Yokosuka, quân cảng quan trọng bậc nhất của Mỹ sát nách Trung Quốc
Hạm đội 7 là hạm đội lớn nhất trong các hạm đội triển khai tiền phương của Mỹ, với 50–60 chiến hạm, 350 máy bay, cùng 60.000 nhân sự hải quân và thủy quân lục chiến.
Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, hạm đội 7 có nhiệm vụ tác chiến trong trường hợp xảy ra xung đột tại Triều Tiên, hoặc xung đột tại eo biển Đài Loan; bảo đảm an ninh hành lang biển chiến lược từ Trung Đông đến Đông Bắc Á qua Tây Thái Bình Dương; bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ xác định đây là khu vực “sinh tử” đối với lợi ích an ninh quốc gia. Điều này giải thích tại sao Hạm đội 7 luôn được ưu tiên tăng cường về mọi mặt.
Phân chia khu vực đảm nhận của các Hạm đội Hải quân Mỹ
Mỹ từng khẳng định rằng, trọng tâm địa chính trị thế giới đang chuyển sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực có nhiều nước “trỗi dậy cùng một lúc về sự giàu có và sức mạnh”. Vì thế, việc duy trì tình trạng cân bằng chiến lược sẽ giúp Mỹ đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của mình đối với khu vực. Trong bối cảnh đó, điều hiển nhiên là Lầu Năm Góc sẽ không tiếc tiền để đầu tư cho Hạm đội 7. Như vậy có thể thấy mục tiêu mà Hạm đội 7 nhắm tới trước hết là Trung Quốc.
Căn cứ chính của hạm đội 7 đóng tại Yokosuka (Nhật Bản). Căn cứ này là nơi đặt lực lượng hải quân chiến lược lớn nhất ở phía tây Thái Bình Dương của Mỹ. Yokosuka là một thành phố cảng nằm ở phía Tây Nam của Kanagawa, trên bán đảo Miura. Phía bắc của Yokosuka giáp với thành phố Yokohama, phía Đông Bắc, Đông, Đông Nam và Tây đều giáp vịnh Tokyo. Căn cứ quân sự tại Yokosuka có diện tích 2,3 km² (568 ha) và được đặt tại lối vào của vịnh Tokyo, cách phía nam của Tokyo 65 km. Cảng Yokosuka có tới 18 cầu tàu và rất nhiều nơi neo đậu.
Sau khi Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì căn cứ Yokosuka càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa. Từ đây, với đội hình tàu chiến hùng hậu và hiện đại của mình, Mỹ có thể đáp trả mọi hành động hiếu chiến của Trung Quốc.
Vị trí căn cứ hải quân Yokosuka (chữ A) (Ảnh chụp từ Google)
Hiện nay, lực lượng Mỹ đồn trú tại đây bao gồm: tàu chỉ huy USS Blue Ridge (LCC-19); tàu sân bay hạt nhân USS George Washington (CVN-73); hai tuần dương hạm USS Antietam (CG-54); USS Shiloh (CG-67); 7 tàu khu trục lớp Arleigh Burke gồm: USS Curtis Wilbur (DDG-54), USS John S. McCain (DDG-56), USS Fitzgerald (DDG-62), USS Stethem (DDG-63), USS Lassen (DDG-82), USS McCampbell (DDG-85), USS Mustin (DDG-89); 1 đến 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles thường xuyên đồn trú tại đây (trong số các tàu USS Oklahoma City, USS Chicago, USS Buffalo), 1 tàu hộ tống và 9 phi đội máy bay. Ngoài ra còn nhiều khinh hạm cũng như các tàu khác Hạm đội 7 thường xuyên cập cảng.
Tàu chỉ huy LCC-19, niềm tự hào Hải quân Mỹ
Tàu chỉ huy đổ bộ cỡ lớn mang số hiệu LCC-19 USS “Blue Ridge” đã từng lập rất nhiều thành tích trong lực lượng hải quân Mỹ.
LCC-19 bắt đầu được thiết kế năm 1964, khởi đóng vào năm 1967, hạ thủy năm 1969 và đến tháng 11 năm 1970 chính thức được bàn giao cho lực lượng hải quân, hiện nay cảng mẹ của LCC-19 là Yokosuka, Nhật Bản - nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ.
