Kế hoạch
Bộ trưởng Ashton Carter cho biết, sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến tại Ukaine đã khiến các nước NATO ở phía Đông châu Âu buộc phải thực hiện những bước đi quân sự mới, bao gồm việc tăng cường các cuộc tập trận và thành lập lực lượng phản ứng nhanh NATO.
Mỹ mong muốn Nga sẽ trở về với vị trí một quốc gia quan trọng trong mối quan hệ hợp tác ngoại giao, mà một trong số các vấn đề là đối thoại về chương trình hạt nhân của Iran, ông Carter cho biết.
Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh, sự thay đổi tình hình quân sự diễn ra tại NATO, một mặt là nhằm ngăn cản sự can thiệp của Nga, mặt khác thể hiện một sự chuẩn bị cho những căng thẳng kéo dài hơn trong tương lai, mà theo ông Carter là “dành cho trường hợp nước Nga không chịu thay đổi hành động của mình dưới thời ông Vladimir Putin hoặc thậm chí cả những giai đoạn về sau”.
Trước đó, trước những áp lực từ phương Tây, Moscow đã đáp trả lại bằng cách đe dọa sẽ củng cố các lực lượng của nước mình và thêm vào kho vũ khí hạt nhân 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong năm nay.
Hành động này bị ông Carter chỉ trích là “không cần thiết” và “không phù hợp”. Ngoài ra, một vị quan chức Mỹ khác cho rằng, vấn đề hiện tại giữa Mỹ và Nga có thể sẽ khuấy động lại những ký ức về Chiến tranh lạnh khi Mỹ hối thúc khối liên minh để tâm tới những mối đe dọa mới, cũng như những cách thức mới để đối mặt với chúng.
Thực tế
Dù bây giờ kế hoạch đối phó lâu dài với Nga của Mỹ mới được công khai, nhưng thực tế, Mỹ đã bắt đầu thực hiện bản kế hoạch này từ trước.
Sau khi công khai kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo tại châu Âu, Mỹ tiếp tục khiến Nga bất an khi công khai kế hoạch triển khai loạt kho quân sự tại Ba Lan.
Trang Sputnik ngày 14/6, dẫn lới Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng cho phép Mỹ đặt nhiều nhà kho quân sự tại nước này.
Theo nguồn tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Tomasz Siemoniak đã nhận được cam kết trong chuyến thăm Washington hồi tháng 5/2015 rằng, quyết định về việc triển khai các kho quân nhu và thiết bị quân sự tại Ba Lan sẽ sớm được phía Mỹ đưa ra.
Ông Siemoniak phát biểu trước truyền thông: "Chúng tôi đang thảo luận về triển vọng này với phía Mỹ. Chủ đề này đã được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp gần đây của tôi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Washington".
Người đứng đầu Quân đội Ba Lan khẳng định rằng động thái trên sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan và khu vực: “Từ lâu, chúng tôi đã muốn có sự hiện diện quân sự tối đa của quân đội Mỹ tại Ba Lan nói riêng và toàn bộ sườn phía đông của NATO nói chung".
Theo vị bộ trưởng này, Mỹ đang tính toán một gói biện pháp tổng thể, trong đó có việc triển khai vũ khí hạng nặng tại Ba Lan và các quốc gia khác, như đã làm tại châu Âu, để hỗ trợ việc triển khai binh lính tới khu vực này và sẽ sớm có quyết định về việc đặt các nhà kho quân sự tại Ba Lan.
Theo nhận định của Sputnik, nguyên nhân khiến Mỹ và Ba Lan thảo luận về kế hoạch đồng ý cho Washington triển khai các kho vũ khí tại Ba Lan bởi vì trong hầu hết các đồng minh tại châu Âu, hiện chỉ còn Ba Lan là chưa có sự hiện diện của kho vũ khí chiến lược của Mỹ.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện nay vũ khí hạt nhân chiến thuật được Mỹ triển khai tại Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Hà Lan.
SIPRI dẫn nguồn từ các Trung tâm Kiểm soát vũ khí và nhóm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân ước tính, hiện có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai tại các nước đó. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin về số vũ khí này luôn được Mỹ giữ kín.