm. Hai tàu khu trục Mỹ là DD-969 USS "Peterson" và DD-982 USS "Nicholson" đã phát hiện ra chiếc tàu ngầm hạt nhân Liên Xô quấn sonar của mình nổi trên mặt nước.

Tàu ngầm hạt nhân K-324, thuộc Project 671RTM, lớp Shchuka của Nga
Tàu ngầm hạt nhân "K-324", thuộc Project 671RTM, lớp Shchuka của Nga

Để phòng xa trường hợp tàu ngầm bị xâm chiếm, thuyền trưởng Kuzmin đã ra lệnh chuẩn bị cho nổ tung tàu K-324. Nhưng, vì các sự kiện diễn ra trong vùng biển quốc tế, các tàu chiến Mỹ chỉ đi quanh tàu ngầm, cố gắng lấy lại chiếc sonar xấu số của mình.

Sau đó, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ "Philadelphia" cũng tham gia vào “trò chơi nguy hiểm”, nó lặng lẽ bơi ngầm dưới mặt nước đến sát gần tàu ngầm Liên Xô và móc vào anten cảm biến của hệ thống sonar.

Tình hình đột nhiên biến thành một vở bi hài kịch, hai tàu ngầm hạt nhân tham gia cuộc đọ sức giằng co với nhau. Cuối cùng sợi dây thép bị đứt và "Philadelphia" lấy được một bộ phận sonar.

Nhưng trên thân của "K-324" vẫn còn lại hơn 400m sonar tần số thấp, siêu mật, mới phát triển của Mỹ.

Ngay sau đó, tàu "Aldan" của Liên Xô đã đến hiện trường và kéo K-324 đến Cu Ba. Chiếc sonar của Mỹ đã ngay lập tức được gửi về Moscow bằng một chuyến bay đặc biệt.

Trong khi đó, K-324 tiếp tục cuộc tuần tra của mình ở vùng biển quốc tế trên Đại Tây Dương.

Sau đó, truyền thông Mỹ đã đưa tin rằng, khi nghe báo cáo giải trình vụ việc, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nổi giận và yêu cầu sa thải một số quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ.

Và Quốc hội Mỹ, khi xem xét ngân sách quân sự cho năm 1984, đã thông qua quyết định cắt giảm một phần tư chi phí cho kế hoạch nghiên cứu và phát triển Hải quân, đồng thời hủy bỏ kế hoạch sản xuất sonar do tính năng kỹ thuật đã lọt vào tay Liên Xô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại