“Đó là phiên bản tiêm kích hạng nhẹ trong tương lai dành cho không quân chiến thuật – PAK FA”, đại diện Hãng MiG cho biết. Tuy nhiên, ông này khẳng định, máy bay thế hệ 5 mới của MiG không dựa trên nguyên mẫu máy bay thế hệ 5 T-50 do hãng Sukhoi phát triển.
Theo đó, MiG sẽ phát triển một phiên bản PAK-FA hoàn toàn mới dựa trên công nghệ nguồn từ nguyên mẫu MiG-1.44.
Trước đó, hồi tháng 6-2015, hãng MiG từng tuyên bố nối lại chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 dù chưa nhận được bất kỳ đơn đặt hàng nào.
Từ một số thông tin sơ bộ, máy bay thế hệ thứ 5 mới được phát triển trên cơ sở máy bay tiêm kích đa nhiệm Mig-35 hiện có.
Tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4+ MiG-35 của hãng MiG.
Tuy nhiên, Tập đoàn chế tạo hàng không hợp nhất - UAC (Tổng công ty quản lý Hãng MiG) tuyên bố, phát triển các dòng tiêm kích hạng nhẹ không phải là ưu tiên hàng đầu của Nga.
MiG phát triển nguyên mẫu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Mig-1.44 trong thập kỷ 1990, nhưng do thiếu nguồn tài chính do Liên Xô tan vỡ, dự án đã bị dừng lại.
Nguyên mẫu Mig-1.44 đã được trưng bày lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không MASK-2015 tổ chức hồi tháng 8 vừa qua.
Theo đó Mig-1.44 được giới thiệu áp dụng công nghệ tàng hình nhờ thiết kế giảm phản xạ tín hiệu ra-đa và lớp sơn phủ đặc biệt; kết cấu cửa hút khí và vũ khí được giấu trong thân máy bay. Hãng MiG mới chỉ lắp ráp một chiếc nguyên mẫu Mig-1.44 duy nhất.
Hiện chưa rõ kế hoạch về thời điểm MiG giới thiệu máy bay thế hệ thứ 5 hạng nhẹ mới.
Trong cơ cấu ngành công nghiệp chế tạo hàng không Nga, hãng Mig nổi tiếng với các dòng máy bay tiêm kích đánh chặn. Trong đó, các dòng máy bay Mig-17, Mig-19 và Mig-21 có mặt trong biên chế Không quân Việt Nam.
Sản phẩm mới nhất của hãng MiG là Mig-35 cũng là ứng cử viên cho các quốc gia cần một dòng tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ, hai động cơ, cất cánh đường bắn ngắn không cần chuẩn bị như Việt Nam.