Mối họa kép đối với Israel

Chúc Sơn |

Trong khi đang bất an vì Nga sẵn sàng cung cấp hệ thống S-300 cho Iran bất cứ lúc nào thì Israel có thêm lý do để lo lắng vì Syria.

Mối họa của Israel

Sau cuộc phỏng vấn với hãng Interfax vừa qua, Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad đã úp mở về việc Nga nối lại cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria bị gián đoạn vì lệnh cấm của Liên hợp quốc.

Theo đó, ngày 27/6, hãng Interfax dẫn lời Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad cho biết, trong thời gian qua, Moscow và Damascus đã không gián đoạn việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự.

Ông Haddad cho biết khi trả lời phỏng vấn hãng Interfax: "Nga cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật và quân sự đầy đủ, tuân thủ các hợp đồng đã ký giữa hai nước. Hỗ trợ quân sự của Nga đối với quân đội Syria gồm có cả hoạt động đào tạo và các khía cạnh khác".

Theo lời ông Haddad: "Nga có lập trường rõ ràng kể từ đầu cuộc khủng hoảng Syria là ủng hộ chính phủ và quân đội Syria cũng như sự đấu tranh bền bỉ của nhân dân Syria". Những nỗ lực của cả 2 bên đã xây dựng sự hợp tác toàn diện và chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự.

Đại sứ Syria tại Moscow nhấn mạnh: “Nga dành cho Syria tất cả những gì cần thiết”. Tuy ông từ chối cung cấp thông tin cụ thể về loại hình trang bị mà Nga cung cấp cho nước này, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, rất có thể nó liên quan đến các hệ thống phòng không S-300.

Moi hoa kep doi voi Israel

Hệ thống phòng không Antei-2500.

Tại thời điểm nguy cơ Syria bị Mỹ tấn công bằng tên lửa hành trình đang lơ lửng trên đầu vào năm 2013, nước này đã nhận được một phần cấu kiện của tổ hợp tên lửa phòng không này nhưng còn thiếu một số bộ phận khác để hình thành năng lực tác chiến đầy đủ.

Đến đầu tháng 9/2013, Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga “vẫn chưa hoàn thành” hợp đồng xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 cho Syria.

Giới phân tích quân sự đánh giá, câu nói này của ông Putin cho thấy là hợp đồng đã được chuyển giao một phần, chứ chưa phải là toàn bộ.

Hiện nay, khi cuộc khủng hoảng Syria đã được giải quyết nhờ sáng kiến “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình”, cùng với việc Moscow vừa gỡ bỏ hạn chế trong hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran, rất có thể Damascus đã được cung cấp đầy đủ linh kiện cho hệ thống phòng không S-300.

Việc Nga có thể nối lại thương vụ S-300 với Syria rõ ràng là thông tin Israel không hề mong muốn bởi hiện nay, Tel Aviv cũng đang rất đau đầu với việc Nga sẵn sàng chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran bất cứ lúc nào.

Thông tin này được hãng RIA Novosti ngày 22/6 dẫn lời một quan chức cao cấp phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Theo nguồn tin này, Nga sẽ thực hiện chuyển giao cho Iran ngay khi Tehran rút đơn kiện đòi bồi thường 4 tỷ USD của họ tại tòa án trọng tài quốc tế Geneva do Moskva từ chối bán các hệ thống S-300.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Murtaz Sarmadi tiết lộ về việc đàm phán rút đơn kiện đối với Nga và đánh giá tích cực về kết quả đàm phán.

Bình luận việc đàm phán, cơ quan báo chí của Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, vấn đề này rất quan trọng đối với việc bán các hệ thống phòng không cho Tehran.

Được biết, giới quân sự Iran đã đồng ý sơ bộ việc mua và trang bị hệ thống tên lửa phòng không Antei-2500. Tháng 2/2015, Chủ tịch hãng Rostec đã không loại trừ việc bán cho Iran các hệ thống Antei-2500, biến thể cải tiến của hệ thống phòng không lục quân S-300V.

Israel gặp khó thế nào?

Trong khi Israel khẳng định họ thừa sức đối phó với hệ thống S-300 tại Iran thì truyền thông phương Tây cho rằng, Tel Aviv sẽ gặp khó nếu không kích Tehran.

Đại tá Zvika Haimovich - một quan chức không quân cấp cao của Israel - nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn:

"S-300 sẽ là đỉnh cao nhất trong số những vũ khí Nga sản xuất. Mặc dù loại tên lửa này sẽ gây ảnh hưởng tới các hoạt động của chúng ta, song chúng ta có khả năng đánh bại chúng".

Dù Israel rất tự tin về khả năng đối phó với hệ thống S-300, tuy nhiên tờ USA Today dẫn phân tích của tướng Không quân Mỹ Charles Wald cho rằng, Israel sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không kích Iran. "Đó sẽ là một cuộc tấn công phức tạp hơn bất kỳ cuộc tấn công nào trước kia".

Nếu so sánh, cuộc oanh kích của Israel nhằm vào lò phản ứng hạt nhân Osiraq của Iraq năm 1981 và một cuộc tấn công ở Syria năm 2007 là các chiến dịch đơn giản hơn nhiều, chỉ đòi hỏi Tel Aviv tấn công một mục tiêu đơn lẻ trên mặt đất.

Bên cạnh đó, cả Syria và Iraq đều không có các năng lực phòng không tinh vi. Còn với một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, sẽ chẳng có gì là dễ dàng, theo ông Wald. Khó khăn đầu tiên là Tầm bay.

Các phi công Israel sẽ gần đạt tới hoặc vượt quá tầm bay tối đa của những chiếc phi cơ F-15 và F-16 do Mỹ chế tạo, phụ thuộc vào hành trình họ sẽ đi theo cùng tốc độ và lượng chất nổ.

Theo cựu tướng Wald, người Israel hoặc phải cần tiếp nhiên liệu trên không hoặc hạ cánh đâu đó trên hành trình để tiếp nhiên liệu. Hiện chưa rõ liệu có nước nào cho phép làm điều này hoặc liệu Israel có thể thiết lập một cơ sở tiếp nhiên liệu bí mật trên sa mạc.

Tiếp nhiên liệu trên không cũng có rất nhiều khó khăn. Không lực Israel có năng lực tiếp nhiên liệu hạn chế.

Nếu vận hành bất kỳ một chiếc nào trong 4 chiếc máy bay tiếp dầu KC-130 của mình, họ sẽ phải cử máy bay chiến đấu đi theo bảo vệ, điều này càng kéo căng thêm các nguồn lực, theo Scott Johnson, một chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn quốc phòng IHS Jane's.

Bay qua bầu trời Iraq là tuyến thẳng nhất đối với các phi công Israel. Hiện Iraq không đủ khả năng bảo vệ hiệu quả không phận của mình và thực tế đó có thể cho Israel một con đường tiếp cận Iran trong khi phải duy trì một yếu tố bất ngờ.

Khó khăn tiếp theo Israel gặp phải là hệ thống Phòng không của Iran. Máy bay Israel có thể chọc thủng các hàng rào phòng không Iran.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Israel sẽ cần phải điều thêm máy bay để gây nhiễu radar và theo cách khác, phải vô hiệu hóa các hệ thống tên lửa và radar của Iran.

Tuy nhiên, khi phải đối diện với hệ thống phòng không S-300 (khi Iran được Nga chuyển giao), cơ hội thành công cho chiến đấu cơ Israel là rất thấp.

Theo phân tích của Tướng Wald, S-300 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất thế giới, hệ thống này có thể tiêu diệt đồng thời 24 máy bay trong vòng 200 km hoặc đánh chặn 16 tên lửa đạn đạo loại tầm ngắn - tầm trung.

Mỗi mục tiêu có thể bị tiêu diệt bằng 1 quả tên lửa hoặc theo loạt gồm 2 quả tên lửa. Khi bắn loạt, quả tên lửa thứ nhất sẽ được phóng bởi trắc thủ, còn quả thứ hai sẽ được phóng ở chế độ tự động.

Với sức mạnh của S-300, Israel sẽ phải đương đầu với mối nguy hiểm cực lớn nếu thực hiện không kích Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại