Minh oan cho xe tăng T-90 khi bị tên lửa TOW bắn trúng

Ngọc Hòa |

Theo phân tích, việc xe tăng T-90 bị tên lửa TOW bắn trúng là do lỗi của kíp lái và chiếc tăng này đã chứng minh khả năng phòng vệ rất mạnh.

Theo Viktor Murakhovsky, chuyên gia vũ khí và cựu lính lái xe tăng hiện là tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, đoạn video cho thấy chiếc xe tăng T-90 bị TOW bắn trúng là phiên bản sản xuất năm 1992, dựa vào đặc điểm tháp pháo và hệ thống chế áp quang điện tử Shtora của nó.

Hiện không rõ chiếc T-90 này do kíp lái người Nga hay người Syria điều khiển, nhưng điều dễ nhận thấy là họ đã mắc những sai sót cơ bản nhất khi sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại này, và suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Theo Murakhovsky, sai lầm thứ nhất của kíp lái là đã không bật hệ thống Shtora trên xe, hoặc hệ thống này bị hỏng mà họ không hề biết.

Khi các đèn chế áp quang điện trên xe tăng không hoạt động, tên lửa TOW dễ dàng xuyên thủng lớp phòng ngự thứ nhất của T-90 và bắn trúng mục tiêu.


Xe tăng T-90 của Nga triển khai ở Syria.

Xe tăng T-90 của Nga triển khai ở Syria.

Sai lầm thứ hai của kíp lái là để mở nắp tháp pháo của chiếc T-90 trong quá trình tham chiến. Tăng T-90 được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 được làm bằng vật liệu tổng hợp với những miếng kim loại phản ứng nổ.

Video cho thấy lớp giáp Kontakt-5 này đã hoạt động tốt khi chiếc T-90 bị trúng quả tên lửa TOW. Một tiếng nổ lớn bùng lên từ giáp phản ứng nổ, đẩy đầu đạn của TOW-2A ra khỏi xe tăng, giúp cho lớp giáp chính không bị xuyên thủng.

Sau tiếng nổ, tháp pháo xe tăng vẫn còn nguyên vẹn, hộp đạn của súng máy 12,7 ly trên xe không bị bung ra, và không có dấu hiệu nào cho thấy đạn pháo bên trong xe tăng bốc cháy. Có thể nói T-90 đã sống sót một cách ngoạn mục sau cú đòn này.

Các xe tăng của Nga được chế tạo để chịu được hầu hết các vũ khí chống tăng tấn công từ bất kỳ phương vị nào ở góc trên dưới 30 độ so với trục máy.

Tuy nhiên, vì nắp tháp pháo bị mở, sóng xung kích từ vụ nổ lớn có thể đã gây chấn động mạnh cho những người ngồi trong xe tăng, và hậu quả là người lính ở tháp pháo đã phải nhảy ra ngoài, có thể là do bị sốc.


Có khá nhiều xe tăng T-90 của Nga được cho là đã triển khai ở Syria.

Có khá nhiều xe tăng T-90 của Nga được cho là đã triển khai ở Syria.

Một sai lầm nữa của kíp tăng là họ không thực hiện đúng chiến thuật chiến đấu của đội hình tăng thiết giáp. Trên chiến trường, các xe tăng phải nằm trong đội hình của trung đoàn tăng và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng bộ binh.

Một xe tăng, nhất là lại đang nằm im một chỗ như chiếc T-90 trên, rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa.

Vụ việc xảy ra ở thị trấn Sheikh-Akil phía tây bắc Aleppo nơi nhóm "Đại bàng núi Zawiya", một nhóm nhỏ nằm trong quân đoàn 5 của Quân đội Tự do Syria (FSA) đang chiến đấu.

Sau phát bắn trên, quân nổi dậy rút lui với trang thiết bị của mình, chứng tỏ chiếc xe tăng nhiều khả năng đã rời đi và kíp tăng vẫn sống sót, dù hệ thống kính ngắm và kính quan sát của nó có thể bị hư hại.

Dù tăng T-90 không phải là công nghệ đột phá trong chiến tranh, hiệu quả trong hoạt động tác chiến có thể gia tăng đáng kể nếu chúng được sử dụng đúng đắn: hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, pháo binh và không quân và tuân thủ mệnh lệnh chung chứ không phải độc lập tác chiến, ông Murakhovsky nhấn mạnh.

Đoạn video chiếc T-90 bị tên lửa TOW bắn trúng do phiến quân tại Syria công bố ngày 26/2 đang gây sốt trên các trang mạng xã hội và đến nay, Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về vụ việc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại