Khi một tàu chiến Trung Quốc hộ tống chiếc tàu sân bay duy nhất của nước này buộc một chiến hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ phải bẻ tay lái để tránh một cuộc đối đầu diễn ra trong tháng này, chiếc tàu chiến đó đang bảo vệ một cuộc tập trận mang đầy ý nghĩa về mặt quân sự và chính trị.
Cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển đảo Hải Nam đánh dấu không chỉ lần đầu tiên Bắc Kinh đưa một tàu sây bay vào Biển Đông mà cũng là lần đầu tiên con tàu này tập luyện với nhóm tàu tấn công của nó, giới sĩ quan quân sự và các nhà phân tích cho biết.
"Điều đó thể hiện năng lực của hải quân Trung Quốc nhưng cũng có ý nghĩa về mặt chính trị”, ông Ross Babbage – một cựu nhà phân tích chiến lược của chính phủ Australia và là người sáng lập Tổ chức tư vấn Kokoda Foundation ở Canberra, đã nhận định như vậy.
Theo ông Babbage, "Trung Quốc đang muốn thể hiện vị thế cường quốc lớn của họ trong khu vực bằng cách cho tàu sân bay ra Biển Đông và đáp lại, Mỹ đang muốn phát đi thông điệp rằng: 'Hãy nhớ, chúng tôi vẫn hiện diện ở đây và chúng tôi vẫn là người chơi lớn nhất”.
Tàu tên lửa USS Cowpens suýt nữa đã đâm nhau với tàu chiến của Trung Quốc khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế hôm 5/12, Hải quân Mỹ cho biết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gọi hành động của tàu Trung Quốc là “vô trách nhiệm”.
Hãng tin Tân Hoa xã sau đó cho hay, tàu USS Cowpens của Mỹ đã bị nhóm tàu sân bay của họ “cảnh báo”, nói thêm rằng, tàu Mỹ đã “cố tình” theo dõi, giám sát tàu sân bay Liêu Ninh.
Các cuộc diễn tập của Trung Quốc được Hải quân miêu tả là “nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, và tập trận quân sự” dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 3/1 tới. Quân đội Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin về đợt tập trận này trong khi Bộ Quốc phòng không có phản ứng gì khi được đề nghị bình luật về cuộc tập trận.
Tàu Liêu Ninh – một chiếc tàu cũ thời Xô-viết được Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998 và tu sửa lại để trở thành tàu sân bay đầu tiên của họ. Con tàu này được xem là biểu tượng của việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân.
Sau hai thập kỷ tăng chi tiêu quốc phòng liên tiếp ở mức hai con số, giới tướng lĩnh Trung Quốc có kế hoạch phát triển một Lực lượng Hải quân toàn diện, có thể hoạt động ở khơi xa và bảo vệ lợi ích kinh tế ngày càng rộng mở của Bắc Kinh cũng như những khu vực mà nước này đang tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Nhóm tàu sân bay tấn công là cốt lõi của tham vọng nói trên và việc đưa vào hoạt động thành công chiếc tàu sân bay có trọng tải 60.000 tấn là bước đầu tiên để Trung Quốc triển khai một loạt tàu sân bay tự đóng vào năm 2020, báo chí và một số chuyên gia quân sự nước này tin như vậy.
Theo bản báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc được công bố hồi đầu năm nay, chiếc tàu sân bay đầu tiên như vậy sẽ không thể được đưa vào hoạt động cho đến nửa sau của thập kỷ này.
Trong khi giới phân tích quân sự tin rằng, Trung Quốc đã bắt đầu bắt tay vào việc đóng tàu sân bay nhưng không có bằng chứng chắc chắn nào về việc một bộ khung tàu đã được hình thành ở xưởng đóng tàu Jiangnan trên đảo Changxing ở bên ngoài Thượng Hải. Kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc là một bí mật quốc gia.
Bắt đầu từ con số 0
Các nước bên ngoài và ngay cả bên trong Trung Quốc đều rất quan tâm đến việc tàu Liêu Ninh có thể đạt được những năng lực then chốt của một tàu sân bay thông thường hay không. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ thực hiện được nhiệm vụ khó khăn là cho máy bay cất cánh, hạ cánh trên tàu mà còn cần phải có chiến lược, học thuyết hải quân để đưa tàu vào hoạt động, bảo vệ và cung cấp cho con tàu.
"Các tàu sân bay là một việc rất khó khăn, phức tạp và đắt đỏ”, một sĩ quan Mỹ cho biết như vậy ở trên tàu USS George Washington khi con tàu này tập trận ở Biển Đông hồi tháng trước.
"Sẽ phải mất nhiều năm, từ năm này đến năm khác để có thể đưa con tàu sân bay vào hoạt động đúng chuẩn. Chúng tôi vẫn đang phải làm điều đó. Trung Quốc đang bắt đầu từ con số 0", vị sĩ quan giấu tên của Mỹ cho biết thêm.
Hoạt động ở bên ngoài cảng Qingdao trên biển Hoàng Hải, công việc ban đầu của tàu sân bay Liêu Ninh tập trung vào việc thực hiện những hoạt động cất cánh, hạ cánh cơ bản của máy bay J-15 – một loại chiến đấu cơ giống với Su-33 của Nga.
Đội bay của tàu sân bay Liêu Ninh được cho là chưa thể đi vào hoạt động toàn diện cho đến tận năm 2015 hoặc sau hơn nữa.
Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ sử dụng căn cứ ở Sanya, trên đảo Hải Nam. Các tùy viên quân sự trong khu vực tin rằng, việc đóng tại Sanya đồng nghĩa với việc tàu Liên Ninh sẽ thường xuyên lượn ra Biển Đông. Sanya là nhà của một trong những căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, trong đó có các tàu ngầm hạt nhân có thể được sử dụng để bảo vệ tàu sân bay Liêu Ninh.
Mặc dù Trung Quốc được cho là rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình nhưng giới phân tích và một phần báo giới Trung Quốc đang phải tìm cách giảm bớt những kỳ vọng vào con tàu này.
Tàu Liêu Ninh hiện tại vẫn chỉ đóng vai trò là một nơi huấn luyện chứ chưa phải là một vũ khí có đủ năng lực chiến đấu, ông Shen Dingli, một chuyên gia thuộc Học viện Quốc tế của trường Đại học Fudan, đã nhận định như vậy. “Nước Mỹ có thể thư giãn, có thể tiếp tục ngủ trong vòng 50 năm tới. Trung Quốc sẽ chưa thể địch nổi với năng lực tàu sân bay của Mỹ”, ông Dingli nói thêm.