Phó Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, Trung tướng William Faulkner cho biết, hiện lực lượng này đang duy trì 1.200 xe MRAP gồm nhiều phiên bản khác nhau ở Afghanistan.
Sau khi rút quân khỏi Afghanistan năm 2014, Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng phải rút toàn bộ khí tài của họ khỏi quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, do không còn các hoạt động quân sự quy mô lớn nào, quân đội Mỹ đang tính tới việc “từ bỏ” các loại phương tiện chiến tranh đang sử dụng ở Afghanistan. Theo ông W. Faulkner, Thủy quân Lục chiến Mỹ đang sở hữu khoảng 4.000 xe MRAP và con số này sẽ được giảm xuống còn 1.500 xe.
Theo đó, xe MRAP sẽ được tặng cho quân đội các quốc gia đồng minh tham gia hoạt động quân sự ở Afghanistan, còn một số khác sẽ được chuyển cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đóng quân tại bản quốc, Na Uy và Kuwai và các cơ sở đào tạo quân sự của Mỹ.
Theo luật pháp Mỹ, thỏa thuận về việc cung cấp vũ khí, trang bị cho nước ngoài cần có khoảng thời gian chờ đợi là 210 ngày. Trong khoảng thời gian này, để có hiệu lực, hợp đồng cung cấp vũ khí trên cần nhận được sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ.
Xuất hiện để đối phó với các mối nguy hiểm tiềm tàng từ mìn và thiết bị nổ tự chế (IED), xe bọc thép MRAP khác biệt so với các dòng xe thiết giáp thông thường ở kết cấu đáy hình chữ V giúp phân tán sức công phá của các khối thuốc nổ, mìn gài trên đường. Ngoài ra, các thiết kế về vị trí ngồi của binh sĩ đổ bộ, cho lái xe và bánh xe cũng được tối ưu hóa cho khả năng sống sót của kíp lái. Thực tế tại Afghanistan và Iraq đã chứng minh MRAP có thể bị hư hỏng tới không thể sửa chữa, nhưng nhiều kíp lái vẫn sống sót.
Ngoài tính năng chống mìn, MRAP còn được bọc giáp chống lại các dòng đạn bộ binh cỡ nhỏ và module điều khiển vũ khí tự động giúp kíp lái có thể tác chiến khi vẫn ngồi trong xe.