Hãng truyền thông quốc tế Al Jazeera của Qatar ngày 22/6/2013 cho biết, với việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam đang chuẩn bị cho sự hiện diện của hơn 5.000 binh sỹ và người thân của họ.
Ngoài ra, Mỹ đang có kế hoạch đầu từ 11 tỷ USD để hiện đại hóa căn cứ quân sự này, gồm các công trình bến đỗ cho tàu sân bay năng lượng hạt nhân, hệ thống tên lửa phòng thủ, các thao trường tập huấn bắn đạn thật.
Mục đích của kế hoạch là biến đảo Guam, một lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương thành một trung tâm kiểm soát an ninh khu vực. Động thái này được xem như một nỗ lực nhằm giúp Mỹ và các đồng minh đối phó với những nguy cơ tiểm ẩn, thách thức về tự do, an ninh của khu vực.
Guam được coi là biểu tượng sức mạnh và là siêu căn cứ quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Đây là căn cứ chiến lược cho lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ, với phạm vi đồn trú trên 30% diện tích đảo. Ngoài ra, Guam còn là điểm đóng quân của hàng chục đơn vị hoạt động hỗ trợ cho Bộ Tư lênh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ.
Căn cứ Andersen trên đảo có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động linh hoạt và đặc biệt ở tây Thái Bình Dương và Đông Á, hỗ trợ trong cả các cuộc xung đột cục bộ lẫn tác chiến lâu dài. Hiện tại có hơn 7.500 lính Mỹ đang đóng tại đảo Guam với những thiết bị, vũ khí hiện đại. Với việc điều động thêm khoảng 5.000 binh sĩ và người thân của họ, tổng số lực lượng quân sự Mỹ hiện diện tại hòn đảo này sẽ tăng lên. Trong tương lai, Mỹ sẽ tăng lên 18.000 quân nhân cùng với 19.000 thân nhân của họ.
Theo ghi chép lịch sử quân sự, căn cứ còn Guam là nơi xuất kích của khoảng 1.000 máy bay B-29 trong các chiến dịch ném bom quân sự của Mỹ chống Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới Thứ II. Và trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Guam cũng là điểm xuất phát để hàng trăm chiếc B-52 trải thảm bom tại Việt Nam.