Tàu chỉ huy hạm đội 7 Mỹ LCC-19 USS “Blue Ridge”
USS “Blue Ridge” được đóng mới với định hướng ngay từ đầu là sử dụng làm tàu chỉ huy cho lực lượng tác chiến đổ bộ. Hiện nó là chiếc duy nhất trên thế giới được thiết kế với mục đích là tàu chỉ huy đổ bộ cấp I, chiếc duy nhất cùng một lớp được đóng với nó là LCC-20 “Mount Whitney” hiện đang là một Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp.
Sau Đại chiến thế giới thứ 2, Mỹ chủ yếu trưng dụng các tàu buôn để cải tạo và hoán chuyển nhiệm vụ tàu chỉ huy đổ bộ. Bất kể là về hình dạng, tốc độ, thiết bị điện tử và kết cấu các khoang đều không đáp ứng được yêu cầu chỉ huy tác chiến đổ bộ hiện đại.
Vì vậy, trong năm tài khóa 1965 – 1966, hải quân Mỹ đã phê chuẩn dự án đóng mới 2 tàu chỉ huy đổ bộ lớp “Blue Ridge”. Ban đầu 2 tàu này dự định sẽ được sử dụng làm kỳ hạm của lực lượng đổ bộ (mã hiệu tàu là AGC), sau đó đến năm 1969 mới chính thức đổi thành tàu chỉ huy đổ bộ (LCC).
Cụm phóng Mk-36 (mỗi cụm 6 ống phóng) tên lửa nhử mồi SRBOC
Từ năm 1971 – 1979, cảng mẹ của LCC-19 là San Diego bên bờ tây nước Mỹ, năm 1975, USS “Blue Ridge” đã từng tham gia chiến dịch di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn – Việt Nam. Từ tháng 10/1979, LCC-19 chính thức sử dụng cảng mẹ là Yokosuka – Nhật Bản và trở thành tàu chỉ huy của Hạm đội 7 Mỹ.
LCC-19 định kỳ tham gia các hoạt động huấn luyện thường xuyên hàng năm của hải quân Mỹ và các nước đồng minh ở tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong thời gian 9 tháng, LCC-19 được trưng dụng làm kỳ hạm của Bộ tư lệnh Trung ương hải quân Mỹ (NAVCENT), tham gia chiến dịch “Lá chắn sa mạc” và “Bão táp sa mạc” (từ tháng 8/1990 – 5/1991).
LCC-19 USS “Blue Ridge” có lượng giãn nước: 19.609 tấn, dài: 194m; rộng: 32,9m; mớn nước: 8,8m. Động cơ: 1 động cơ turbin, 2 nồi hơi công suất động cơ: 16,4MW, hệ thống động lực đơn trục đẩy.
Trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk
Tàu có vận tốc tối đa 23 hải lý/h, tốc độ tuần hành: 16 hải lý/h, tầm hoạt động: 13.000 hải lý (23.400km)
Số tàu cùng chủng loại: 2 chiếc (hiện đều đang sử dụng, chiếc còn lại là LCC-20 “Mount Whitney”).
Tổng số nhân viên: tối đa vận chuyển 1173 người (52 sĩ quan chỉ huy), với 200 buồng ngủ.
Vũ khí: Do là tàu chỉ huy đổ bộ nên tàu không trang bị hệ thống vũ khí gì đáng kể, bao gồm 1 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 “Super Stallions”; hoặc có thể 2 chiếc trực thăng SH-60 Seahawk (trước đây là trực thăng chống ngầm SH-3G); 2 hệ thống pháo phòng không tầm gần Mk-15 Phalanx 20mm; 4 pháo hạm Bushmaster 25 mm, 8 súng máy phòng không 12,7 mm.
Hệ thống tác chiến điện tử:
- 4 cụm phóng Mk-36 (mỗi cụm 6 ống phóng) tên lửa nhử mồi SRBOC.
- Hệ thống nhử mồi ngư lôi kiểu mảng kéo SLQ-25 “Undine”.
- Hệ thống mục tiêu giả, gây nhiễu, cảnh báo sớm sử dụng radar tổ hợp SLQ-32 (V)3.
