Trên tạp chí National Interest, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) khẳng định chắc chắn Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống rađa và thiết bị nghe lén điện tử trên các đảo nhân tạo xây trái phép để theo dõi mọi hoạt động ở Biển Đông 24/7.
Đường băng dài 3.000m ở Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đủ sức tiếp nhận mọi máy bay.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây nhiều cơ sở để chứa máy bay chiến đấu tại đây.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đánh giá đường băng 3.000m đủ lớn để tiếp nhận máy bay ném bom B-52 hay máy bay Boeing 747.
Theo chuyên gia Glaser, với các đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể triển khai máy bay do thám, máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay chiến đấu.
“Tùy thuộc các hệ thống và hạ tầng được triển khai ở đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể đủ sức giám sát toàn bộ Biển Đông 24/7” - bà Glaser nhấn mạnh.
Chiến lược ngăn chặn tiếp cận của Trung Quốc
Thời gian qua, giới quân sự quốc tế nhiều lần cảnh báo Trung Quốc có thể đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Chuyên gia Glaser cho biết để quản lý ADIZ, Trung Quốc cần nhiều đường băng ở các địa điểm khác nhau trên Biển Đông.
Đến nay Bắc Kinh mở rộng các đường băng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lên 3.000m.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cũng đang chuẩn bị xây một đường băng lớn khác tại Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hồi tháng 11-2013, Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Chuyên gia Glaser kể khi đó một tướng quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng Bắc Kinh từ lâu đã lên kế hoạch lập ADIZ ở tất cả vùng biển lân cận, bao gồm biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Biển Đông.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng Trung Quốc dùng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông để thực hiện chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” (A2/AD), cản trở hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đông.
Các đường băng giúp quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu khắp Biển Đông. Như vậy, Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi các chiến dịch quân sự của Mỹ trong khu vực.
Máy bay Trung Quốc cũng đủ sức chặn đầu máy bay Mỹ và các nước ở những địa điểm cách xa biên giới Trung Quốc.
Thậm chí thời gian để máy bay chiến đấu và tàu chiến Trung Quốc tiếp cận eo biển Malacca cũng giảm đi đáng kể. Và nếu xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ có thể chặn tuyến hàng hải huyết mạch này, đe dọa thương mại toàn cầu.
Theo đô đốc Harris, tình báo Mỹ chưa phát hiện Trung Quốc đưa tên lửa hành trình chống tàu và các hệ thống hỗ trợ tới đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Tuy nhiên ông cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm đưa các vũ khí này, cộng với tên lửa đất đối không, tới Biển Đông. Ngoài ra, cầu cảng ở Đá Chữ Thập sẽ giúp các tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng hoạt động.
Công cụ để gây chiến
Chuyên gia Glaser nhận định nếu xung đột xảy ra trên Biển Đông, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép sẽ rất dễ bị lực lượng Mỹ phá hủy.
Nhưng trong thời bình, chúng sẽ tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc kiềm chế lực lượng Mỹ. Các đảo này cũng có thể phục vụ kế hoạch giành lại Đài Loan của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan. Một hạm đội tàu chiến của Mỹ từ Ấn Độ Dương hay vùng Vịnh sẽ phải đi qua Biển Đông.
Khi đó, quân đội Trung Quốc có đủ hạ tầng và vũ khí trên Biển Đông để ngăn chặn.
Từ các đảo nhân tạo đã xây dựng, quân đội Trung Quốc có thể triển khai máy bay trực thăng, tàu đổ bộ, pháo tự hành….
Thời gian qua Trung Quốc liên tục triển khai tàu ngăn chặn tàu dân sự Philippines tới bãi Cỏ Mây để tiếp tế cho nhóm lính thủy đánh bộ Philippines đang đóng tại đây.
Chuyên gia Glaser cho rằng tham vọng của Trung Quốc là nguy cơ rất lớn đối với khu vực. Bà nhấn mạnh ASEAN cần phải cố gắng đẩy nhanh nỗ lực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Đồng thời, Mỹ và các cường quốc phải liên tục tuần tra quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp do Trung Quốc xây để đảm bảo tự do hàng hải.
Trung Quốc có thể xây đảo nhân tạo ở bãi Scarborough
Theo báo Philippines Star, mới đây các quan chức Manila cảnh báo nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough để xây căn cứ hải quân tại đây. Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm bãi cạn này từ năm 2012.