Hệ thống chỉ huy, kiểm soát:
- Hệ thống thông tin chỉ huy liên hợp trên biển (JMCIS2.2); hệ thống kiểm soát trên không phản ứng nhanh thời chiến; hệ thống thông tin số liệu Link 4A, Link 11, Link 14; hệ thống thông tin sóng cực ngắn WSC-3 (UHF), hệ thống thông tin vệ tinh WSC-6 (SHF), USC-38 (EHF).
Biểu tượng sức mạnh Mỹ trên biển Đông
Trong thời gian gần đây, tàu sân bay USS George Washington thường xuyên hiện diện, tuần tra ở biển Đông và biển Hoa Đông. Hành động này được coi như tín hiệu của Mỹ giành cho Trung Quốc rằng: Mỹ cũng có lợi ích liên quan ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Hải quân Mỹ đã quay trở lại Thái Bình Dương và sẵn sàng can thiệp để bảo vệ lợi ích này. Hành động này tất nhiên khiến Trung Quốc phải giảm nhẹ giọng điệu của mình đối với các căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu sân bay này thuộc lớp Nimitz có lượng giãn nước lên tới 104.200 tấn, dài 332,8m. Lớp Nimitz được xem là tàu sân bay lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Tất cả các tàu thuộc lớp Nimitz đều chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép di chuyển khắp nơi trên thế giới mà không cần tiếp nhiên liệu, tốc độ hành trình tối đa 30 hải lý/h.
Tàu sân bay USS George Washington (CVN-73) là "ngôi nhà" giữa biển của hơn 6.000 thủy thủ và sĩ quan.
Lớp Nimitz có thiết kế boong phóng máy bay dài 333m, rộng 77m, có 4 thang máy để đưa máy bay từ khoang chứa lên boong phóng. Để giúp máy bay cất/hạ cánh, tàu sân bay thiết kế 4 máy phóng thủy lực và 4 cáp hãm đà.
Nimitz có khả năng chở tới 80-90 máy bay các loại. Trên tàu sân bay USS Geogre Washington biên chế Không đoàn số 5 trang bị:
- 4 phi đội tiêm kích F/A-18E/F thiết kế để tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không, trên mặt đất và đất liền. Máy bay trang bị vũ khí có độ chính xác cao, tầm bắn xa, sức công phá mạnh.
- Một phi đội máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2C làm nhiệm vụ giám sát phát hiện tàu địch trên biển, trên bộ; điều khiển các tiêm kích hạm F/A-18E/F tấn công mục tiêu trên không/mặt đất; cảnh báo các cuộc tấn công máy bay cường kích hay tên lửa chống hạm đối phương…
Phóng máy bay tiêm kích F/A-18 trên tàu sân bay USS George Washington.
- Một phi đội máy bay tấn công điện tử EA-18G trang bị hệ thống gây nhiễu điện tử, tên lửa chống radar làm nhiệm vụ áp chế hệ thống phòng không đối phương.
- Một phi đội máy bay vận tải hạng nhẹ C-2A làm nhiệm vụ đưa thư, hành khách từ trong đất liền ra tàu sân bay. Khi cần, nó cũng được dùng để vận chuyển động cơ máy bay hay phụ tùng linh kiện.
- Phi đội trực thăng SH-60F và HH-60H làm nhiệm vụ chống ngầm, tìm kiếm cứu nạn, chở quân đổ bộ đường không.
USS George Washington được thiết kế hệ thống phòng không hạng nhẹ như tổ hợp tên lửa đối không tầm trung Sea Sparrow và tổ hợp pháo bắn nhanh 20mm.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington thuộc Hạm đội 7 tại cảng Yokosuka
Tất nhiên, để bảo vệ con tàu đồ sộ như vậy thì 2 hệ thống này không đủ, thông thường biên đội tàu sân bay Mỹ khi hoạt động thường đi kèm đội tàu hộ tống. Trong bài viết kỳ sau chúng ta sẽ cùng khám phá sức mạnh của lực lượng tàu chiến Mỹ đồn trú ngay cửa ngõ Trung Quốc, luôn khiến Trung Quốc run sợ.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!